Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ cuối

Những linh hồn phiêu dạt - Kỳ cuối
TP - “Song hành cuộc đời của hai người lính nông dân từ hai đầu trái đất. Chuyện làng quê, chuyện gia đình và người thân của họ đan quyện vào nhau. Một hành trình bắt đầu từ máu lửa chết chóc, kết thúc trong sám hối, cảm thông và hòa giải. Một cuốn sách lay động tâm can, khơi gợi ý nghĩ và hành động, được viết bằng văn phong trang nghiêm mà không kém phần lãng mạn”- Lời Nhà xuất bản Thông Tấn nói về Những linh hồn phiêu dạt.

>> Kỳ 8: Sự kiện ở Thái Giang

Homer thả nắm đất đầu tiên xuống mộ anh Đảm
Homer thả nắm đất đầu tiên xuống mộ anh Đảm . Ảnh: Jessica Phillips

Lại có thêm những bài diễn văn. Anh Lượng, nay là người nhiều tuổi nhất và là con trưởng, tiến lại phía sau ban thờ. Khi anh nói, tất cả đều im lặng. Giọng anh, thỉnh thoảng nghẹn lại vì xúc động, nghe trầm bổng giống như đang hát thánh ca.

Tôi có thể nghe thấy những từ mà tôi nhận biết được, có tên của chúng tôi, những người Mỹ, lại gắn với câu chuyện mà họ đã chứng kiến tại nghi lễ tổ chức bên sườn núi, nơi anh Đảm bị giết và nơi chúng tôi dừng lại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, để hài cốt anh ấy nghỉ chân.

Anh Lượng cũng nhắc đến chuyện hài cốt anh Đảm đã bị thất lạc như thế nào và làm sao mà lại tìm được anh. Câu chuyện về người bị thất lạc và người được cứu rỗi.

Khi anh nói xong, anh Diệu lên thay. Sau này, cháu Quỳnh đã dịch và gửi cho tôi một phần bài nói của anh:

Cách đây bốn mươi tư năm, người anh của gia đình chúng tôi theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường vào Nam đánh Mỹ.

Cuốn Những linh hồn phiêu dạt - Hành trình cùng người đã khuất và người đang sống ở Việt Nam dày hơn 500 trang của Wayne Karlin, Nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành theo hợp đồng nhượng quyền với Perseus Books Group, Mỹ sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng 8-2010.
Cuốn Những linh hồn phiêu dạt - Hành trình cùng người đã khuất và người đang sống ở Việt Nam dày hơn 500 trang của Wayne Karlin, Nhà xuất bản Thông Tấn ấn hành theo hợp đồng nhượng quyền với Perseus Books Group, Mỹ sẽ ra mắt bạn đọc vào tháng 8-2010.

Mười năm sau, năm 1974, tin sét đánh đến với gia đình, anh Đảm đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. Đảng ủy, Ủy ban và nhân dân xã Thái Giang đã tổ chức lễ truy điệu anh chỉ với một tờ giấy báo tử - không ba lô, không một tư trang theo về.

Tháng 4 năm 2002, 33 năm sau khi anh tôi hy sinh, anh em tôi được đồng đội của anh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, tạo điều kiện giúp đỡ, đã đi khắp núi rừng Pleiku mong tìm được anh, nhưng vì còn thiếu thông tin nên đành phải trở về mà không có anh.

36 năm sau, năm 2005, nước mắt của anh em, con cháu, của người thân trong gia đình lại chảy trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, chính quyền và đông đảo bà con quê hương với việc tiếp nhận các kỷ vật của anh từ chính người Mỹ đã sát hại anh lưu giữ suốt ba mươi sáu năm qua gửi về.

Hôm nay là lần trở về thứ ba của anh, sau 39 năm, nhưng đây là lần trở về trọn vẹn nhất. Một sự trở về vẻ vang, rất đáng tự hào trước sự đón tiếp long trọng và chu đáo của Đảng bộ và nhân dân xã nhà.

Vẻ vang này xin được dâng lên Đảng bộ và nhân dân xã nhà - người đã vun đắp bản lĩnh cách mạng tuyệt vời của anh tôi – liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm.

Xin được cảm ơn Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khai thông con đường để người Mỹ nhận ra lỗi lầm, trở lại Việt Nam, góp phần đưa anh chúng tôi về với quê hương.

Xin được cảm ơn hồn thiêng sông núi đã đưa đường dẫn lối cho anh trở về hôm nay.

Xin được cảm ơn sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành của tỉnh, của huyện, của xã và toàn thể nhân dân xã nhà đã dành cho gia đình chúng tôi một tình cảm đặc biệt trong buổi lễ hôm nay.

Xin được cảm ơn nhà văn, đạo diễn Minh Chuyên cùng đoàn làm phim Đài Truyền hình Việt Nam suốt mấy ngày qua đã cùng anh em chúng tôi lặn lội vào tận chiến trường xưa để ghi lại những hình ảnh xúc động trong chuyến đi này.

Xin cảm ơn các phương tiện thông tin đại chúng trong nhiều năm qua đã đăng tải nhiều tin tức quan trọng, giúp gia đình sớm tìm ra hài cốt anh tôi.

Xin được cảm ơn các bạn cựu chiến binh Mỹ. Chính những việc làm đầy thiện chí của các bạn trong suốt thời gian qua đã giúp chúng tôi nhận lại kỷ vật, cung cấp thông tin và cùng gia đình vào chiến trường xưa đón anh tôi trở về.

Xin được cảm ơn một bà mẹ người Mỹ – mẹ của Homer, chính bà đã giúp con trai mình lưu giữ rất cẩn thận các kỷ vật của anh tôi trong suốt hơn ba mươi năm qua.

Thưa ông Homer, chúng tôi biết rằng ông là một trong những cựu chiến binh Mỹ đã sớm nhận ra sai lầm của cuộc chiến tranh do người Mỹ gây ra trên đất nước chúng tôi và ông đã thực sự day dứt và bị ám ảnh suốt mấy chục năm qua. Linh hồn anh tôi và gia đình đã hoàn toàn tha thứ cho ông và coi ông như một người bạn. Đó cũng là truyền thống nhân văn và lòng vị tha của người Việt Nam chúng tôi.

Khi anh Diệu đọc xong, anh mời ba người Mỹ chúng tôi bước tới ban thờ. Chúng tôi đến gần chiếc chiếu trải phía trước ban thờ và lần lượt làm lễ. Khi bước lên, tôi nhìn vào mắt anh Đảm - tôi biết Homer cũng đang nhìn vào đó - và thầm thì nói lời xin lỗi anh, vì đã đến đất nước anh vào lúc ấy và với tư cách ấy - cũng như xin lỗi tất cả những người đã chết, người Việt Nam cũng như người Mỹ, vì những sự thiếu sót trong cuộc đời vô nghĩa của tôi, cũng cả vì những niềm vui của nó, bởi tất cả những gì mà những người đã khuất không bao giờ được nếm trải: đó là tình yêu mà tôi có trong vòng tay, đứa con trai mà tôi được nhìn thấy sinh ra trên trái đất này, và thậm chí nỗi đau đang nén chặt trong lồng ngực tôi, trong họng tôi khi đứng trước bức ảnh này, bức ảnh mà tôi có thể cảm nhận được bởi vì tôi đang được sống.

Và tôi nói với anh Đảm, rằng anh sống khôn thác thiêng, xin anh hãy ban ơn và tha thứ cho người đàn ông tốt bụng đang đứng kế bên tôi, người đã cướp mất cuộc đời anh, nhưng lại là người anh em dũng cảm và tốt bụng của anh đã đưa anh và tất cả chúng ta đến với hòa giải.

“Thú thật với ông là trước khi gặp ông, tôi chưa hề có một chút thiện cảm với bất cứ người Mỹ nào bởi đơn giản tôi là một cựu chiến binh Việt Nam”...

“Tôi rất mong đến trong dịp hè này để có thể cùng dự lễ tưởng niệm với gia đình, và tôi rất vinh dự vì ông đã có lời mời tôi. Thật không may là tôi không thể thu xếp để đến vào dịp này, nhưng tôi mong rằng tôi có thể đến vào mùa đông tới”...

(Thư gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm và của Wayne Karlin, sau loạt bài Những linh hồn phiêu dạt in báo Tiền Phong)

Số tới: Những bức thư tháng Bảy

 

Đoạn kết của 'Những linh hồn phiêu dạt'

Bản thảo đầu tiên Những linh hồn phiêu dạt viết xong vào cuối tháng 7 - 2008. Sau đó không lâu, tôi nhận được nhiều thư điện tử Việt Nam kể về bộ phim tài liệu của đạo diễn Minh Chuyên.

Anh đặt tên bộ phim là Linh hồn Việt Cộng, một tiêu đề có vẻ hơi kỳ cục, khi tôi cho rằng anh Đảm là một người lính chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng đạo diễn Minh Chuyên, vốn là cựu chiến binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, thì trong suy nghĩ của nhiều người, Việt Cộng là thuật ngữ dùng để chỉ bất cứ ai tham gia chiến đấu chống lại binh lính Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Vài tuần sau, tôi tải bộ phim từ Internet xuống, cùng xem với Wick và Nguyễn Hồ – cả hai giúp tôi dịch lời bình. Mặc dù đạo diễn Minh Chuyên đã ghi lại một cách cơ bản câu chuyện của chúng tôi, anh ấy cũng loại bỏ và thay đổi một số sự kiện nhất định. Ví dụ cho rằng buổi lễ mà chúng tôi tổ chức tại đèo Mang Yang là ở gần nghĩa trang, rằng Homer đã giúp tìm ra chính ngôi mộ của anh Đảm. Tôi cho rằng các chi tiết được dựng lên theo cách mà anh Minh Chuyên coi là để tăng thêm kịch tính dường như không cần thiết.

Sự thực đã có đủ kịch tính rồi. Nhưng ít nhất, tôi tự nhủ, là tinh thần của những gì đã xảy ra vẫn được ghi lại trong phim, và tinh thần đó đã làm cho khán giả cảm động.

Tuy vậy, ngày 23-8, một số bài đăng trên mấy tờ báo ở Việt Nam đặt vấn đề về sự không nhất quán giữa địa danh nêu trong phim với địa danh đích thực. Một bài báo cũng đặt câu hỏi tại sao đạo diễn không cho quay cảnh cất bốc hài cốt anh Đảm và một số di vật tìm thấy trong mộ để chứng minh cho lời nhà ngoại cảm đã xác định nơi Đảm đang yên nghỉ là đúng.

Tôi nhớ tình thế đã thay đổi nhanh chóng như thế nào khi chúng tôi đang chờ ở Pleiku. Và tôi, Homer, Jessica thở phào nhẹ nhõm ra sao khi nhận được tin gia đình họ Hoàng đã xin được phép. Cả sự ngạc nhiên của tôi khi thấy tất thảy công việc được hoàn thành một cách nhanh gọn.

Nhưng đúng như Jessica nhận xét, khi chiếc tiểu sành được đưa xuống huyệt bị trượt nghiêng, giống như mọi câu chuyện có thực về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, câu chuyện này kết thúc một cách không rõ ràng. Có phải đã thực sự bốc được đúng hài cốt anh Đảm hay không? Đó không phải là điều tôi băn khoăn.

Họ đã chôn một bộ hài cốt có thể được chôn. Nếu đó không phải là anh Đảm thì cũng là một chiến sĩ vô danh nào đó ở miền Bắc đã được đưa về nhà. Điều đọng lại trong tâm trí tôi là sự cảm thông của gia đình họ Hoàng đối với Homer, là sự cần thiết phải đào cái quá khứ lên để chôn nó trở xuống cho thật đúng với sự hiểu biết, thông cảm và những nghi thức cần thiết.

Có lẽ bộ hài cốt mà chúng tôi đã cải táng vào lòng đất đúng là hài cốt anh Đảm – điều mà tôi thấy ở đèo Mang Yang, đã chứng kiến tận mắt. Điều mà tôi cảm thấy ở Thái Giang, và cảm nhận bằng trái tim mình.

Gia đình họ Hoàng có được cái kết của chính mình. Họ đã thực hiện việc mà họ cảm thấy cần phải làm.

Cả Homer cũng vậy.

Wayne Karlin

MỚI - NÓNG