Mầm sống đầu tiên - Văn hóa

Tượng đài những đụn nấm phóng xạ
Tượng đài những đụn nấm phóng xạ
TP - Hồi tưởng tai nạn lò phản ứng hạt nhân Chernobyl tại Liên Xô (cũ). Xảy ra cách đây tròn 25 năm, ngày 26-4-1986, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS. Tô Lệ Hằng (ảnh), cựu chuyên viên Viện Bảo vệ&An toàn Hạt nhân Pháp, về một khía cạnh rất mới – Văn hóa An toàn Hạt nhân.

> Văn hóa an toàn điện hạt nhân

Tượng đài những đụn nấm phóng xạ
Tượng đài những đụn nấm phóng xạ.

Không nên hoảng hốt

Thưa bà, đánh dấu 25 năm xảy ra thảm họa Chernobyl, điều khiến bà suy nghĩ nhất là gì?

TS Tô Lệ Hằng: Mặc dù nhiều cải tiến dựa trên các bài học từ Chernobyl đã được thực hiện trong thế giới hạt nhân từ 25 năm nay, thảm hoạ này vẫn mang đến cho các quốc gia bắt đầu xây dựng điện hạt nhân nhiều lý do và đề tài để nghiên cứu. Tôi nghĩ về cái gọi là Văn hóa An toàn.

Một lĩnh vực đầy yếu tố kỹ thuật cao, đề cập văn hóa liệu có khiên cưỡng?

Kỹ thuật càng phát triển mà thiếu nền tảng văn hóa thì kỹ thuật đó sẽ giáng trả lại con người. Không phải ngẫu nhiên, các cường quốc công nghệ ngày càng chú trọng bồi đắp và củng cố văn hóa để họ có thể đạt được các đỉnh cao khoa học mới.

Phải chăng, có điều gì cần khuyến nghị, thưa bà?

“Văn Hóa An Toàn” không phải là cụm từ do tôi nghĩ ra mà là một thuật ngữ quốc tế. Thuật ngữ ấy là đầu đề của một văn bản quốc tế do Cơ quan Năng Lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) lập vào năm 1991, đúng năm năm sau thảm họa Chernobyl. Điều đáng chú ý là văn bản ấy, cùng hàng loạt văn bản khác, hoàn toàn không phải là lời kêu gọi e ngại điện hạt nhân mà là các bài học để cải tổ.

Sao không nói một cách đơn giản là rút kinh nghiệm?

Nếu chỉ đơn thuần rút kinh nghiệm, thường dễ đổ lỗi cho công nghệ. Song bài học lớn nhất ở Chernobyl không phải ở chỗ nó giúp chỉ ra các khiếm khuyết kỹ thuật mà là lỗ hổng về văn hóa hay, nói một cách cụ thể là, Văn hóa An toàn.

Văn hóa An toàn phải được học ngay từ trước khi lên kế hoạch xây dựng, từ trước khi chọn công nghệ hay địa điểm.

Do tính chất nguy hiểm của tai nạn, nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 11-3 vừa qua được liệt vào nấc thang 7 cao nhất, ngang với tai nạn Chernobyl. Song có lẽ nhờ có Văn hóa An toàn, về cơ bản, Nhật Bản không bị thiệt hại nhân mạng thê thảm như Chernobyl. Cần phải khẳng định: Đừng vì tai nạn Fukushima mà hốt hoảng, mà vơ đũa cả nắm, để rồi khăng khăng quay lưng với công nghệ điện hạt nhân.

Đương nhiên, thành thật mà nói, phải chờ tai nạn Fukushima kết thúc, mới có thể công bố chính xác diễn biến của tai nạn cùng với lý do việc xử lý của Nhật Bản trong mỗi giai đoạn.

Lúc đó, các chuyên gia Nhật (và cộng đồng điện hạt nhân) mới rút được bài học kinh nghiệm để nhận định những sơ suất (nếu có) và cải tiến vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân, nhất là trên phương diện chống cự với các thiên tai dồn dập và có cường độ lớn. Văn hóa An toàn sau sự kiện Fukushima chắc sẽ được điều chỉnh và tiếp tục hoàn thiện.

Trạm kiểm soát cách lò số 4 30 km, người không phận sự miễn vào
Trạm kiểm soát cách lò số 4 30 km, người không phận sự miễn vào.

Trước Chernobyl, chưa có Văn hóa an toàn hạt nhân

Ý bà muốn nói sự cố Chernobyl là do Văn hóa An toàn chưa được coi trọng ?

Tuyệt đối xin bỏ hai chữ “Sự cố” khi đề cập đến vụ Chernobyl, kể cả khi đề cập đến các vụ Fukushima ở Nhật mới đây cũng như vụ Three Mile Island ở Mỹ hơn 30 năm trước.

Trong Thang Sự kiện Hạt nhân Quốc tế (viết tắt tiếng Anh là INES) dùng để chỉ mức độ nghiêm trọng của các sự việc bất ngờ xẩy ra trong các cơ sở hạt nhân hiện nay, có tất cả bảy nấc. Từ nấc 1 (thấp nhất) - sự việc bất thường “vượt ra khỏi điều kiện cho phép vận hành”, cho đến nấc 7 - khi có “lan thải phóng xạ nguy hại đến sức khỏe và môi trường”.

Trong khi chờ đợi một cơ quan chính thức của Việt Nam thống nhất danh từ điện hạt nhân, TS Vũ Hải Long và tôi (trong cuốn Thuật ngữ Công nghệ Điện Hạt nhân năm 2008) đã chọn lối gọi quốc tế sau đây để phân biệt các nấc đó. Nấc 1 là sự cố; các nấc 2 và 3 là trục trặc. Từ nấc thứ tư trở lên phải gọi là tai nạn bởi đã gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạt nhân hay con người rồi.

Trở lại câu chuyện Văn hóa An toàn, bài học đau xót nhất ở chỗ đó chứ không phải vì công nghệ. Công nghệ Chernobyl thiếu an toàn là một chuyện. Nhưng vì không có Văn hóa An toàn nên tất cả các cơ hội để khắc phục sự thiếu an toàn của lò phản ứng trước khi xảy ra thảm họa đều bị bỏ qua.

Nhà nước Xô Viết năm năm sau thảm họa đã công nhận điều này. Bằng chứng, đến năm 1991, Ủy ban Nhà nước về An toàn Hạt nhân của Liên Xô tuyên bố về các lỗi trong thiết kế của Chernobyl 4 và của các lò phản ứng RBMK (*) nói chung.

Ủy ban nhận định mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn là do sự “thiếu hiểu biết” của cấp lãnh đạo khoa học về khiếm khuyết trong công nghệ mà trước đó họ không thừa nhận, mà cụ thể là về hiệu ứng của chuẩn độ hơi nước trên độ phản ứng trong tâm lò. Các nhà vận hành khai thác lò phản ứng bị kết án tù trước đó, nhờ sự thừa nhận này của cấp trên, đã được xóa án.

Bà có thể nói cụ thể hơn về ví dụ này?

Trước đó, khoảng tháng 8-1986, tại một cuộc họp đặc biệt của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đại diện Liên Xô ông Legassov cung cấp thông tin đầu tiên về tai nạn. Chủ yếu ông đổ tội cho các lỗi lầm về vận hành khai thác như không tuân thủ điều kiện hoạt động dự kiến và vi phạm các quy tắc an toàn. Giám đốc Nhà máy và Kỹ sư Trưởng Phòng Điều khiển đã bị kết án và phạt tù.

TS. Tô Lệ Hằng
TS Tô Lệ Hằng, cựu chuyên viên Viện Bảo vệ & An toàn
Hạt nhân Pháp

Thiếu Văn hóa an toàn điện hạt nhân, phân tích điển hình

Tình hình hồi đó thế nào, thưa bà?

Thiếu Văn hóa An toàn hạt nhân đã xảy ra ở cả cấp quốc gia lẫn địa phương. Ở cấp độ địa phương, có thể kể đến ba nguyên nhân chính như các liên quan của thử nghiệm với vấn đề an toàn không được khảo sát trước bởi nhóm an toàn tại nhà máy; cơ quan quyết định ít có hiệu lực và không đủ khả năng để chống lại các áp lực chỉ có lợi cho sản xuất điện năng; và sự thiếu hiểu biết của nhân viên khai thác về các vấn đề an toàn của nhà máy.

Ở cấp độ quốc gia, có thể chỉ ra năm nguyên nhân chính. Thứ nhất, đã xảy ra tình trạng nghiên cứu nghèo nàn về an toàn, rất ít khảo sát vật lý lò phản ứng liên quan đến cách hoạt động của lò phản ứng. Thứ hai, chất lượng thấp của các phương thức và chỉ thị đã đặt nhóm khai thác trước các suy diễn khó khăn.

Thứ ba, trong nhiều năm, Bộ Năng lượng của Liên Xô đã để cho khai thác các lò phản ứng RBMK với các bất ổn định vật lý neutron, không để ý đến các tín hiệu bất thường cùng sự lặp đi lặp lại các tín hiệu đó từ các hệ an toàn. Họ cũng không đòi hỏi mở rộng điều tra ở các tình trạng khẩn cấp.

Thứ tư, trao đổi thông tin quan trọng về an toàn không thích đáng và vô hiệu quả giữa các nhà khai thác với nhau, cũng như giữa các nhà khai thác với nhà thiết kế. Chẳng hạn, hiệu ứng dương đã được quan sát vào năm 1983 ở một nhà máy điện hạt nhân khác tên là Ignalina của Liên Xô hồi đó.

Hiệu ứng dương là hiện tượng các thanh điều khiển khi rơi xuống đáng lẽ để dập tắt lò thì, do có than graphite ở ngay phía đầu, lại làm chậm neutron và làm tăng phản ứng dây chuyền hạt nhân, dẫn đến làm nổ lò.

Văn phòng khảo cứu của các lò phản ứng RBMK từng truyền tin cho các nhà máy khác và chỉ ra rằng thiết kế này sẽ được sửa đổi để giải quyết vấn đề. Tuy vậy, văn phòng này không thay đổi thiết kế như đã hứa. Các đề nghị sửa đổi phương thức khai thác nhà máy không được thông qua. Họ không tin vào hậu quả nghiêm trọng do tăng độ phản ứng khi thanh điều khiển rơi vào tâm lò. Cuối cùng, điều này đã xảy ra, dẫn đến tai nạn ở Chernobyl 4.

Thứ năm, người ta đã bỏ qua các phản hồi kinh nghiệm. Một tai nạn vào năm 1975 tại Leningrad 1 (được coi như là tiền thân của Chernobyl 4) và một trục trặc nứt vỏ thanh nhiên liệu ở Chernobyl 1 vào năm 1982 cho thấy nhiều điểm yếu nghiêm trọng trong các đặc trưng và vận hành của các lò RBMK. Nhưng các bài học này đã được giữ kín.

Thế còn thiết kế và vận hành nhà máy thì sao, thưa bà?

Thiết kế cuả lò đã được phê chuẩn nhưng không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn có hiệu lực tại Liên Xô ngay lúc xây lò. Thậm chí, nó còn bao gồm một số đặc tính nguy hiểm. Thí dụ, sự bất ổn định của lò phản ứng, tình trạng ít tự động hóa các động tác bảo vệ, thiếu nhà che chắn lò có hiệu quả, và các nhược điểm cuả các thanh điều khiển lò phản ứng.

Vận hành lò cũng có sai lầm. Chẳng hạn, trước khi bắt đầu thử nghiệm, nhân viên đã cho lò chạy ở trạng thái không bền vững (công suất thấp dưới 700 MW nhiệt và dưới 30 thanh điều khiển trong tâm lò), một trạng thái vốn không được phép trong các phương thức vận hành. Rồi lại vi phạm về các chỉ thị an toàn liên quan đến số lượng các thanh điều khiển được phép thả rơi vào tâm lò phản ứng. Thêm nữa là việc ức chế các dập lò khẩn cấp khi có báo động mức nước thấp quá mức cho phép hay khi có báo động áp suất hơi nước trong bình phân cách đến ngưỡng nguy hiểm.

Còn nữa

Quốc Dũng thực hiện

______

(*) Chữ viết tắt tên kiểu lò phản ứng của Nga. Loại lò RBMK có đặc điểm Uranium được làm giàu ít, làm giàu chậm neutron bằng than graphite, tải nhiệt bởi nước sôi trong ống nhiên liệu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG