Bác Hồ trong mắt người Nga

Bác Hồ trong mắt người Nga
TP - Những hồi ức của các nhà ngoại giao, chuyên gia, tướng lĩnh, sĩ quan Liên Xô từng gặp gỡ, làm việc với Bác, đã được in trong cuốn “Người Nga nói về Hồ Chí Minh” xuất bản tại Nga năm 2010.

Bài 1: Những cuộc gặp ở Hà Nội

Ông Evgeny Glazunov có hơn 50 năm gắn bó với Việt Nam. Ông từng công tác ở Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, rồi phụ trách Khu vực Đông Dương trong BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô, và sau đó nhiều năm liền làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt. Hiện ông là Chủ tịch danh dự của Hội Hữu nghị Nga-Việt. Dưới đây là hồi ức của ông về Bác.

Chủ tịch chưa muốn đi ngủ

Tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào một ngày tháng Tám năm 1962 - năm đầu tiên tôi đến Việt Nam, trong một cuộc gặp gỡ quốc tế với các chuyên gia nước ngoài làm việc ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân kỷ niệm 17 năm Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam. Đại diện các đoàn chuyên gia nước ngoài phát biểu chào mừng, khi kết thúc, một số người nói vài câu bằng tiếng Việt và được cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt.

Một chuyên gia Xô Viết khi kết thúc bài phát biểu đã quyết định “tỏa sáng” khả năng ngoại ngữ của mình bằng lời chúc Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt, nhưng lại phát âm sai thanh điệu (là điều rất quan trọng trong ngôn ngữ Việt). Những người nước ngoài không biết tiếng nhưng đoán rằng nhà hùng biện kia đã muốn nói gì đó nên vỗ tay, còn hầu hết người Việt có mặt ở hội trường thì cười.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng dậy, hướng về phía vị chuyên gia còn đứng trên diễn đàn kia và vui vẻ nói bằng tiếng Nga: “Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chưa muốn ngủ đâu!”. Nhiều người nước ngoài ngồi trong hội trường biết tiếng Nga đã cười to vui vẻ, vỗ tay nồng nhiệt. Vị chuyên gia của chúng ta, do không biết tiếng, phát âm không đúng câu chúc đã học thuộc sẵn nên lẽ ra nói “muôn năm” lại thành “muốn nằm”, nên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dí dỏm bình luận.

Vậy là lần đầu tiên tự tôi đã khẳng định được điều mà trước đây tôi đọc được hay nghe được từ các bạn Việt Nam: Hồ Chí Minh thật sự là một con người dễ mến, có sức lôi cuốn, thích vui đùa dí dỏm, giản dị trong giao tiếp với mọi người, đồng thời cũng rất tôn trọng người đối thoại.

Cần nghe lời Chủ tịch

Vào năm 1962 hay 1963 (tôi không thể nhớ rõ, vì trong sổ tay chỉ ghi ngày 2 tháng 9 mà không ghi năm!) tại vườn Phủ Chủ tịch đã tổ chức cuộc tiếp khách nhà nước nhân ngày quốc lễ của Việt Nam.

Hồ Chí Minh mời khách ngồi vào bàn. Người nói với họ bằng tiếng Việt, tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp, ngay lập tức tạo nên bầu không khí hữu nghị và thoải mái.

Sau lời chúc chính thức, các vị lãnh đạo của Việt Nam theo truyền thống cầm li trên tay đi mời khách và trao đổi những câu chuyện nhỏ với khách.

Chúng tôi - các nhân viên của sứ quán đứng ở cuối dãy bàn. Trong buổi tối mát mẻ, bữa tiệc diễn ra vui vẻ và gần đến hồi kết thúc. Những chiếc li rỗng của chúng tôi để trên bàn. Chúng tôi đang đợi tín hiệu kết thúc buổi tiệc thì bất chợt thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhóm các trợ lý đi tới gần.

Chúng tôi nói thực lòng là hơi lúng túng, nhưng cũng cầm lấy li để chúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cầm cốc to rượu vang tiến tới gần chúng tôi chúc sức khỏe, hỏi thăm về công việc và nâng cốc vì thắng lợi Cách mạng tháng Tám, vì tình hữu nghị Việt-Xô. Tôi bị rơi vào tình trạng khó xử vì li của tôi đã rỗng không. Thấy vậy, Chủ tịch nói đùa là lớp trẻ bao giờ cũng nóng vội, rồi san cho tôi một ít rượu vang từ cốc mình. Tôi từ chối. Chủ tịch hỏi tôi:

- Anh làm gì ở sứ quán?

- Là nhân viên ạ, - tôi trả lời.

- Còn tôi, - Người nói - là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế thì cần phải nghe lời Chủ tịch (lưu ý rằng toàn bộ lời thoại đều bằng tiếng Nga).

Tôi hơi ngượng, nâng li trong tiếng cười của những người tháp tùng Chủ tịch và các đồng nghiệp mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh rót cho chúng tôi một ít rượu vang trong cốc của mình và chúng tôi cùng nâng cốc.

Ngày hôm sau câu chuyện này đã lan trong sứ quán, và Đại sứ của chúng tôi mấy ngày sau vẫn trêu đùa tôi. Còn Hồ Chí Minh cũng vậy, trong những cuộc gặp gỡ sau này, khi tôi cùng Đại sứ tới tiếp kiến Người, thỉnh thoảng Người vẫn trêu vui tôi về chuyện đó.

Cuộc sát hạch đặc biệt

Lần đó, cuộc gặp làm việc giữa Đại sứ Liên Xô và Chủ tịch Hồ Chí Minh không diễn ra ở phủ Chủ tịch - nơi thường tổ chức các cuộc tiếp chính thức các vị khách cao cấp nước ngoài, mà tại ngôi nhà nhỏ trong vườn - nơi trước đây là chỗ ở của người giữ vườn và nay là nơi ở của Chủ tịch.

Khi cuộc đàm luận chính đã kết thúc, sau bữa ăn trưa đã diễn ra cuộc trò chuyện thân mật. Hai bên cùng trao đổi nhận xét về tình hình ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và miền Nam Việt Nam - nơi lúc đó đang nóng bỏng những vụ bê bối chính trị lớn kéo theo sự lật đổ Ngô Đình Diệm...

Chủ tịch Hồ Chí Minh san cho chúng tôi một ít rượu vang trong cốc của mình và chúng tôi cùng chạm cốc.

Trong một phút ngắt giọng hiếm hoi, khi mọi người ngồi quanh bàn bắt đầu dùng bữa, Hồ Chí Minh quay về phía tôi và hỏi bằng tiếng Việt là tôi đã học tiếng Việt ở đâu.

Tôi như cái máy bắt đầu dịch cho Đại sứ Xuren Tovmasian câu hỏi đó. Nhưng Chủ tịch ngăn tôi lại và nói rằng, Người dành câu hỏi đó cho tôi và sau đó chính Người sẽ tự phiên dịch cuộc đối thoại này cho Đại sứ.

Tôi trả lời rằng tôi đã học tiếng Việt ở Học viện Quan hệ quốc tế Moskva thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô. Chủ tịch hỏi câu tiếp theo. Tôi trả lời rồi cảm thấy lo lắng vì thấy Đại sứ không hiểu gì, ngạc nhiên nhìn tôi và Chủ tịch, còn các đồng chí Việt thì vui cười khi nghe chúng tôi nói chuyện. Hồ Chí Minh còn hỏi tôi những gì đó nữa, tôi trả lời Người và thầm nghĩ rằng chắc Đại sứ hôm nay sẽ xạc cho tôi một trận ra trò vì cuộc đối thoại này với vị đứng đầu nhà nước.

Chủ tịch còn vui đùa hỏi tôi mấy câu nữa, sau đó quay sang nói với Đại sứ bằng tiếng Nga:

- Đồng chí Đại sứ đừng giận nhé, tôi chỉ muốn làm một cuộc sát hạch nhỏ với người phiên dịch của đồng chí.

- Ra vậy! - Xuren Tovmasian trả lời với sự nhẹ nhõm, sảng khoái. Vậy theo đồng chí thì tiếng Việt của anh ta thế nào ạ?

- Không tồi, không tồi. Nhưng tôi chưa thể cho anh ta điểm năm được đâu. Còn ít đọc sách báo Việt Nam. Cách phát âm trong ngôn ngữ của chúng tôi rất quan trọng mà người châu Âu khó bắt chước theo được. Nhưng người phiên dịch thì phải tự trau dồi và hoàn thiện. - Hồ Chí Minh quay sang phía tôi và kết luận.

Trên đường về nhà, ngồi trong xe, Đại sứ nói với tôi những nhận xét của mình để tôi biết - như người ta thường nói là để phòng bệnh, nhưng cũng ngạc nhiên nhận thấy là với các phiên dịch Xô Viết khác, Hồ Chí Minh đã không sát hạch như vậy. Chắc là hôm nay tâm trạng của Người rất phấn chấn. Rồi Đại sứ kết luận: Vậy là cuộc hội đàm hôm nay đã thành công. Chúng ta sẽ viết như vậy gửi về Moskva.

Ông E.P.Glazunov giới thiệu một số cuốn sách tiếng Nga viết về Bác Hồ Ảnh: Mekong.net
Ông E.P.Glazunov giới thiệu một số cuốn sách tiếng Nga viết về Bác Hồ Ảnh: Mekong.net.

Kẹo cho trẻ em

Tòa soạn có lược bớt một số đoạn và đổi tít của hồi ức

Tôi từng nói nhiều lần rằng, Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em. Người cũng có tình cảm như vậy với con em của các cán bộ Đại sứ quán Liên Xô.

Về điều này, tôi nhớ lại một buổi tiệc mà Đại sứ quán tổ chức vào đầu tháng 11 năm 1964 nhân kỷ niệm 47 năm Cách mạng tháng Mười. Buổi tiệc diễn ra tại Câu lạc bộ quốc tế.

Sau những nghi lễ chính thức, các vị chủ - khách tự do lui tới nâng cốc chúc tụng nhau. Hồ Chí Minh chọn đúng thời điểm không ai nhìn theo mình, nhẹ nhàng kéo tay tôi cùng đi ra ngoài vườn cạnh đó.

Tại đây, dưới ánh sáng mờ và không khí mát mẻ, trên bãi cỏ xanh, các cháu bé con của nhân viên Đại sứ quán Liên Xô chơi đùa vui vẻ. Đứng giữa đám trẻ, Hồ Chí Minh lấy từ túi áo ra những chiếc kẹo đã được chuẩn bị sẵn và tặng cho các cháu, trò chuyện với chúng bằng tiếng Nga, thỉnh thoảng hỏi lại tôi bằng tiếng Việt.

Một phút sau xuất hiện các nhân viên bảo vệ chạy tới than phiền rằng lại một lần nữa đã “thả lỏng” Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh cười rất hài lòng: “Thế nào, lại cằn nhằn rồi, thôi, ta đi, ta đi nhé”. Người tạm biệt đám trẻ rồi quay lại phòng tiếp khách.

Cũng đã xảy ra việc tương tự khi Hồ Chí Minh tới Đại sứ quán dự bữa tiệc chào mừng 20 năm chiến thắng của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức xâm lược do Đại sứ Serbakov tổ chức. Tới Đại sứ quán, sau khi trò chuyện ngắn với Đại sứ, Hồ Chí Minh hỏi tôi về kẹo. Kẹo đã được chuẩn bị sẵn.

Sau phần chính thức của buổi tiếp trọng thể, Chủ tịch vẫy tôi cùng đi với Người theo cửa phụ ra sân sau của sứ quán. Ở đây có một bể cá đẹp, cá vàng đang tung tăng bơi lội. Trẻ em con các nhân viên, cán bộ sứ quán chơi đùa xung quanh (trong đó có con gái tôi lúc này học ở trường của sứ quán và đến giờ thỉnh thoảng nó vẫn nhắc tới cuộc gặp gỡ này).

Cười vui vẻ, Hồ Chí Minh mở cả hai túi áo đầy kẹo của mình mời bọn trẻ ăn kẹo, nói chuyện với chúng về việc học hành và những mối quan tâm của chúng. Tôi thỉnh thoảng cũng tham gia vào cuộc đối thoại thân mật này, giúp Chủ tịch dùng những từ tiếng Nga thích hợp với ngôn ngữ trẻ em.

Evgeny Glazunov
Nguyễn Hữu Dy dịch từ nguyên bản tiếng Nga

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG