Không chỉ là chuyện của hai người lính

Homer Steedly trao hài cốt của anh Đảm cho chị Tươi em gái anh, ở ga Thái Bình
Homer Steedly trao hài cốt của anh Đảm cho chị Tươi em gái anh, ở ga Thái Bình
TP - Có một cuộc chạm trán bất ngờ vào ngày 19-3-1969 tại rừng núi Pleiku. Chỉ trong giây lát, cả người lính Mỹ Homer và người lính Việt Nam cùng giương súng lên. Và viên đạn của Homer đã quật ngã người lính đối phương.

>> Những bức thư tháng bảy

Homer Steedly trao hài cốt của anh Đảm cho chị Tươi em gái anh, ở ga Thái Bình
Homer Steedly trao hài cốt của anh Đảm cho chị Tươi em gái anh, ở ga Thái Bình . Ảnh: Jessica Phillips

Homer thu nhặt cuốn sổ tay và giấy tờ của người lính Việt Nam, gửi về Mỹ, nhờ bà mẹ cất giữ gần bốn chục năm trời trên căn phòng áp mái. Dường như linh hồn của người lính Việt Nam không thể yên khi còn phải chịu cảnh tha hương.

Rốt cuộc, người lính Mỹ bị khuấy động tâm can đã phải tìm đến nhà văn Wayne Karlin, kể lại câu chuyện của mình và nhờ nhà văn đem chỗ giấy tờ sang Việt Nam, trả lại cho gia đình người đã khuất. Năm 2008, nhà văn còn thu xếp cho Homer sang Việt Nam, thắp nén hương trên bàn thờ liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm ở Thái Bình, rồi cùng gia đình lên Tây Nguyên cất bốc hài cốt, đưa anh Đảm trở về quê hương ở xã Thái Giang.

Tôi không thể nhớ mình từng đọc cuốn sách nào khiến tôi xúc động sâu sắc như vậy. Cách Wayne Karlin khắc họa những tình tiết về sự đồng cảm, sự gia ân và lòng vị tha (về phía Việt Nam- ND) đã xảy ra như thế nào sau khi một Homer Steedly tuyệt vọng tìm cách tiếp cận ông thật là đáng kinh ngạc. Phải là một nhà văn có sự hiểu biết cao cả và tài năng tuyệt vời thì mới có thể nắm bắt đầy đủ sự tinh túy của trải nghiệm đó.  (Michael Archer, Reno, Nevada -  cựu chiến binh đóng ở Khe Sanh)  

Wayne Karlin viết lại câu chuyện này trong cuốn Những linh hồn phiêu dạt. Bạn bè văn chương ở Việt Nam, những người đã giúp ông tìm ra gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm ở Thái Bình, giờ đây lại càng xúc động khi cầm trên tay một cuốn sách chân thực đến tận cùng.

Đồng nghiệp văn chương ở Mỹ cũng choáng váng trước một bi kịch chiến tranh được đẩy lên tầm khái quát đến như vậy. Nhà sử học Marc Leepson viết: "Những linh hồn phiêu dạt là tác phẩm hấp dẫn, viết bằng một văn phong đẹp, nhìn chung là đỉnh cao trong sự nghiệp suốt đời của Wayne Karlin.

Tôi không tin một ai khác có thể kể được câu chuyện cảm động này, thảng hoặc đau đớn, nhưng rốt cục mang tính cứu rỗi, về hai con người mà mạng sống giao nhau giây lát trong một cuộc đụng đầu sống còn ở Việt Nam 40 năm trước, những người mà đời sống đã gặp lại nhau như một biểu tượng sau gần bốn thập kỷ".

Nhà văn Tim O'Brien bình luận: "Đây là cuốn sách xúc động, hoàn toàn chân thực và cởi mở. Cuốn sách trở thành chuẩn mực trong nền văn học Mỹ về cơn hậu chấn của cuộc phiêu lưu sai lầm khủng khiếp ở Việt Nam"...

Cuốn sách viết về người thật việc thật đã thể hiện tài năng của Wayne Karlin trong thể loại ký sự. Ông huy động cả kho tư liệu khai thác được từ các cơ quan lưu trữ ở Mỹ, thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với gia đình, bạn bè của cả hai người lính.

Tác giả cũng tham khảo quan điểm của nhiều tầng lớp khác nhau ở cả hai bên. Chiều kích của tác phẩm mở dần ra, lớn dần lên, không chỉ là chuyện của hai người lính, đó còn là bức tranh toàn cảnh về chiến tranh Việt Nam. Hiệu quả ấy có được nhờ khả năng phân tích và tổng hợp tài liệu, khả năng tổ chức nhân vật và sự kiện của một tiểu thuyết gia, và nhờ ở một văn phong trang nghiêm mà trữ tình của Wayne Karlin. Nhiều trang sách khiến người đọc gai người hoặc rưng rưng xúc động.

Tác giả tái hiện cuộc sống, tình yêu của người lính Việt và người lính Mỹ, hai người lính nông dân bình dị, một ở vùng quê lúa Thái Bình, một ở vùng đầm lầy thuộc bang Nam Carolina. Bức chân dung hai người lính cứ thế mà chen lẫn, chồng lấn, xếp đặt cạnh nhau qua thủ pháp phục hiện quá khứ và đồng hiện về thời gian, không gian.

Phép liên tưởng, đối chiếu, so sánh cứ liên tục tắt - bật, tạo cảm giác hòa quyện thân phận những người lính, phía bên này và phía bên kia, người đã chết và người đang sống...

Chính là tình cảm đối với cả hai đất nước mà Wayne Karlin yêu mến đã tìm đường truyền cảm qua những trang sách. Và đến lượt độc giả, đọc xong cuốn sách, người ta thấy tâm trí mình cũng bị khuấy động lên, không làm sao còn yên tĩnh được nữa.

Tôi thích cuốn sách này. Tôi là một người lính bộ binh ở Việt Nam, cũng có những trải nghiệm tương tự Homer, và câu chuyện về sự hòa giải làm tôi quan tâm.

Nhưng cuốn sách còn đem lại cho tôi nhiều hơn thế. Wayne Karlin đã khơi sâu vào đời sống thời hậu chiến của những người lính, và gia đình họ.

Qua những câu chuyện này, tôi thu nhận được sự hiểu biết rõ ràng hơn về những điều mà mình khắc khoải bao năm nay. Đó là biết chắc chắn rằng không chỉ mình tôi là "một kẻ lang thang cô đơn".

Tôi cho rằng cuốn sách sẽ khiến người đọc ý thức rõ hơn về chuyện những người lính chiến đã phải chịu đựng ra sao sau khi các dân tộc tham chiến tuyên bố rằng cuộc chiến đã kết thúc

Tom Lacombe , Brown town- Virginia, cựu chiến binh Mỹ đóng tại Pleiku 1969-70

Số tới: George Evans, một linh hồn phiêu dạt (Bài của nhà văn Lê Minh Khuê)

MỚI - NÓNG