Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ 8: Sự kiện ở Thái Giang

Homer cùng các sĩ quan quân đội khiêng linh cữu anh Đảm
Homer cùng các sĩ quan quân đội khiêng linh cữu anh Đảm
TP - 3 năm kể từ khi cựu chiến binh Homer Steedly hé mở thông tin về người anh ta đã giết, rốt cuộc thì liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm đã trở về quê mẹ nhờ nỗ lực của những người quan tâm đến anh. Sự kiện cảm động xảy ra ở Thái Bình hai năm trước nay tái hiện bởi cây bút nhiều duyên nợ với Việt Nam- Wayne Karlin.

 >> Kỳ 7: Hai cha con

Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ 8: Sự kiện ở Thái Giang ảnh 1

Homer ngồi cùng khoang tàu hỏa với mấy anh em nhà họ Hoàng, ngay bên hộp đựng hài cốt của anh Đảm. Tôi ngồi cạnh Homer và chị Tươi, ở tầng dưới cùng. Anh Lượng, anh Diệu và anh Cát (1) cùng với anh Quân ngồi ở ghế đối diện, mỉm cười với chúng tôi.

Chiếc hộp đựng hài cốt anh Đảm được đặt trên mặt chiếc bàn gấp bên dưới cửa sổ. Họ đã bỏ cờ phủ trên chiếc hộp các tông dầu gội đầu để người trên tàu không thể biết trong đó đựng gì. Nhưng khung ảnh kép của anh Đảm và anh Chi thì vẫn để phía trên hộp, lúc này khuôn mặt anh Đảm ở gần sát khuôn mặt Homer. Khoang của Homer, Jessica, Doug và tôi ở bên cạnh, nhưng anh em nhà họ Hoàng gọi chúng tôi sang ngồi cùng với họ.

Tôi cảm thấy có điều gì đó băn khoăn về Homer. Sau nghi lễ ở trên đồi, anh vẫn im lặng, vẻ bối rối. Hẳn là phải như thế, tôi nghĩ. Tôi còn có thể chờ đợi thái độ như thế nào nữa? Lễ cúng ở đèo Mang Yang thật tốt đẹp và kỳ lạ, nhưng tôi đã thầm mong giá mà mọi chuyện kết thúc sau khi chúng tôi tới Thái Giang, sau khi Homer thắp hương trên bàn thờ có ảnh của anh Đảm, và khấn lời xin lỗi.

Trách nhiệm nặng nề là phải mang bộ hài cốt của người mình đã giết về cùng với gia đình của người ấy dường như làm cho Homer im lặng trở lại. Bây giờ chúng tôi trở lại Thái Giang, anh sẽ phải chịu đựng lễ cải táng và việc chôn cất nữa. Đó là một yêu cầu quá lớn với bất cứ ai.

Sau khi nghi lễ trên đồi kết thúc, Homer lại len lỏi vào những con đường nhỏ và chụp cận cảnh những bông hoa. Lúc tôi đến gần, anh nói khi nhìn lên những ngọn núi kia, anh lại nhớ tới những đồng ngũ đã khuất, cũng như nhớ tới anh Đảm, khi đôi mắt trẻ trung từ trong khung ảnh thờ cứ luôn dõi theo và hút chặt ánh mắt của anh mỗi khi anh đưa mắt nhìn về phía ấy.

Tuy nhiên giờ đây mấy anh em nhà họ Hoàng đang rất vui vẻ. Trong đám tang, họ sẽ lại khóc than, tôi biết vậy, và trong giây lát tôi cảm thấy ghen tị với những hình thức nghi lễ trong cuộc sống của họ, khả năng xếp đặt nỗi buồn và niềm vui lên trên từng chiếc bàn thích hợp, như là hình ảnh được thắt bằng những dải ruy băng màu đỏ, được đóng khung phía trước cái nền là những rặng núi và đồng lúa xanh bất tận đang vun vút lùi lại đằng sau con tàu, qua ô cửa sổ.

Lúc này họ đang vui đùa với chúng tôi, tất cả cùng cố gắng để cho Homer hiểu là những gì mà họ báo cáo với linh hồn anh Đảm đều xuất phát từ trái tim. Chỉ có anh Diệu vẫn có vẻ buồn rầu, nét mặt anh bần thần, có lẽ anh nghĩ đến hài cốt của những người lính Mỹ anh đã bỏ lại trên mảnh đất Quảng Ngãi, mặc dù tôi không có lý do gì để nghĩ như vậy. Ngoại trừ cái nhu cầu của riêng tôi là phải có một sự cảm thương tương xứng nào đó cho những linh hồn đã khuất của chính chúng tôi.

***

Một lát sau, khi trở lại khoang tàu của mình, tôi bảo Homer kể lại cho nghe về trận đánh năm xưa của anh ở trên đồi, nơi chúng tôi tưởng nhớ anh Đảm. Homer nhìn tôi trong giây lát.

“Anh không thể hiểu được đâu, đó chính là cái sườn đồi nơi tôi giết anh Đảm”, Homer nói.

Một cái gì đó sắc nhọn nhói lên trong tim tôi. Tôi nhìn chằm chằm vào anh.

“Tôi cứ nhìn vào nơi đó, nghĩ rằng có thể tôi đã lầm”, anh nói. “Nhưng tất cả mọi thứ đều ở đúng vị trí đó. Chúng tôi được trực thăng thả xuống bên trên con đường (cách chỗ xe ô tô của chúng ta đỗ một quãng). Chúng tôi đi bộ xuôi xuống ngọn đồi nhỏ ấy, qua chỗ những mảng tường chắn bằng bê tông ở phía kia.

Tôi vẫn còn nhớ các mảng tường đó. Con đường hiện nay có khác trước, nhưng tôi nhớ khi đó tôi nghĩ là những mảng tường chắn bằng bê tông ở chỗ kia trông mới kỳ cục làm sao. Tôi nhớ cái khúc quanh trên con đường trước khi nó đổ xuống phía trong thung lũng. Con đường ở trong tấm bản đồ của tôi, và tôi đã trông thấy nó.

Tôi nhớ hình dáng của đỉnh núi ấy. Tôi nhớ những người lính đã chùn lại do dự. Tôi không còn nhớ điều gì cho tới tận lúc trở lại đó. Tôi không phải là chỉ huy trung đội chính quy của họ và họ nghĩ là có thể tránh nó, nên tôi phải tiến lên phía trước, cùng với tay bác sĩ quân y, hy vọng là họ sẽ đi theo”.

Anh dừng lại, thở một hơi thật sâu.

“Điều tôi nhớ nhất là cái cây. Vẫn cái cây ấy. Bao nhiêu là cây mọc trên triền núi, và rồi tới cái cây ấy, tán cây có hình thù kỳ lạ vươn ra cao hơn hẳn mọi thứ xung quanh. Cái cây ấy đứng cao vút lên như vậy. Tôi đã dùng nó làm đích khi chúng tôi trèo lên đỉnh núi”.

Tôi vẫn chăm chú nhìn anh, không thể thốt ra lời nào. Tôi nghĩ, nếu đây là một ai khác chứ không phải là Homer thì có thể tôi đã coi những gì anh vừa nói chỉ là một ý nghĩ mang tính ước mong.

Chương trình phát thanh quảng cáo bắt đầu bằng một giai điệu nhạc sến nào đó, một giọng nữ hát một bài chán ngắt. Tiếng bánh sắt nghiến lạch xạch trên đường ray.

“Anh ổn chứ, anh bạn?” - Cuối cùng tôi hỏi anh.

Homer mỉm cười với tôi. “Điều tôi đang cảm thấy”, anh nói, “là sự thanh thản”.

***

Chúng tôi xuất phát đi Thái Giang vào lúc 5 giờ 30 sáng hôm sau. Chị Tiến đi cùng với chúng tôi. Nhóm truyền hình đã trở về Hà Nội để thay máy quay phim mới, sau đó họ sẽ đi thẳng xuống làng.

Cả làng hầu như đã tập trung đông đủ. Khoảng sân dài nằm kế bên trụ sở Ủy ban nhân dân xã được che bằng một tấm bạt màu xanh. Hàng trăm người đứng ngồi khắp hai bên sân, một số dựa lưng vào tường, những người khác ngồi trên ghế, xếp thành hàng phía bên trái, trong đó có cả quân nhân, cả già lẫn trẻ, mặc quân phục màu xanh lá cây.

Homer cùng các sĩ quan quân đội khiêng linh cữu anh Đảm
Homer cùng các sĩ quan quân đội khiêng linh cữu anh Đảm . Ảnh: Doug Reese

Bên cạnh là ban nhạc bát âm mặc đồng phục trắng toát, đầu đội mũ lính, chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn bầu, đàn nguyệt, kèm phách - gồm những thanh tre gõ vào nhau theo nhịp - trống chầu, đàn thập lục mười sáu dây và sáo.

Phía cuối sân đặt một ban thờ, bên trên có ảnh anh Đảm, phía sau là chiếc tiểu nhỏ bằng sành rất nặng phủ quốc kỳ, có hài cốt bên trong. Bên trái ban thờ là một cái bục dành cho diễn giả và một chiếc micrô.

Hai anh Diệu và Lượng tiến lại chào chúng tôi, sau đó dẫn Homer, Jessica, Quân và tôi ngồi vào dãy ghế nhựa nhỏ màu xanh gần ban thờ. Doug đi lại phía sau cùng Jessica, tay cầm chiếc máy quay phim du lịch.

Homer nhìn ảnh anh Đảm. Tôi trông thấy mọi người trong đám đông phía sau chúng tôi nhìn Homer chằm chằm, rồi họ quay lại thì thầm to nhỏ với nhau, rồi lại nhìn anh chăm chú hơn. Anh ta ở đây. Người đã giết anh Đảm. Ánh mắt anh ấy lại dán chặt vào mắt anh Đảm trong tấm ảnh. Trời rất nóng và ẩm, cái nóng hắt ra từ thân thể mọi người gộp lại dưới tấm bạt che, ép chặt lên da thịt chúng tôi, nên không khí như cũng đã biến thành da, thành thịt.

Tôi nhìn thấy chị Tiến đang bắt tay mấy sĩ quan quân đội. Lần này thì thân quyến trong gia đình họ Hoàng đông hơn lần trước – toàn bộ dòng tộc – họ đang ngồi bên cạnh ban thờ và chiếc tiểu sành, cầu khấn và kêu khóc, trong đó có chị Phạm Thị Minh, vợ cũ của anh Đảm.

Nhiều người đứng dọc hai bên sân phía ngoài, xô cả vào lưng chúng tôi. Nhiều người còn trẻ - thế hệ mới. Tất cả những người thuộc họ Hoàng đều mặc đồ đen, chít khăn tang trắng quanh trán. Một người phụ nữ trẻ, mảnh dẻ, rất đẹp – sau này tôi được biết đó là cháu Quỳnh, con dâu của anh Diệu, làm việc ở trường Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc chiếc áo sơ mi có đính hạt cườm thành chữ “Versace”.

Khi ban nhạc đang chơi, từng nhóm nhỏ thân nhân trong gia đình, hoặc một nhóm bạn bè, lần lượt bước tới. Một người trong mỗi tốp mang chiếc khay trên có chai rượu, ít hoa quả và một chiếc phong bì. Đến gần ban thờ, họ bỏ giày dép, đặt chiếc khay lên ban thờ và trao chiếc phong bì cho người phụ nữ trẻ mặc áo thêu chữ Versace. Họ thắp hương, cắm vào chiếc lư đựng cát để trước ảnh anh Đảm, chắp tay lại rồi khấn, ba lần. Nhóm người tiếp theo lặp lại nghi lễ này, rồi nhóm tiếp theo, tiếp theo.

Cái nóng hầm hập tăng lên. Chúng tôi ngồi đờ đẫn, vì chuyến đi và cái nóng, giữa âm thanh của đàn bầu và tiếng trống dồn dập. Một vị tướng đứng trên bục và đọc bài diễn văn dài. Một tốp sĩ quan già hơn trong quân phục nghi lễ chính thức. Năm người lính trẻ trang phục dã chiến sạch sẽ màu ô liu xanh đứng thành hàng ngang phía trước ban thờ, từng người một giơ tay chào.

Tiếp đó, không phải liền ngay sau nhưng đủ để tạo ra một sự đối lập, một sự chuyển giao, là sự xuất hiện của năm cựu chiến binh già. Quân nói nhỏ với tôi đó là những người cùng nhập ngũ với anh Đảm năm xưa. Họ bước đến gần ban thờ, nét mặt hằn sâu vẻ khắc khổ, già nua và những nếp nhăn, nhưng dáng đi và tư thế thì thật thư thái.

Họ chào đón người đồng đội cũ trở về nhà - bức ảnh anh ấy vẫn mang bóng hình anh ấy, giống như những người lính trẻ đứng trước ban thờ, trong hình ảnh của một thời tuổi trẻ bất diệt đã qua của họ.

Và tôi nói với anh Đảm, rằng anh sống khôn thác thiêng, xin hãy ban ơn và tha thứ cho người đàn ông tốt bụng đang đứng kế bên tôi, người đã cướp mất cuộc đời anh, nhưng lại là người anh em dũng cảm và tốt bụng của anh đã đưa anh và tất cả chúng ta đến với hòa giải.

Kỳ tới: Ngày trở về 

 (1): Những người anh em ruột thịt của anh Đảm (BTV)

MỚI - NÓNG