Văn hóa an toàn điện hạt nhân - kỳ cuối

Văn hóa an toàn điện hạt nhân - kỳ cuối
TP - Lối thoát duy nhất để điện hạt nhân nhận được sự tin tưởng của xã hội là tôn trọng và củng cố Văn hóa An toàn ở tất cả các khâu. PV Tiền Phong tiếptục phỏng vấn TS Tô Lệ Hằng về chủ đề Văn hóa an toàn hạt nhân - nhân dịp tròn 25 năm tai nạn lò phản ứng hạt nhân Chernobyl (26-4-1986).

Văn hóa an toàn điện hạt nhân
> Mầm sống đầu tiên - Rào chắn cuối cùng

Lói vaøo gađn loø phaưn ôăng cuưa Chernobyl
Lối vào gần lò phản ứng của Chernobyl

Văn hoá An toàn ra đời

Vậy bài học Văn hoá An toàn bắt đầu ra sao?

Trên phương diện quốc tế, một cuộc thảo luận bắt đầu dưới sự bảo trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) từ tháng 8-1986. Cụm từ văn hoá an toàn xuất hiên lần đầu tiên năm 1987. Sau đó Nhóm Tư vấn Quốc tế cho An toàn Hạt nhân (INSAG) công báo một số văn bản liên quan tới an toàn hạt nhân theo thứ tự, năm 1990 "Nguyên tắc cơ bản An toàn cho Nhà máy điện Hạt nhân", năm 1991 "Văn hóa An toàn", năm 1993 "An toàn của Năng lượng Hạt nhân", và năm 1997 "Phòng thủ theo Chiều sâu".

Từ sợi chỉ đỏ Văn hóa An toàn, còn dẫn đến việc thành lập:

* Các bậc thang xếp hạng mang tên Thang Sự kiện Hạt nhân Quốc tế (INES). INES được xác định từ các bậc cảnh báo của Pháp lập ra sau thảm họa Chernobyl. Hệ thống có bẩy bậc, từ bậc 1 (tương ứng với một bất thường đơn giản mà không có hậu quả gì về an toàn) tới bậc 7 (mức lan thải phóng xạ tai hại lớn cho sức khoẻ và môi trường).

* Một hệ thống báo cáo các trục trặc (IRS) cung cấp thông tin hỗ tương ở cấp độ quốc tế.

* Một hiệp định quốc tế về mức độ nhiễm xạ của hàng hóa thực phẩm trong thương mại quốc tế;

* Một hiệp định trong Cộng đồng Âu châu (EU) về thông tin nhanh chóng về tai nạn hạt nhân và hỗ trợ khẩn cấp trong trường hợp phóng xạ từ nước này sang nước khác.

* Hội Thế giới các Nhà Khai thác Hạt nhân. Hội đã phát triển Văn hóa An toàn thành Văn hóa An toàn Tổng quát.

Làm việc lâu năm ở Pháp, bà thấy nước này tiếp thu kinh nghiệm Chernobyl thế nào?

Về thiết kế, họ tìm kiếm toàn bộ các khả năng cuả tai nạn do độ phản ứng trong tất cả các loại lò. Đối với các thế hệ tiếp theo của lò PWR, có quy định mới nhằm đảm bảo sự làm nguội một tâm lò nóng chảy và đảm bảo tính toàn vẹn dài hạn cuả các tòa nhà che chắn lò.

Về khảo sát kết quả các tai nạn, họ thiết lập thêm một nấc thang mức độ nghiêm trọng và sau đó được dùng để xây dựng Thang Sự kiện Hạt nhân Quốc tế (INES). Ngoài ra, họ hướng các tiêu chuẩn lưạ chọn các trục trặc ảnh hưởng đến an toàn về trục trặc tiền thân và hậu quả tiềm tàng.

Sau cùng, trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng, họ lập kế hoạch phân phát iodine cho những người ở gần nhà máy. Ngoài ra họ cũng chú trọng thêm vào các Kế hoạch Khẩn cấp Nội bộ (PUI) cùng với các Kế hoạch Tác động Đặc biệt (PPI), nhất là việc hợp thức hóa chúng qua thực hành.

PUI được áp dụng bên trong các cơ sở hạt nhân và thuộc trách nhiệm của nhà khai thác. Các nhiệm vụ chính gồm điều khiển và bảo toàn cơ sở, cứu trợ người bị thương trong cơ sở, bảo vệ nhân viên trong cơ sở, và báo động và thông tin cho chính quyền. Còn PPI được tổ chức dưới trách nhiệm của các tỉnh trưởng, bao gồm kế hoạch cứu hộ để bảo vệ dân cư và môi trường bên ngoài cơ sở.

Đặc biệt, để giảm thiểu nguy cơ che giấu, ém nhẹm thông tin, người ta tìm cách nâng cao chất lượng thông tin công cộng bằng cách tăng cường vai trò của các Uỷ ban Thông tin Địa phương (CLI) để đảm bảo tôn trọng minh bạch, có cơ chế khuyến khích công dân liên lạc với CLI.

Họ còn thành lập các nhóm công tác về việc phổ biến thông tin năng lượng hạt nhân và các nguy cơ của nó. Các điều lệ của Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN) và Viện Bảo vệ & An toàn Hạt nhân (IPSN) (chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ ASN) cũng được sửa đổi để giúp các cơ quan này được độc lập hơn đối với chính phủ và quyền lợi công nghiệp khi thi hành nhiệm vụ.

Quách tang cho lò phản ứng số 4
Quách tang cho lò phản ứng số 4.

Áp dụng Văn hóa An toàn thế nào

Lò phản ứng đầu tiên AES Obninsk-RBMK bắt đầu cấp điện ngày 27-6-1954 tại Liên Xô. Đã có 32 năm kinh nghiệm hoạt động với nhà máy điện hạt nhân, mà thảm họa Chernobyl vẫn xảy ra vào ngày 26-4-1986. Điều này cho thấy rõ sự cần thiết phải thường xuyên cảnh giác trong việc vận hành nhà máy điện hạt nhân. Cách khiến chúng ta luôn ở trong trạng thái cảnh giác, thức tỉnh một cách tích cực, chính là thấm nhuần văn hóa an toàn.

Nhưng trước thảm họa Chernobyl, cũng xảy ra một tai nạn điện hạt nhân tại Mỹ khá nghiêm trọng?

Không ai bỏ qua bài học đó. Ngày 28-3-1979, các trục trặc khai thác của lò PWR số 2 (900MW điện) tại Nhà máy Three Mile Island (Đảo Ba Dặm ) TMI của Hoa Kỳ đã đưa tới sự nóng chảy của tâm lò. Có điều, nhà che chắn ở đấy đã hoàn thành phận sự của nó.

Phóng xạ thải ra môi trường rất hạn chế. Những người bị chiếu xạ nhiều nhất vẫn ít hơn 1 mSv, trong khi giới hạn bức xạ cho phép trên toàn bộ cơ thể cho công chúng là 1 mSv/năm. Tai nạn này chỉ được xếp vào bậc 5 của INES mà thôi.

Trong đó, với tai nạn Chernobyl, ngay tối hôm xảy ra tai nạn, 26-4-1986, mức bức xạ ở Pripyat, cách nhà máy Chernobyl ba cây số, lên tới 10 mSv/h, gấp khoảng 100 ngàn lần tiêu chuẩn cho phép. Pripryat là thành phố mới để tiếp nhận gia đình nhân viên nhà máy với 50000 nhân khẩu.

Nếu tai nạn TMI làm nổi bật tầm quan trọng của các lỗi vận hành thì thảm họa Chernobyl cho thấy sự cần thiết của một nền Văn hóa An toàn. Nền văn hóa này cần được áp dụng cho mọi giới trong chu trình công nghệ hạt nhân, kể từ thiết kế, xây dựng, khai thác đến kiểm tra an toàn.

Tại Pháp, thiết kế của các lò PWR khác hẳn với Chernobyl 4. Hơn nữa, mức độ an toàn (các phương thức, điều khiển khai thác, bổ sung đường lối phòng thủ) cũng như đào tạo nhân viên và tổ chức công việc đã được hưởng kết quả bài học cuả tai nạn TMI.

Các cải tiến chủ yếu từ kinh nghiệm Chernobyl không chỉ là cải tiến chất lượng quản lý sau tai nạn để hạn chế hậu quả. Như tôi nói ở trên, Chernobyl còn khiến người ta hiểu được cái giá phải trả nếu không tăng tính minh bạch và chất lượng thông tin công cộng.

Một nhà máy hạt nhân ở Pháp
Một nhà máy hạt nhân ở Pháp.

Sau Chernobyl, Pháp cũng tăng cường mạng lưới đo liên tục phóng xạ trên quy mô toàn quốc cũng như chuẩn bị các phương tiện hữu hiệu để trợ giúp nạn nhân sơ tán cùng với kế hoạch khử xạ các khu vực có diện tích lớn.

TMI đã chứng minh kết quả tính toán về hiện tượng nóng chảy tâm lò. Tai nạn này là một tổn hại kinh tế cho nhà khai thác, nhưng còn có thể chấp nhận được cho con người vì không có liều lượng hấp thụ nào vượt quá giới hạn quy định cho phép.

Còn Chernobyl đã chuyển đổi các công thức lý thuyết thải sản phẩm phân hạch và các biểu đồ phát tán trong khí quyển thành bi kịch của con người trong thời gian dài. Chernobyl đã gây ra sự phản đối điện hạt nhân của nhân dân các nước láng giềng như Đức và Thụy Điển cùng những cuộc tranh luận kịch liệt giữa các chuyên gia.

Lối thoát duy nhất để điện hạt nhân nhận được sự tin tưởng của xã hội chính là tôn trọng và củng cố nền Văn hóa An toàn, ứng xứ với điện hạt nhân một cách có văn hóa ở tất cả các khâu.

Cám ơn bà.

Tôi không dám. Được phát biểu tự do như vậy về vấn đề kỹ thuật chuyên ngành là một niềm vui lớn cho tôi.

TS Tô Lệ Hằng
Cựu chuyên viên Viện Bảo vệ & An toàn Hạt nhân Pháp
Quốc Dũng
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).