Cựu binh Mỹ về lại Phước Tượng, Tà Cơn

Cựu binh Mỹ về lại Phước Tượng, Tà Cơn
TP - Có lẽ chuyện bắt đầu từ thời điểm những năm đầu 1990, trước khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Một cuộc gặp giữa Hội Cựu Chiến binh (CCB) Việt Nam và tổ chức POW/MIA (Tù nhân chiến tranh và những người mất tích) của Mỹ.

Bài 1: Người lính pháo ở căn cứ Tomahawk

Những khoảng cách xa lạ dè chừng của cả hai bên dường như thu hẹp khi Thượng tướng Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam thành tâm phát biểu rằng, dẫu Hoa Kỳ làm chậm hoặc không tiến hành việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ thì những cựu binh và nhân dân Việt Nam chúng tôi vẫn nhiệt tình làm hết sức mình và bằng mọi cách để phối hợp cộng tác với POW/MIA trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ. Đây là đạo lý là tình người muôn thuở của người Việt... Vị trưởng đoàn POW/MIA xúc động bộc bạch, xin cảm ơn thịnh tình và thiện chí ấy và để đáp lại, thưa Thượng tướng, chúng tôi phải làm gì? Thượng tướng Trần Văn Quang nói luôn, trong cuộc chiến tranh giữ nước, hơn 300 ngàn bộ đội Việt Nam hy sinh chưa tìm thấy mộ chí hài cốt hoặc mất tích, các ngài có thể giúp đỡ chúng tôi...

Sứ mệnh cùng thiện chí của phía Hoa Kỳ đã được trao cho Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (Vietnam Veterans of America- VVA) của Mỹ. VVA được thành lập từ năm 1978, là tổ chức toàn quốc duy nhất đăng ký tại Quốc hội Hoa Kỳ với mục tiêu phục vụ lợi ích của cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam và gia đình họ. VVA có tới 43 hội đồng cấp bang. 525 chi nhánh hội trên toàn Liên bang với tổng số hội viên toàn Hoa Kỳ là 72.000 người.

Từ năm 1993 đến tháng 3 năm 2011, Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ (VVA) đã cử 23 đoàn của “Chương trình sáng kiến cựu chiến binh” sang thăm Việt Nam. VVA đã chuyển giao cho phía Việt Nam 291 bộ hồ sơ tài liệu thông tin liên quan gần 10.000 trường hợp bộ đội ta hy sinh mất tích trong chiến đấu. Giúp VN tìm kiếm quy tập hài cốt của gần 1.200 liệt sĩ. VVA luôn tích cực ủng hộ quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, phản đối mạnh mẽ Dự luật nhân quyền Việt Nam, động viên ủng hộ các thành viên quay lại Việt Nam thăm chiến trường xưa...

Năm 1994, VVA chính thức cử đoàn vào thăm Việt Nam đồng thời bắt đầu “Chương trình sáng kiến cựu chiến binh” để đáp lại thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích. VVA mở cuộc vận động trên toàn Hoa Kỳ, trước nhất là dựa vào thành viên của mình để họ cung cấp thông tin, bản đồ, sơ đồ về các trận đánh liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến đấu để trao cho các cơ quan chức năng của Việt Nam góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh.

...Daniel Tucker, năm 1969 là hạ sĩ trợ lý tham mưu của đơn vị pháo binh Mỹ đóng trên đỉnh đèo Phước Tượng (huyện Phú Lộc, TT - Huế). Dàn đại pháo án ngữ trên đỉnh đèo được coi là đắc địa và cực kỳ lợi hại bao quát khống chế một vùng rộng lớn của mặt trận Thừa Thiên Huế, gây cho Việt Cộng rất nhiều tổn thất. Căn cứ pháo binh của Dan Tucker được mệnh danh là Tomahawk Trung phần. Để bảo vệ căn cứ, dưới chân đèo là những đơn vị bộ binh hỗn hợp của Mỹ và Việt Nam cộng hòa (VNCH) án ngữ dày đặc.

Nửa đêm về sáng ngày 19-6- 1969, hạ sĩ Daniel Tucker lử lả. Cái mệt lẫn đói kéo Dan (tên thường gọi của Daniel) bừng khỏi giấc ngủ. Dan lò dò mò xuống căn bếp dã chiến của đơn vị pháo binh kiếm chút chi dằn bụng thì bất ngờ phát hiện trong một góc bếp có người. Tưởng một đồng đội nào đó sau chầu nhậu tối cũng đi ăn mảnh như mình Dan cất tiếng hỏi... Nhưng việc xảy ra nhanh hơn Dan nghĩ, một miếng võ khá hiểm đã làm Dan không biết trời đất nào nữa. Đến khi tiếng súng các loại ầm vang trên dỉnh đèo, Dan mới biết mình còn sống và chẳng biết đã ngất đi bao lâu?

Thoát ra khỏi căn bếp, ngay lập tức Dan cảm thấy trận đánh diễn ra quyết liệt mà đối phương đang có cơ làm chủ trận địa pháo. Lối đánh thủ pháo tạc đạn của đối phương quả là hợi hại, mà bên phía quân Mỹ thì không còn thấy mệnh lệnh của chỉ huy. Mãi sau này, Dan mới biết toàn bộ chỉ huy pháo binh trên đỉnh đèo Phước Tượng đã bị Việt Cộng tiêu diệt. May mà viện binh đã tới... Với bổn phận của một người lính, hạ sỹ Dan ngay lập tức nhảy lên vị trí chỉ huy và ra những mệnh lệnh cần thiết!

Trời sáng bạch. Trận đánh kết thúc. Chắp nối lại sự việc, Dan hình dung ra đơn vị đặc công của đối phương (mãi sau này, Dan Tucker mới biết đó là đơn vị 71A và 71B đặc công thuộc Trung đoàn 4 Quân khu Bình Trị Thiên) đã bí mật táo bạo trườn bò vào ngay chỗ ngủ của đơn vị lính pháo Mỹ! Có thể trận đánh chưa xảy ra ngay lúc ấy mà phải một chốc nữa hoặc muộn hơn nếu Dan không bất ngờ bắt gặp một anh lính đặc công vixi (VC – Việt Cộng) trong căn bếp?

27 thi hài lính đặc công Việt Cộng được phát hiện và xếp lớp trước mặt Dan. Đám lính hỏi Dan, lúc này là cấp chỉ huy cao nhất trận địa pháo Tomahawk. Cố lảng khỏi những cặp mắt ngầu máu căm hận của mấy người lính có bạn bè bị chết trong trận đánh ác liệt kể cả việc săm soi biết đâu trong đám thi hài xếp lượt kia có người là tác giả của miếng võ ác hiểm hồi đêm, Dan Tucker lạnh lùng bảo đem chôn đi. Chôn đơn giản là việc vệ sinh chiến trường.

Đoàn VVA thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn tháng 10-2007 Ảnh: B.V.N
Đoàn VVA thắp hương tại Nghĩa trang Trường Sơn tháng 10-2007 Ảnh: B.V.N.

Theo lệnh Dan, một chiếc hố do máy xúc đào dài 13 m rộng 4 m sâu 2 m đã được khoét nhanh chỗ góc hàng rào trong khu căn cứ. 27 thi thể lính đặc công Vixi được lần lượt xếp xuống. Lần lượt xếp xuống? Nghĩa cử ấy như có gì xa xỉ với những tử thi của đối phương giữa không khí trận mạc? Dan Tucker khẳng định “đúng như thế” với ông Bùi Văn Nghị, Phó Tổng thư ký các vấn đề Cựu chiến binh và phi chính phủ thuộc Hội Việt Mỹ. Ông Nghị là người kể lại cho tác giả bài viết này chi tiết chuyến trở lại đèo Phước Tượng với Dan Tucker cùng mấy nhân viên VVA trong chuyến sang Việt Nam hồi tháng 3 năm nay, để họ xác định vị trí phần mộ 27 liệt sĩ với các cơ quan chức năng VN. Ông Nghị còn cho biết thêm, sở dĩ lần lượt như thế, vì Dan ra lệnh xếp các tử thi đầu quay ra hướng biển. Hướng biển? Chứ sao - Dan Tucker gật đầu nói nhỏ với ông Nghị - đơn giản vì chúng tôi không muốn đối đầu với những người lính ấy nữa khi họ chết và chôn rồi mà đầu vẫn quay về đất liền!

Dan nói thêm có thể kiểm chứng điều đó nếu ngôi mộ tập thể ấy được khai quật cất bốc nay mai. Và nếu như có kỷ vật nào tùy táng thì còn sót lại, nếu như thời gian không phá hủy, vì Dan đã ra lệnh cho đám lính không ai được lấy bất kỳ vật dụng nào để họ được chôn một cách nguyên vẹn. Không lâu sau trận Phước Tượng ấy, năm 1970, Daniel Tucker trở về Mỹ.

Có thể Dan là một người may mắn khi đã là ông của 10 đứa cháu và cụ của 14 đứa chắt. Nhưng Dan bộc bạch với ông Nghị rằng lúc nào cuộc đời cũng chông chênh có cảm giác như đang vận hành trên chiếc xe đạp một bánh? Có thể người lính chuyên nghiệp Dan Tucker có cái căn của một mục sư Đạo Tin Lành (Dan đã tốt nghiệp một khóa học và trở thành tu sĩ). Có thể nấm mộ tập thể cùng năm tháng trận mạc giết chóc ở Việt Nam xa ngái kia ám ảnh? Cuộc đời vị tu sĩ kia sẽ mãi chông chênh như chiếc xe đạp một bánh nếu đêm ấy mục sư Dan không tình cờ đá mắt đến những thước phim của VVA chiếu trên một kênh ti vi. Trong phim còn có cả những cảnh những trích đoạn khung cảnh quen thuộc của chiến trường Trị Thiên Huế, kèm lời nhắn rằng nếu ai biết vị trí phần mộ hay bất kỳ dấu hiệu mất tích nào của bộ đội Việt Nam thì hãy liên lạc ngay với VVA. Mục sư Dan Tucker bật dậy... Sau những cú phôn là một chuyến đi Việt Nam đã mau chóng được thu xếp với vị mục sư Tin Lành.

Mục sư Dan Tucker quyết định đón lần sinh nhật 70 tại Việt Nam và cố thu xếp cái ngày ấy đúng hôm trở lại Phước Tượng sau 40 năm dằng dặc...

Ông Nghị nói thêm với tôi, bữa leo lên đỉnh đèo Phước Tượng, trước những đổi thay về địa hình địa vật sau gần nửa thế kỷ, ở tuổi thất tuần, mục sư Dan Tucker vẫn tự tin sải những bước vững chãi chắc chắn. Nhưng lúc bày biện hoa quả vàng hương cùng chai rượu trắng cúng tại địa điểm nấm mồ 40 năm trước, cũng như khi cầm mấy thẻ hương khấn khứa, bàn tay Dan Tucker cứ run rẩy mãi...

Kết thúc chuyến đi vào dịp tiết thanh minh ấy, bằng chất giọng hơi run run, Dan ngỏ cùng ông Nghị rằng, cuộc đời ông như một sự trọn vẹn muộn mằn, chiếc xe đạp giờ đây đã có hai bánh...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.