Đỏ mắt bên sông Lam

Cuộc hội ngộ giũa bà Mừng và ân nhân cứu mạng
Cuộc hội ngộ giũa bà Mừng và ân nhân cứu mạng
TP - Cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ xe khách trôi xuống dòng sông Lam vẫn đang tiếp diễn trong nỗi đau xé lòng của thân nhân…
Cuộc hội ngộ giũa bà Mừng và ân nhân cứu mạng
Cuộc hội ngộ giũa bà Mừng và ân nhân cứu mạng.

Quá nhiều gương mặt đau khổ ngồi trước khách sạn Lam Kiều nhìn ra dòng sông Lam mênh mông ngầu đục nước. Nơi đây trở thành chỗ tá túc của thân nhân những người mất tích trên chuyến xe khách bị lũ cuốn trôi. Được bố trí ở miễn phí trong khách sạn nhưng sự ưu đãi ấy chẳng thấm vào đâu so với nỗi đau đang đè nặng tâm can họ.

Chiếc xe taxi dừng trước cửa khách sạn, một cô gái chạy ào vào căn phòng trên tầng 2. Cả căn phòng òa lên những tiếng khóc. Cô gái ấy là Nguyễn Thị Hằng, chị của Nguyễn Thùy đã mất tích trong đêm định mệnh ấy.

Hằng từ Nam Định vào đây, chỉ mong tìm thấy xác đứa em ruột và em họ. Nguyễn Đăng Khoa, em họ của Hằng 17 tuổi cũng bị lũ cuốn trôi.

Ông Nguyễn Đăng Lực, bố Khoa, may mắn thoát chết, đang cố ghìm dòng nước mắt…Quê ở Nam Định, nghèo khó khiến người đàn ông này phải tha hương vào Tây Nguyên kiếm sống.

Ông Lực liên tục nhận được điện thoại hỏi thăm tin tức về con và cháu của người thân
Ông Lực liên tục nhận được điện thoại hỏi thăm tin tức về con và cháu của người thân.

Chuyến này ông cùng con trai và đứa cháu gái về thăm quê trên chiếc xe khách giường nằm 48K - 5868. Chiếc xe chạy đến đoạn đường quốc lộ ngập nước ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông Khoa ngồi ở hàng ghế số 6, bên phải, nhìn ra ngoài chỉ thấy một dòng sông mênh mông sóng nước.

Xe vẫn cứ đi. Ông bỗng nổi da gà, nghe người lái phụ hét với tài xế: Cứ thẳng mà đi. Xe đi thẳng nhưng bỗng sụt xuống. Chết máy. Nhìn ra cửa sổ thấy xe đang trôi, ông lấy tay đập cửa kính, nhưng không thể nào đập được. Bỗng “choang”, lái xe đã dùng phụ tùng đập vỡ cửa kính. Nhiều người chui ra ngoài. Ông cũng chui ra ngoài, nhảy xuống sông để thử độ sâu. Theo ước tính của ông, dòng nước ở chỗ đó sâu cỡ 6 mét. Ông hét con trai và cháu ra khỏi xe.

“Cả hai đứa không dám ra vì chúng đều không biết bơi. Tôi bảo phải ra ngay, bố sẽ dìu. Khi cả hai đứa ra tôi hai tay nắm lấy cổ áo hai đứa, ngửa người ra để bơi vào bờ. Nhưng tôi không thể bơi ngược dòng nước xiết. Cả hai đứa hoảng sợ, hét: “Bố ơi, cậu ơi, con không biết bơi”.

Chúng lại lao vào xe. Lúc đó chiếc xe vẫn đang nổi, nước chưa lên đến cửa kính. Tôi buộc lòng phải quay lại, ngồi trên mui xe. Tôi gọi tiếng thứ nhất: “Khoa ơi”, nghe tiếng con trai “Dạ, bố ơi cứu con”. Tôi gọi tiếng thứ hai: “Khoa ơi, Thùy ơi”. Im bặt.

Xe bắt đầu chìm xuống, nhưng tôi không thể chui vào trong xe, cũng không thể rời xe vì còn con và cháu mình ở đó. Mưa to, gió lớn, trời tối đen như mực. Tôi chìm theo xe được khoảng 3 mét, thì nổi lên, gạt nước mắt, nghiến răng, bơi vào bờ.

Lúc đó, còn khoảng 10 người trong xe. Tôi ngoái đầu lại, thấy xe vẫn nổi phần đầu và trôi mất hút vào đêm đen. Chỗ xe chìm cách bờ khoảng 100m, nhưng tôi phải bơi 300 m mới vào được bờ. Tôi bò vào nhà một người dân. Họ bảo nhà cũng có thuyền nhỏ, nhưng mất mái chèo, không thể ra sông.

Nhìn con cháu chết chìm trước mắt mình, trong gang tấc mà không cứu được, còn gì đau hơn thế! Bây giờ tôi chỉ mong sớm tìm được thi thể con cháu tôi. Tôi phó thác toàn bộ hy vọng đó cho lực lượng cứu hộ. Bao giờ tìm được tôi mới về. Đi ba cha con cậu cháu, giờ về chỉ mình tôi…”.

Phòng bên, anh Phạm Hùng Trà cứ nhìn mãi vào cuốn hộ khẩu của em gái Phạm Thị Cúc. Cuốn hộ khẩu bây giờ chắc sẽ phải xóa đi hai cái tên. Chị Cúc quê ở Hải Hậu, Nam Định, thuộc diện hộ nghèo, vừa được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới, nhưng vẫn đang phải vay nợ. Mẹ chị ở Tây Nguyên nhắn con gái ẵm đứa cháu ngoại mới 8 tháng tuổi vào chơi để bà nhìn thấy mặt. Trên đường về trên chuyến xe có cái biển số 48K -5868 ấy, chị Cúc và con gái đã bị lũ cuốn trôi.

Anh Trà nghẹn ngào: “Chồng em gái tôi bị tàn tật, không đi được, nên tôi ra đây, cũng chỉ hy vọng mang được thi thể em gái và cháu về…”.

Nhận ân nhân làm con

Chiều qua, một cuộc hội ngộ trong nước mắt tại căn nhà nhỏ của anh Nguyễn Văn Chung ở thôn 9, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Vừa ra viện, bà Trần Thị Mừng cùng em trai tìm đến ân nhân cứu mạng, đó chính là anh Chung, người thanh niên có hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Vừa gặp mặt, bà Mừng ôm xiết lấy anh Chung, nói trong nước mắt: “Con. Con là con của mẹ nha”. Anh Chung mắt đỏ hoe nắm chặt tay bà. Hai người cứ ngồi lặng bên nhau hồi lâu không nói nên lời.

Mẹ Chung đã mất vì bệnh ung thư. Cha qua đời vì tai nạn giao thông. Nhà có bốn chị em, chị cả đã lấy chồng, chị hai đi làm thuê trên thành phố nên ở nhà chỉ có hai anh em Chung bảo ban nhau. Lo em cực khổ, học hết lớp 12, dù rất thích thi Đại học Mỹ thuật nhưng Chung không dám thi. Hàng ngày Chung đi làm thuê làm mướn nuôi em…

Sáng 18-10, nước lũ về lớn quá, Chung chèo thuyền đi lùa đàn ngan giúp cô thì nghe thấy tiếng kêu cứu. Không chút ngần ngại, anh bơi thuyền ra dòng nước cuồn cuộn và cứu người, đưa lên thuyền. Người phụ nữ Chung cứu chính là bà Mừng. Bà Mừng cùng con trai đi từ Kon Tum về Nam Định thăm quê và chữa bệnh. Vậy mà tai nạn đã kéo con trai bà xuống lòng sông hung dữ… Con trai bà, anh Phạm Văn Tuyên sinh ngày 18-4-1991, mới ở tuổi 19.

Ân nhân mà bà Mừng muốn nhận làm con cũng vừa bằng tuổi con trai bà anh Phạm Văn Tuyên. Anh Chung sinh ngày 26-4-1991.

Hai người cứu anh Lương Hữu Thịnh và con gái chưa đầy 2 tuổi (tên Khánh Linh) đều là những người trụ cột trong nhà, và nước lũ cũng đã tấn công gia đình họ. Chiều qua (19-10) khi chúng tôi đến thăm, căn nhà anh Nguyễn Xuân Thuật vẫn ngập chìm trong nước. Anh Thuật sinh năm 1974, đã có 3 con, vợ anh lại đang mang bầu đứa thứ 4, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng và chăn nuôi. Nước lũ làm cho vợ chồng con cái anh phải đi sơ tán. Nhà anh Trần Văn Kha có khá hơn tí chút, dù chưa phải đi sơ tán nhưng nước cũng mấp mé thềm nhà.

Anh Thuật và anh Kha (áo đỏ) trên chiếc xuồng đã cứu cha con anh Thịnh
Anh Thuật và anh Kha (áo đỏ) trên chiếc xuồng đã cứu cha con anh Thịnh.

Anh Thuật kể, khoảng 4 giờ 30 sáng 18-10, ngoài trời mưa lớn. Nước sông cuồn cuộn dâng. Nghe thấy tiếng kêu cứu, anh vội gọi điện cho anh họ là Nguyễn Văn Kha, ở cách nhà chừng hơn trăm mét. Hai anh em lao ra rìa sông lấy chiếc thuyền máy đã hỏng từ cơn bão số 3, dùng cây sào chống chọi với dòng nước lũ hướng về nơi có tiếng kêu.

Vừa nhướng tai lên nghe vừa chèo chống, cuối cùng, họ đã phát hiện ra người gặp nạn. Dưới lùm cây là hai người, một lớn một nhỏ run như cầy sấy, sau này biết đó là hai bố con anh Lương Hữu Thịnh. Bố cháu bé chân đã cứng lại nhưng vẫn dâng con lên đầu.

Hai bố con anh đã bị dòng nước đẩy từ nơi xe khách bị nạn chừng gần một cây số. Nhiều lần họ đã bị nhấn chìm, và lần này là bị lũ cuốn vào hầm nhà của anh Thuật. Chiếc hầm ngập đầy nước ấy dài tới 11 mét, vậy mà cả hai bố con vẫn ngoi lên được cho đến lúc được hai anh Thuật và Kha cứu giúp.

Hai bố con anh Thịnh được đưa về nhà anh Thuật, rồi lại thêm 5 người khác may mắn thoát nạn vào tá túc. Vậy là căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Thuật trở thành trạm sơ cứu. Quần áo trong nhà không đủ cho họ mặc, những người hàng xóm mang đến. Họ xúm vào người xoa dầu, người đun nước gừng cho những người bị nạn uống. Bé Khánh Linh được mọi người chuyền tay nhau, dùng hơi ấm của cơ thể mình để sưởi…

Huy động toàn lực để tìm kiếm người mất tích

Tối qua, ông Nguyễn Hải Nam- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, trong 2 ngày qua lực lượng tìm kiếm cứu nạn (hơn 500 người) đã dùng xuồng, câu, rà trên phạm vi rộng nhưng vẫn chưa tìm thấy chiếc xe ô tô và những người còn mất tích. Ông Nam cho biết, hôm nay (20-10) Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn sẽ huy động người dân vùng ven sông, ven biển có nhiều kinh nghiệm tìm kiếm người mất tích.

Nhiều người dân cho rằng, chiếc xe ô tô đã bị dòng nước cuốn qua cầu Bến Thủy, trôi ra biển. Tuy nhiên vẫn có người đặt giả thiết, xe bị mắc đâu đó gần nơi gặp nạn. 

MỚI - NÓNG