Nhật ký Trường Sa

Nhật ký Trường Sa
TP - Trong chuyến ra Trường Sa lần này, có những ông bố, bà mẹ mang hương, hoa ra thăm những người con hy sinh khi chưa lập gia đình; có những người vợ biền biệt xa chồng nhiều năm trời…

Kỳ 1: Nóng lòng, sốt ruột

Chờ đợi để được ra Trường Sa từ tháng 4, vậy mà phải đến đầu tháng 6 tôi mới được lệnh lên đường. 14 giờ ngày 2-6, đoàn công tác của chúng tôi họp tại Bộ Tư lệnh Hải quân. Được biết, do đặc điểm về thời tiết, đây sẽ là chuyến đi thăm đảo cuối cùng trong năm 2011 và cũng là chuyến thăm thứ 15, kể từ đầu năm đến nay. Đoàn được bố trí trên 2 tàu: Tàu HQ 996 đi thăm các đảo phía Nam; tàu HQ 936 đi thăm các đảo phía Bắc. Tôi có tên trong danh sách tàu HQ 996.

5 giờ 30 phút, đoàn công tác rời khách sạn để lên tàu ra đảo. Đúng 7 giờ 10, tàu nhổ neo rời bến, từ cảng Đoàn 125 Hải quân ra sông Sài Gòn hướng về phía biển.

Thăm mộ con

Chuyến đi này, ngoài thủy thủ đoàn, còn có hàng trăm thân nhân, gồm bố, mẹ và vợ của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo ở Trường Sa. Trong đoàn công tác còn có thân nhân liệt sĩ ra đảo thăm mộ những người đã hy sinh vì biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi gặp ông Lê Văn Tươi, 53 tuổi, bố của liệt sĩ Lê Văn Tuấn, nhân viên ra-đa đảo Trường Sa Lớn; gặp bà Quách Kim Hoàng ở Hòa Thạch, Tân Phú, TPHCM, mẹ liệt sĩ Quách Hoàng Lâm, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông. Anh Lâm hy sinh khi mới bước sang tuổi 22...

Tôi cũng đã gặp ông Nguyễn Văn Thọ (65 tuổi, quê ở Hoàng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), bố của liệt sĩ Nguyễn Văn Thi. Ông Thọ cho biết, anh Thi ra đảo Trường Sa từ năm 1999, từng ở đảo Đá Tây, Phan Vinh và Trường Sa Đông. Ngày 14-4-2001, anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông, khi mới tuổi 26, chưa lập gia đình. Biết tin anh hy sinh cả nhà khóc ròng. Khóc nhiều, một bên mắt phải của ông Thọ đã không còn nhìn được.

Ông kể, anh Thi hiền lành, hiếu thảo... Vừa kể, ông Thọ vừa lấy khăn lau mắt. “Mấy đêm nay, đêm nào tôi cũng khóc. Trong đoàn có nhiều người không biết tôi là bố liệt sĩ, gặp cứ hỏi con nhà ông cấp bậc gì, đang đóng quân ở đảo nào? Đã có vợ con chưa? Mọi người không biết tôi ra đảo thăm mộ con, chỉ mong muốn cấp trên đưa cháu về nghĩa trang quê nhà…”.

Vậy nhưng, khi nói đến sự việc tàu cá của Việt Nam đánh bắt hải sản ngay trên lãnh hải của mình bị tàu giám hải Trung Quốc bắn đuổi, gương mặt ông Thọ bỗng đanh lại, trầm tư... Và chuyện về cái lý thuyết đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự nghĩ ra, tự bám vào để lấn lướt những hoạt động trên biển Đông cũng trở nên sôi nổi.

Buổi chiều, ngồi trên boong tàu ngắm biển. Gió lộng. Nắng vàng. Biển xanh thẫm tuyệt đẹp. Chàng trai trẻ nhất tàu là Trần Văn Minh, sinh ra ở Bulgaria, học tại Mỹ, hiện thực tập tại báo Tin học và Đời sống. Minh bảo: “Không đâu đẹp bằng nước mình”.

Phóng viên ảnh Chí Hùng ngồi ở mũi tàu, mắt chăm chăm hướng về phía trước, tay cầm máy ảnh. Anh đang tìm chụp ảnh cá heo, cá voi. Chí Hùng từng dành 3 năm ròng đi xe máy đến khắp mọi miền đất nước, chụp những hình ảnh đẹp nhất của quê hương, đất nước và 54 dân tộc anh em. Anh đã đến nhiều đảo của Trường Sa, chộp được những khoảnh khắc tuyệt đẹp. Anh Hùng nói, càng đi nhiều, càng thêm yêu quê hương, đất nước.

Nghe anh Hùng tâm sự, tôi lại nhớ đến lời Bác Hồ kính yêu căn dặn lực lượng Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Vợ của cán bộ, chiến sĩ trên đường ra Trường Sa thăm chồng (ảnh chụp trên tàu HQ996) Ảnh: Đỗ Sơn
Vợ của cán bộ, chiến sĩ trên đường ra Trường Sa thăm chồng (ảnh chụp trên tàu HQ996) Ảnh: Đỗ Sơn.

Ngóng chồng

Tối 3-6, buổi giao lưu văn nghệ diễn ra ngay trên boong tàu. Thân nhân của các cán bộ, chiến sĩ là bố, mẹ, vợ đăng ký hát, đọc thơ rất xôm, phá vỡ kịch bản và lấn cả phần biểu diễn của Cty Du lịch Hải Thành. Những câu hát hướng về Trường Sa, về tình yêu quê hương, đất nước làm cho ai cũng rưng rưng xúc động. “Biển trời quê ta, đẹp như gấm hoa. Nước non một nhà xuôi con tàu ra Bắc vào Nam…”.

Đêm xuống, chúng tôi nằm khểnh trên boong tàu mà ngắm sao trời, biển đêm. Giữa mênh mông trùng khơi là những khoảng sáng trắng, nhìn hướng nào cũng thấy. Đó chính là tàu câu mực của ngư dân ta.

Ngày 4-6, thời tiết vẫn rất đẹp, tàu HQ 996 lướt trên mặt biển êm ru. Những con sóng nhỏ chỉ đủ rập rình như bàn tay ai đó đưa võng thật nhẹ. Cả đoàn vẫn khỏe mạnh. Vui vẻ, náo nức nhất có lẽ là các chị em ra thăm chồng. Những người có chồng công tác ở Trường Sa Lớn sẽ được gặp chồng vào sáng sớm mai, 5-6.

Ngồi ăn trưa, mấy cô bị bác cùng đoàn trêu đùa: Giá kể ra vào buổi tối nay thì tốt biết mấy, đỡ phí một đêm đảo ngóng tàu, tàu nhớ đảo. Trong mấy chị em ngồi đó, có những cô trẻ măng, vừa cưới xong, chưa kịp có em bé. Có cô xa chồng đã 2 năm ròng, thế nên mọi người xúm vào trêu đùa, yêu cầu đợt này ra đảo phải có kết quả đem về. Khi nào có em bé, phải đặt tên thế nào đó cho có dấu ấn của chuyến đi đặc biệt, vượt cả ngàn cây số này…

5 giờ 40 phút ngày 5-6, tàu HQ 996 cập cầu cảng đảo Trường Sa Lớn. Những bàn tay, vòng tay của bố, của mẹ, của vợ cán bộ, chiến sĩ siết lấy, ôm chặt. Nghẹn ngào. Rưng rưng…

Hôm qua, 5-6, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Đại tá Nguyễn Đức Vượng, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, trao tặng Huân chương Quân công cho đảo Trường Sa, do đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Đỗ Sơn
Từ Trường Sa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.