Mặn mòi nước mắt Biển Đông

Mặn mòi nước mắt Biển Đông
TP - Chuyến đi dài ngày vượt cả ngàn cây số làm cho nhiều người tự hào vì mình không ngại gian khổ, đã đến được Trường Sa. Nhưng ngay lập tức, ý nghĩ ấy làm tôi xấu hổ khi nhớ đến những người chiến sỹ trên đảo.

Nóng lòng, sốt ruột
> Cập đảo Trường Sa Lớn

5 giờ sáng ngày 6-6, đoàn công tác của chúng tôi đến đảo Đá Tây- một hòn đảo chìm nằm ở phía nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa khoảng 20 hải lý về phía đông bắc. Đảo Đá Tây có hình quả trám, ở giữa có một cái hồ dài khoảng 15 km, rộng trung bình 3 km, sâu khoảng 10m, rất tiện cho tàu thuyền neo đậu, tránh bão gió.

Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng- Đảo trưởng đảo Đá Tây cho biết: Khu vực quanh đảo Đá Tây có nguồn thủy sản dồi dào. Trong năm qua có gần 500 lượt tàu thuyền của ta ra đánh bắt thủy sản. Nơi đây cũng có trạm dịch vụ hậu cần nghề cá của Bộ Thủy sản, cung cấp nước ngọt, dầu, nhớt, sửa chữa tàu thuyền hư hỏng cho ngư dân, cứu hộ cứu nạn.

Không giống như những đảo khác có nhiều thân nhân ở lại thăm người thân, lên đảo Đá Tây chuyến đi này chỉ một mình ông Lê Văn Thanh, 60 tuổi thăm con trai là Thượng úy Lê Huỳnh Tiệp- Điểm trưởng Điểm C. Cả đảo gọi ông là bố.

Trò chuyện với tôi, ông Thanh không giấu niềm tự hào đã có người con trai là bộ đội Trường Sa. Ông Thanh nói: “Nhiệm vụ càng nặng nề, vinh dự càng lớn. Tôi muốn con mình luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao, giữ vững chủ quyền biển đảo của nước mình”.

Bà Quách Kim Hoàng thắp hương cho con - liệt sỹ Quách Hoàng Lâm trên đảo Trường Sa Đông
Bà Quách Kim Hoàng thắp hương cho con - liệt sỹ Quách Hoàng Lâm trên đảo Trường Sa Đông.

Hơn 7 giờ ngày 7-6, chúng tôi có mặt tại đảo Trường Sa Đông. Đó là một hòn đảo rợp bóng cây xanh. Hệ thống các công trình, doanh trại được xây dựng khang trang sạch đẹp. Trên đảo có hệ thống điện năng lượng sạch sử dụng pin mặt trời để phát điện.

Trung sỹ Phạm Văn Tuyến- Khẩu đội trưởng Phân đội 3 là một chàng trai trẻ quê Thái Bình, mới bước sang tuổi 21 khoe: “Biển của mình nhiều tôm cá lắm anh ạ. Ngư dân mình vẫn thường đánh bắt được tôm hùm, cá ngừ, rùa biển, hải sâm đấy!”

Trong những lần cập đảo, đã hơn một lần tôi chứng kiến những khoảnh khắc gặp gỡ của nụ cười và nước mắt. Những người cha, người mẹ, gặp được con; những người vợ gặp được chồng đều có nụ cười và những giọt nước mắt mừng mừng tủi tủi. Nhưng có những người mẹ, người cha ra đảo không gặp được con, không nhìn thấy con, không có được vòng tay ôm chặt để cảm nhận cái mùi quen thuộc của đứa con mình cứ chúi đầu ôm lấy bia mộ mà khóc.

Lại nhớ hôm trước ở đảo Trường Sa Lớn, tiếng khóc con của ông Lê Văn Tươi, 53 tuổi làm cả đoàn đỏ mắt. Ông Tươi cứ nghẹn ngào nói với con mình - liệt sỹ Lê Văn Tuấn nhân viên ra đa đảo Trường Sa Lớn: “Biết cha ra đảo, bà con làng xóm gửi hạt gạo, hạt muối quê mình cho con đây. Con ơi, nợ tiền nợ bạc cha trả được nhưng nợ nghĩa tình làng xóm quê hương, tình nghĩa của bà con cả nước thì cha làm sao trả hết”.

Hai bố con ông Lê Văn Thanh- Lê Huỳnh Tiệp ở đảo Đá Tây
Hai bố con ông Lê Văn Thanh- Lê Huỳnh Tiệp ở đảo Đá Tây.
 

Bây giờ, tại đảo Trường Sa Đông, ông Nguyễn Văn Thọ quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa run lẩy bẩy, lần sờ phía đầu ngôi mộ của liệt sỹ Nguyễn Văn Thi, như thể ông muốn vuốt ve mái tóc, khuôn mặt của người con trai yêu thương. Kế bên là bà Quách Kim Hoàng sắp đồ thắp hương cho con, nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ. Bà lấy 3 lon bia, tưới lên ngôi mộ con mình và hai ngôi mộ bên cạnh, đồng đội của anh Quách Hoàng Lâm - con trai bà.

Nghe tiếng khóc, những người vợ, người chồng vừa vui gặp gỡ được ít giây, ít phút cũng gạt bỏ chuyện riêng để mong được sẻ chia nỗi đau, mong được gọi cha thay cho đồng đội của mình đã nằm xuống…

Đỗ Sơn
Từ Trường Sa

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG