Bức thư

Bức thư
TP - "Có thể một ngày nào đó nhân loại sẽ có đủ trí thông minh để giải quyết xung đột mà không phải đưa những chàng trai như chúng tôi đi giết những người xa lạ"- Homer Steedly viết trong lá thư gửi gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm, cách đây 5 năm.

>> Kỳ 3: Khuôn mặt ẩn kín

Bức thư ảnh 1

Ngày 22-4-2005, Homer gửi bức thư điện tử sau đây, thông qua chị Phan Thanh Hảo, cho em trai út của người mà anh ta đã bắn chết.

Kính gửi ông Hoàng Đăng Cát, Tôi thực sự mong muốn được tận tay trao trả lại những tập tài liệu, nhưng tôi không đủ khả năng để thực hiện chuyến đi sang Việt Nam. Tôi đã về hưu, chỉ có một khoản thu nhập cố định và hiện đang có những vấn đề về sức khỏe - đơn giản là tôi không có tiền.

Thậm chí nếu tôi đến Việt Nam, tôi e rằng tôi quá nhút nhát khi gặp những người xa lạ, mà tôi không thể nói được một từ nào bằng ngôn ngữ của họ. Tôi lớn lên ở một trang trại nhỏ và lúc nào cũng rất nhút nhát. Tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể là trung đội trưởng và đại đội trưởng trong quân đội được.

Tôi rất xúc động về việc ông có một bàn thờ để những kỷ niệm về anh Đảm vẫn luôn sống động. Khi biết rằng linh hồn dũng cảm của anh ấy vẫn được kính trọng theo cách như vậy, tôi cảm thấy điều đó là tốt. Thật đau lòng khi nghĩ đến hàng trăm nghìn người thuộc cả hai phía của cuộc chiến tranh bi thảm kia vẫn còn mang nỗi đau tang tóc vì người thân yêu của họ không còn nữa.

Thỉnh thoảng mặc cảm tội lỗi vì còn sống sót lại trào lên trong tôi. Tôi sẽ nói điều gì khi tôi đi vào cõi vĩnh hằng? Liệu có chút lời chú giải đã được biết đến về điều răn dạy của Chúa "Con không được giết người" sẽ tha thứ cho việc giết người trong chiến trận hay không? Xin hãy xem xét điều mà tôi đã làm vì ngu dốt và điên rồ ở thời tuổi trẻ. Tôi đã cho rằng tôi là một người yêu nước thực sự. Vậy vì sao điều đó không đem lại cho tôi sự bằng an khi ở vào tuổi 59 này?

Anh Đảm và tôi tình cờ gặp nhau trên con đường mòn. Anh ấy và tôi nhìn thấy nhau và cả hai chúng tôi đều nghĩ đến chuyện bắn vào nhau. Tôi còn sống. Anh ấy thì đã chết. Trong hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi luôn mang theo hình ảnh thân thể trẻ trung của anh ấy nằm đó bất động. Đó là cuộc giết người đầu tiên của tôi. Tôi mong rằng đó có thể là lần cuối cùng. Vì sao một quân y sĩ lại chết mà tôi thì còn sống? Tôi không biết nữa.

Có thể một ngày nào đó nhân loại sẽ có đủ trí thông minh để giải quyết xung đột mà không phải đưa những chàng trai như chúng tôi đi giết những người xa lạ… Mọi người nên biết các nhà lãnh đạo của chúng ta đang làm gì khi họ phải sử dụng đến xung đột vũ trang để giải quyết các vấn đề chính trị. Vào lúc tôi từ giã cõi đời, anh Đảm và rất nhiều đồng đội của anh chắc chắn sẽ gọi tôi. Tôi không sợ... chỉ thấy buồn ghê gớm. Có lẽ chúng tôi sẽ gặp lại nhau như những người bạn.

Xin gửi ông lời chào kính trọng,

"Tôi không thể làm được điều đó", Homer nói với tôi. Anh ta hỏi liệu tôi có thể thay anh mang những tài liệu đó đi được không. Một ngày sau, tập tài liệu được gửi qua đường chuyển phát nhanh đã đến nhà tôi. Anh đã để những tài liệu đó ra đi.

*******

Tôi do dự rất lâu trước khi mở chiếc phong bì bọc kín ra. Tôi biết đối với gia đình nhà họ Hoàng, những thứ tôi đang giữ chính là một phần linh hồn của anh Đảm. Thoáng trong giây lát tôi có cảm giác giống như sự ân hận, do nỗi sợ hãi lẫn lộn gợi lên. Tôi đang đem cái gì vào trong nhà của mình thế này? Tôi không giết người đàn ông đó.

Khi ý nghĩ này đến, tôi phải cố gắng chống chọi. Một trong những người bạn Việt Nam viết thư cho tôi, khi tôi nói với chị rằng Homer có thể sẽ sang Việt Nam, rằng chị không muốn gặp anh ta, hoặc là không dám chắc là chị có thể nhìn vào mặt anh ta hay không. Tôi viết thư trả lời chị, nói rằng Homer có thể là tôi. Homer có thể là bất cứ ai trong chúng ta.

Nhà văn Wayne Karlin trao lại kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cho em trai anh - Hoàng Đăng Cát, năm 2005. Ảnh: George Evans
Nhà văn Wayne Karlin trao lại kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm cho em trai anh - Hoàng Đăng Cát, năm 2005. Ảnh: George Evans.

Tôi mở chiếc phong bì, lấy ra mấy quyển sổ và một số giấy tờ- một mùi giấy rất cũ, rất khô thoảng bay vào mũi. Tất cả được giữ gìn một cách cẩn thận. Tôi xem rất kỹ, giống như nhà khảo cổ xem xét một văn bản cổ quý giá.

Phía trên một trong những trang tiêu đề, anh Đảm vẽ một cành hoa phong lan màu xanh - đỏ rất đẹp, trau chuốt, cùng với tên mình "Hoàng Ngọc Đảm" phía dưới dòng chữ ghi ngày tháng, 1-1-1966, theo kiểu chữ viết hoa mà học sinh thường hay viết trên những quyển vở ghi chép ở trường học. Minh họa ở trang trước là bức vẽ bằng tay một chiếc kéo mổ y tế.

Ngày hôm đó, anh Lượng nói: "Cứ như là chúng tôi đang nhận lại thi thể của anh chúng tôi vậy.

Hàng trăm người đã đến, tất cả đều mang khăn tang trắng. Tôi nâng những tài liệu của anh Đảm trước ngực, trên hai bàn tay.

Nếu tôi là người thay mặt cho Homer, thì anh Đảm là người đại diện cho 142 thanh niên trong làng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và không bao giờ trở về nhà.  

Quyển sổ tay được chia thành nhiều phần với cách chữa trị các loại vết thương khác nhau, và điều ngạc nhiên là phần đầu tiên lại là hướng dẫn cách đỡ đẻ.

Từng trang, từng trang tiếp theo đều được minh họa bằng hình vẽ hoàn chỉnh về giải phẫu cơ thể người: đầu, các động mạch ở cổ, xương chân, xương hông, v.v… như thể anh chép lại cả một quyển sách về y học.

Ngắm nhìn và tận tay chạm vào những nét chữ rất nắn nót và rất đẹp, những con chữ được anh Đảm viết nhỏ xíu để chiếm càng ít chỗ càng tốt, cũng như các hình vẽ giải phẫu cơ thể người một cách tinh tế và hoàn chỉnh, tôi nghĩ đến lời than vãn thống thiết của Homer trong lá thư anh viết gửi cho anh Cát: Vì sao một quân y sĩ lại chết mà tôi thì còn sống?

Niềm hy vọng mà những hình vẽ và ghi chú tỉ mỉ này tiết lộ làm lòng tôi đau nhói. Cuốn sổ là tấm bùa mà con người trẻ trung ấy đã gắn bó và viết kín hết bằng một nỗ lực mãnh liệt hòng đem lại cho bản thân cái ảo hình một tương lai.

Kế hoạch của chúng tôi là ở lại thành phố Hồ Chí Minh, sau đó ra Bắc, đến Hà Nội, nơi tôi gặp gỡ các nhà văn bạn bè và để cho Homer làm quen đôi chút với một đất nước Việt Nam hiện đại trước khi đi gặp gia đình của người mà anh ta đã giết chết.

Kỳ tới : Chuyến đi

MỚI - NÓNG