108 phút vượt qua nghìn thế kỷ

Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin cùng hai con gái Elena và Galina Ảnh: RIA Novosti
Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin cùng hai con gái Elena và Galina Ảnh: RIA Novosti
TP - 50 năm trước, ngày 12-4-1961, nhà du hành vũ trụ Xô Viết Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ . Chuyến bay kéo chỉ dài 108 phút, nhưng là lần đầu tiên trong hàng nghìn thế kỷ lịch sử loài người thông minh, con người rời cái nôi Trái Đất để bay vào khoảng không vũ trụ.

> Gagarin và bí mật cuối cùng
> Nga phóng tàu vũ trụ mừng 50 năm Gagarin vào không gian

Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin cùng hai con gái Elena và Galina Ảnh: RIA Novosti
Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin và người thân
Ảnh: RIA Novosti.

Korolyov chọn theo phẩm chất, Khrutsov chọn theo ảnh

Vì sao chính Gagarin chứ không phải ai khác lại được chọn để thực hiện một trong những sứ mạng vinh quang nhất của lịch sử loài người: Thoát khỏi cái nôi Trái Đất, chinh phục khoảng không vũ trụ?

Ngày 3-3-1960, Tư lệnh Không quân Liên Xô ký lệnh thành lập Nhóm Không lực số 1 để chuẩn bị cho các chuyến bay vũ trụ có người lái. Từ 11-3-1960, các nhà du hành vũ trụ tương lai bước vào luyện tập.

Có tất cả 20 phi công trẻ. Gagarin là một trong số họ. Khi quá trình chuẩn bị bắt đầu, không ai biết ai trong số họ sẽ gánh lấy sứ mạng vinh quang mở đường cho con người bay tới những vì sao. Sau đó, khi mà chuyến bay rõ hình hài, khoảng thời hạn được xác định thì người ta chọn ra một nhóm 6 phi công, huấn luyện theo một chương trình khác những người còn lại.

Bốn tháng trước khi thực hiện chuyến bay, mọi người đều biết chính Gagarin sẽ là người bay đầu tiên. Không ai trong số những lãnh đạo của chương trình vũ trụ Xô Viết khi đó nói rằng, Gagarin luyện tập tốt hơn những người khác. Việc lựa chọn nhà du hành vũ trụ đầu tiên dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó các phẩm chất thể lực và kiến thức kỹ thuật không phải là ưu tiên hàng đầu.

Đã từng lan truyền câu chuyện rằng, Tổng công trình sư Korolyov, người đứng đầu chương trình vũ trụ của Liên Xô, đã làm một phép thử để chọn người bay đầu. Chuyện kể rằng, Korolyov cho các ứng viên uống một loại thuốc gây đau đầu.

Sau đó, ông hỏi: Bây giờ cần khởi hành ngay, các anh thấy trong người thế nào, có sẵn sàng không? Tất cả đều trả lời thấy trong người tuyệt vời, duy nhất chỉ Gagarin nói rằng, anh đang nhức đầu nhưng cũng sẵn sàng lên tàu vũ trụ. Và Gagarin được chọn vì sự trung thực đó.

Tổng công trình sư Korolyov
Tổng công trình sư Korolyov.

Có lẽ câu chuyện trên chỉ gần sự thật ở một điểm: Gagarin là một chàng trai có những phẩm chất tuyệt vời nhất. Hai mươi chàng trai trong Nhóm Không lực số 1 đều do Viện sĩ Korolyov chỉ đạo chọn trong số các phi công máy bay tiêm kích, bởi ông cho rằng, họ quen với áp lực của tải trọng và áp suất khi máy bay chiến đấu thay đổi độ cao và vận tốc đột ngột. Họ cũng quen hơn với các tình huống áp lực tâm lý.

Việc chọn họ dựa trên một số tiêu chí y học tâm lý và loạt tiêu chí khác như tuổi từ 25 đến 30, chiều cao không quá 1m70, cân nặng không quá 72 kg, có khả năng thích ứng tốt với độ cao và điều kiện khi xuất phát, sức bền thể lực lớn và khả năng thăng bằng tâm lý cao. Hạn chế các chỉ số về hình thể và cân nặng liên quan hạn chế của tàu vũ trụ Phương Đông, hệ quả công suất có hạn của tên lửa đẩy.

Ngoài ra, khi chọn, người ta còn tính đến các tiêu chí khác như cá tính tích cực, đảng viên (Gagarin trở thành đảng viên dự bị vào năm 1959, chính thức năm 1960), tính tích cực chính trị, thành phần gia đình. Các phẩm chất bay không đóng vai trò quyết định trực tiếp.

Theo phi công thử nghiệm Mark Gallay, người tham gia huấn luyện cho các nhà du hành vũ trụ tương lai, “trong bất kỳ trung đoàn không quân nào cũng có thể chọn được 20 phi công như vậy”. Bản thân Gagarin cho đến tháng 10-1959, hai tháng trước khi được chọn vào đội bay, cũng chỉ mới bay có 265 giờ.

Vậy vì sao lại chính là Gagarin? Từ Tổng công trình sư Korolyov, người chỉ huy và theo dõi chặt chẽ quá trình huấn luyện, cho đến các lãnh đạo của Ủy ban Quốc phòng và Đảng Cộng sản Liên Xô đều hiểu rõ rằng, phi công vũ trụ đầu tiên phải trở thành gương mặt của quốc gia, đại diện xứng đáng cho đất nước trên vũ đài quốc tế.

Có lẽ chính điều này đã khiến sự lựa chọn rơi vào Gagarin, người mà gương mặt đôn hậu và tâm hồn rộng mở chinh phục tất cả những ai đã giao tiếp cùng anh. Và người quyết định cuối cùng là Tổng Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrutsov.

Khi người ta trình ảnh của các ứng viên, ông không hề chần chừ chọn Gagarin. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, chỉ đến phút cuối cùng, người ta mới ra quyết định, Gagarin hay người dự bị cho ông, German Titov, sẽ bay đầu tiên vào vũ trụ.

Mô hình con tàu Phương Đông 1 đưa Gagarin vào vũ trụ
Mô hình con tàu Phương Đông 1 đưa Gagarin vào vũ trụ.

Người bình thường đặc biệt

Quả thật, Gagarin là một chàng trai Xô Viết vừa điển hình của sự bình thường, lại vừa đặc biệt.

Ông sinh ngày 9-3-1934 tại một thành phố nhỏ (nay mang tên ông) ở tỉnh Smolensk trong một gia đình nông trang viên. Sau này, Gagarin tự viết: “Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường nhất. Nó không có gì khác biệt so với hàng triệu gia đình lao động của Tổ quốc chúng ta”.

Vào lớp 1 được hơn 1 tháng thì ngày 12-10-1941, làng ông bị quân đội phát xít chiếm trong 2 năm trời. Mãi đến tháng 4 - 1943, Hồng quân giải phóng khu vực Smolensk và ông tiếp tục được đi học. Không rõ trong những năm tuổi thơ ấy, ông có mơ ước về bầu trời không. Trong các hồi ức của mình, Gagarin không đụng chạm đến câu hỏi ấy. Chỉ có điều chắc chắn rằng, hồi đó trong ông chưa hề có ý niệm nào về du hành vũ trụ.

Tháng 5-1949, Gagarin học hết lớp 6 và vào học Trường Công nhân kỹ thuật số 10 ở Lyuberetsk. Tháng 12-1949, ông được kết nạp vào Đoàn. Ngoài học nghề, ông tiếp tục học văn hóa buổi tối và học hết lớp 7 vào năm 1951. Một tháng sau đó, ông tốt nghiệp loại giỏi trường dạy nghề, chuyên ngành thợ khuôn đúc. Người ta kể rằng, sau này trên đỉnh vinh quang, ông vẫn luôn tự hào về nghề nghiệp công nhân của mình.

Tốt nghiệp trường dạy nghề, Gagarin vào học Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp Saratov vào tháng 8-1951. Chính ở đây, Gagarin bắt đầu đam mê hàng không và ngày 25-10-1954, ông lần đầu tiên đến Câu lạc bộ Hàng không Saratov.

Quảng trường Gagarin
Quảng trường Gagarin.

Năm 1955 đánh dấu những thành công đáng kể đầu tiên của Gagarin: Tháng 6, ông tốt nghiệp loại giỏi trường trung cấp kỹ thuật, tháng 7 thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên trên máy bay Yak-18 và tháng 10, tốt nghiệp khóa huấn luyện ở CLB Hàng không Saratov.

Ngày 3-8-1955, Gagarin lần đầu được lên báo. Tờ Vừng đông trẻ của tỉnh đăng phóng sự “Một ngày trên sân bay”. Lời khen ngợi đầu tiên trên báo chí có rất nhiều ý nghĩa trong cuộc đời một con người”, sau này Gagarin viết như vậy.

Ngày 27-10-1955, Gagarin được gọi nhập ngũ và được gửi tới Trường Không quân Chkalov số 1 mang tên nguyên soái Voroshilov. Sau 2 năm huấn luyện, 25-10-1957, ông tốt nghiệp trường bay. Và 2 ngày sau, ông cưới vợ.

Cuối năm 1957, Gagarin được điều tới trung đoàn tiêm kích Hạm đội Biển Bắc. Gagarin thích được bay. Và có lẽ ông đã bay trên những chiếc máy bay chiến đấu cho đến khi nghỉ hưu nếu không có thông báo tuyển phi công cho một “kỹ thuật mới”. Hồi đó, không ai nói công khai về các chuyến bay vũ trụ. Ngày 9-12-1959, Gagarin viết đơn xin gia nhập đội ngũ ứng viên, một tuần sau ông được gọi về Mátxcơva để khám tuyển.

Đầu năm 1960, có giấy gọi thượng úy Gagarin đến vòng khám tuyển tiếp theo và một hội đồng y khoa kết luận ông đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện chuyến bay vào vũ trụ. Ngày 3-3-1960, theo một lệnh được Tư lệnh Không quân Liên Xô Vershinin ký, ông được đưa vào hàng ngũ những người chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên và từ 11-3-1960, bắt đầu bước vào luyện tập.

Chuyến bay lịch sử

Tổng công trình sư Korolyov rất vội vì có thông tin người Mỹ sẽ phóng tàu vũ trụ có người lái vào ngày 20-4-1961. Bằng mọi giá phải đi trước họ. Bởi vậy, chuyến bay của Gagarin được ấn định trong khoảng giữa ngày 11 và 17-4-1961.

Người ta chuẩn bị 3 phương án thông tin để hãng thông tấn Liên Xô TASS phát sau chuyến bay. Phương án 1: Thành công. Phương án 2 dành cho trường hợp có trục trặc khi hạ cánh và nhà du hành đầu tiên sẽ tiếp đất ở quốc gia khác hoặc trên đại dương. Trong trường hợp đó, TASS sẽ phát “Lời kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới” về việc giúp đỡ tìm kiếm. Phương án 3: “Thảm họa”, trường hợp Gagarin không trở về nguyên vẹn.

Gagarin và Titov trên đường ra tàu Phương Đông
Gagarin và Titov trên đường ra tàu Phương Đông.

Cuộc chạy đua khốc liệt giữa Liên Xô và Mỹ dẫn tới việc những người chế tạo tàu vũ trụ Phương Đông chọn một loạt giải pháp bất thường nhưng đơn giản và dễ thực hiện nhất. Một số bộ phận không kịp chế tạo và kết quả là dự án phải loại bỏ hệ thống cứu nạn khi khởi hành và hệ thống hạ cánh nhẹ nhàng của khoang đổ bộ.

"Anh ấy vẫy gọi tất cả chúng ta vào vũ trụ." - Neil Amstrong Người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng nói về Gagarin.

Người ta còn loại bỏ cả động cơ hãm dự phòng (động cơ hãm giảm tốc con tàu để nó trở về Trái Đất). Quyết định này dựa trên tính toán nếu phóng con tàu lên quỹ đạo vũ trụ 180 - 200 km cách mặt đất, nếu động cơ hãm chính không hoạt dộng, trong bất cứ trường hợp nào thì sau khoảng 10 ngày, nó cũng sẽ rời quỹ đạo để trở về Trái Đất do lực hãm tự nhiên trên tầng cao nhất của khí quyển. Trên tàu, thức ăn và dưỡng khí được dự trữ đủ cho 10 ngày.

Con tàu Phương Đông 1 có Gagarin ở trên được phóng lên ngày 12-4-1961, lúc 9h07’ giờ Mátxcơva. Theo nhiều tài liệu, có trục trặc khi khởi phát. Vài tiếng trước giờ G, các kỹ sư phải sửa chữa vài hỏng hóc. Khi Gagarin đã ngồi vào khoang lái, liên lạc bị mất, khoang lái không kín.

Lại phải mở khoang lái ra. Rất may, hỏng hóc nhỏ. Sau đó, trong thời gian lấy độ cao, liên lạc với Gagarin bị mất. “Tuyết Tùng (bí danh của Gagarin trong chuyến bay), anh cảm thấy thế nào?” - “Số 20” (Tổng công trình sư Korolyov) gào vào ống nói - “Tuyết Tùng, trả lời đi”. Nhưng trong ống nghe chỉ có tiếng rít.

“Không biết trông tôi như thế nào trong thời điểm đó, nhưng Korolyov thì rất lo lắng. Khi cầm ống nói, tay ông run bần bật, giọng nói đứt quãng, mặt biến dạng đến không còn nhận ra. Tất cả chỉ thở phào nhẹ nhõm khi liên lạc với nhà du hành được khôi phục và có thông báo con tàu đã lên đến quỹ đạo”, Tướng Kamanin, Trợ lý của Tư lệnh Không quân Liên Xô, ghi nhật ký như vậy.

(Còn nữa)

Lê xuân sơn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG