Những bức thư tháng bảy

Nhà văn Wayne Karlin
Nhà văn Wayne Karlin
TP - Những ngày tháng bảy này, sau loạt bài Tiền Phong trích in từ cuốn sách sắp phát hành Những linh hồn phiêu dạt (NXB Thông Tấn), tác giả Wayne Karlin đã có cuộc trao đổi thư điện tử với những người anh em của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (thông qua dịch giả Thảo Đan). Tiền Phong hé mở cuộc trò chuyện này với sự cho phép của người trong cuộc.

>> Kỳ cuối: Ngày trở về

Nhà văn Wayne Karlin
Nhà văn Wayne Karlin . Ảnh: TTXVN

Ông Wayne Karlin kính mến!

Tháng 7 ở Việt Nam là tháng toàn dân tộc Việt Nam đều mong muốn làm một việc gì đó để tri ân với người đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Từ tháng 7 năm 2005 tới nay, năm nào gia đình họ Hoàng chúng tôi cũng có những kỷ niệm sâu sắc về hai người anh trai của chúng tôi là Hoàng Ngọc Đảm và Hoàng Đăng Chi.

Xin báo tin vui tới ông là những người bạn của ông và gia đình chúng tôi cũng vừa làm được một việc để tri ân tới 201 liệt sỹ của xã Thái Giang- Thái Thụy - Thái Bình.

Tôi đã đọc một số chương trong cuốn sách Những linh hồn phiêu dạt của ông. Tôi vô cùng cảm động và thực sự bất ngờ, ông đã đọc được qua ánh mắt về suy nghĩ của tôi ở buổi đón nhận kỷ vật bác Đảm năm 2005. Đặc biệt những kỷ niệm rất đời thường thời niên thiếu của anh Hoàng Ngọc Đảm, được ông kể lại một cách trung thực. Điều đó làm cho gia đình họ Hoàng chúng tôi vô cùng cảm động.

Thưa ông, năm lần được gặp ông đã để lại cho gia đình tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp.

Gia đình họ Hoàng kính mời ông sang Việt Nam và tới gia đình tôi thắp hương anh Hoàng Ngọc Đảm trong lễ đón nhận sách Những linh hồn phiêu dạt mà ông đã dành rất rất nhiều công sức và tình cảm gói trọn trong cuốn sách.

Xin gửi tới ông và gia đình lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe!

Hân hạnh được đón tiếp ông.

************

Ông Cát thân mến!

Xin rất cảm ơn ông vì đã viết thư cho tôi. Tôi rất cảm động vì giờ đây ông và gia đình đã có thể đọc được điều tôi đã viết ra và tôi mang ơn những dịch giả Thảo Đan, Lê Phượng và Hồ Anh Thái đã làm cho điều đó thành sự thực.

Trải nghiệm của tôi về tất cả mọi người trong gia đình và Thái Giang đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của tôi trong nhiều phương diện đầy ý nghĩa. Tôi có được biết bao kỷ niệm ấm áp về tất cả các anh các chị.

Tôi hy vọng rằng cuốn sách của tôi sẽ là một tấm lòng thành kính dâng lên linh hồn cả hai người anh của ông, và dâng tặng mọi vong linh thuộc tất cả các bên đã chết trong một cuộc chiến tranh mà - như tình bằng hữu của chúng ta đã minh chứng - không bao giờ nên xẩy ra.

Tôi rất mong được đến trong dịp hè này để có thể cùng dự lễ tưởng niệm với toàn gia đình, và tôi rất vinh dự vì ông đã có lời mời tôi. Thật không may là tôi không thể thu xếp để đến vào dịp này, nhưng tôi mong rằng tôi có thể đến vào mùa đông tới.

Vào dịp đó, tôi mong lại được về thăm Thái Giang, và mang các bản sách cả tiếng Anh và tiếng Việt về, rồi thắp hương cùng ông dâng tặng những bản sách này cho hai người anh của ông và tất cả các liệt sỹ ở Thái Giang.

Gần đây, khi tôi viết thư cho ông Homer để nói rằng cuốn sách sắp được xuất bản ở Việt Nam, ông ấy đã viết trả lời tôi rằng ông ấy mong sao câu chuyện sẽ đem hòa bình tới cho mọi con tim của các cựu chiến binh Việt Nam, cũng như nó đã đem sự an bình đến cho trái tim của chính ông ấy và cho bao nhiêu cựu chiến binh ở nước Mỹ này.

Tôi chia sẻ lời ước nguyện của ông ấy. Tôi cũng mang ơn cá nhân ông và gia quyến đã tin tưởng tôi và cho phép tôi kể lại câu chuyện của gia đình.

Tôi xin gửi lời thăm hỏi nồng nhiệt nhất tới mọi người!

Kính thư,
Wayne

************

Kính gửi ông Wayne!

Tôi chưa được đọc hết những trang ông viết trong cuốn sách Những linh hồn phiêu dạt vừa dịch sang tiếng Việt, nhưng đã đọc những phần chính câu chuyện của gia đình tôi trong đó có bản thân tôi. Trước hết cho tôi bày tỏ lòng cảm ơn và khâm phục đối với ông về những trang viết rất chân thật bằng sự quan sát tinh tế và cảm thông sâu sắc.

Gương mặt đầy tâm trạng của anh Hoàng Minh Diệu, em rể liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm
Gương mặt đầy tâm trạng của anh Hoàng Minh Diệu, em rể liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Ảnh: Jessica Phillips

Thú thật với ông là trước khi gặp ông, tôi chưa hề có một chút thiện cảm với bất cứ người Mỹ nào, bởi đơn giản tôi là một cựu chiến binh Việt Nam. Nhưng sau tháng 5-2005 ấy mọi thứ đã thay đổi. Hy vọng sẽ được gặp lại ông trong một ngày gần đây như những người bạn thân thiết nhất.

Xin kính chúc ông và gia đình luôn bình an và mạnh khỏe.

Kính thư,
Hoàng Minh Diệu

************

Ông Diệu thân mến của tôi!

Tôi rất vui khi nhận được thư ông và cũng vui vì ông đã đọc một số đoạn trong cuốn sách của tôi. Tôi đã cố gắng hết sức để có sự chính xác và trung thực nhất khi viết về những sự kiện mà cả hai chúng ta cùng trải nghiệm.

Cho tới khi ông gặp tôi, theo như trong thư, thì ông chưa bao giờ có cảm tình với bất cứ người Mỹ nào. Tôi có cảm giác rằng linh hồn anh Đảm đã tạo ra cuộc gặp gỡ đó và tôi hy vọng cuốn sách sẽ làm cho nhiều người khác, cả người Mỹ lẫn người Việt, cũng có được những cảm giác mà cuộc gặp mặt của chúng ta đã tạo ra cho ông cũng như cho tôi. Cuộc gặp gỡ cho phép chúng ta coi nhau như những con người, như anh chị em, thay vì coi nhau như kẻ thù.

Có lẽ điều trớ trêu là ông và tôi chia sẻ một mối gắn kết đặc biệt: Những cảm xúc về nhau như những người bạn cuộn chảy sâu sắc hơn vì chúng ta biết rằng trước kia chúng ta từng cố gắng giết nhau.

Nhưng bất cứ ai chiến đấu ở phía bên này hay phía bên kia đều biết về cái giá phải trả trong cuộc chiến, và đó là ý thức, nhiệm vụ của chúng ta đối với những người như anh Đảm, anh Chi và biết bao con người khác không còn hiện hữu trên cõi đời này, muốn chuyển tải.

Tôi cũng mong gặp lại ông, xin gửi lời chào nồng ấm của tôi tới mọi người trong gia đình ông.

Hãy vì hòa bình.

Anh Diệu ngước nhìn lên, vẻ sắc lạnh: "Tôi cũng là một cựu chiến binh", anh nói một cách nghiêm nghị, và rồi bất chợt anh kể cho chúng tôi nghe về cuộc phục kích một đội tuần tiễu do thám vào tháng 5-1967 và đã giết tất cả đám lính đó - lại một cuộc gặp gỡ định mệnh. Khi đó anh Diệu là thành viên trong tiểu đội đặc công gồm mười người. Đội này phát hiện và bao vây chặt đám lính Mỹ, rồi giết hết lúc họ nghỉ chân trước khi xuống đồi. Sau đó, anh cùng đồng đội chôn cất những người lính Mỹ.

Khi anh Diệu kể chuyện, tôi không biết đó có phải là một cách anh bịa chuyện để trả hận cho anh Đảm hay không. Nhưng nhìn vào mắt anh, tôi không thấy sự đắc thắng, mà chỉ thấy nỗi đau. Bất chợt định lý có vay có trả trở nên rõ ràng - anh Diệu đang trả những người lính mà anh giấu trong lòng đất lại cho gia đình của họ, giống như chúng tôi đang đem anh Đảm trả lại cho gia đình của anh. Sau đó Bill Deeter, một người Mỹ làm việc cho đội tìm kiếm hài cốt Mỹ, đã kiểm tra lại câu chuyện và xác định rằng vụ việc ấy đã được điều tra và hài cốt của đội tuần tiễu được tìm thấy đúng nơi anh Diệu kể lại - (Wayne Karlin viết về Hoàng Minh Diệu trong Những linh hồn phiêu dạt )

Số tới: Không chỉ là chuyện của hai người lính - Bài của nhà văn Hồ Anh Thái.

MỚI - NÓNG