Nghệ sĩ đến già vẫn đi lo gạo

Các lão nghệ sĩ ở viện dưỡng lão lo lắng cho tương lai của mình Ảnh: T.N.A
Các lão nghệ sĩ ở viện dưỡng lão lo lắng cho tương lai của mình Ảnh: T.N.A
TP - Viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM là cơ sở xã hội duy nhất của cả nước dành nuôi dưỡng các nghệ sĩ lão thành. Niềm tự hào ấy của anh em văn nghệ sĩ đang bị “đe dọa” bởi sự quên lãng khó hiểu của một số cơ quan chức năng.
Các lão nghệ sĩ ở viện dưỡng lão lo lắng cho tương lai của mình Ảnh: T.N.A
Các lão nghệ sĩ ở viện dưỡng lão lo lắng cho tương lai của mình.
Ảnh: T.N.A.
 

Mái nhà mơ ước của nghệ sĩ

Ông Trường Sơn nguyên làm ở Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Vợ mất, các con nghèo, ngày 7-3-1998 khánh thành Viện dưỡng lão nghệ sĩ thì tháng 10-1998 ông đã là thành viên của viện rồi. Ở viện 13 năm, ông nói: “Tôi chứng kiến cái chết của gần ba chục anh em văn nghệ sĩ nổi tiếng tại đây. Người này chết, người khác lại vào. Hiện giờ chúng tôi 21 người, đa phần là văn nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực sân khấu”.

Ông cho biết mô hình ở viện chủ yếu là tự quản. Anh em đều là người nổi tiếng, từng làm kép chính, đào chính, có cống hiến với ngành. Tuy tự quản nhưng có ý thức chung cao. Ai mắc lỗi gì đều bị phạt.

Xem trong sổ trực thấy bà Mỵ Lan đi vắng không xin phép. Chồng đi lang thang vào viện dưỡng lão khác, bà đi tìm chồng. Bỏ cơm một ngày, bị phạt. Ông Sơn nói: “Viện phải vất vả đi xin tiền ăn, cô bỏ cơm ngang xương, uổng, phạt hai chục nghìn, bỏ quỹ để nuôi anh em khác”. Bà Mỵ Lan thì phân bua: “Chồng tôi ở đình, nóng quá, bỏ đi đâu rồi. Tôi sống với chồng 30 năm nay, lẽ nào không đi tìm”.

Bà Mỵ Lan 12 tuổi đã theo nghề diễn viên. Bà từng theo các đoàn Kim Chung, đoàn Thanh Minh… Giờ gia đình khó khăn, bà vào Viện dưỡng lão nghệ sĩ, tiếc là chồng chưa được vào.

Họa sĩ Hoài Nam vốn làm trang trí sân khấu cho các đoàn cải lương. Ông trước ở bưng biền chống Pháp, bị giặc bắt, tra tấn nhiều lần, mất hết giấy tờ. Năm 82 tuổi ông mới có chứng minh thư, có hộ khẩu. Hộ khẩu của họa sĩ Hoài Nam chính là Viện dưỡng lão nghệ sĩ.

Mới đây Viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM có thăm dò ý kiến nguyện vọng của mọi người trong viện. Phần nhiều đều muốn gắn bó với viện trọn đời. Bà Trần Thị Cúc sinh năm 1938, ở Long Xuyên, từng là vũ công. Năm 12 tuổi bà đi theo đoàn cải lương Tiếng Chuông, Thanh Hương, Hùng Minh.

Sau 1975 bà theo Đoàn Cải lương Sài Gòn 3. Năm 1986 đoàn giảm biên chế, phải về buôn bán dạo. Nguyện vọng của bà là: “Tôi muốn sống trong khu điều dưỡng đến cuối đời. Khi tôi nằm xuống kính mong Ban Ái Hữu nghệ sĩ giúp tôi hỏa táng”.

Ông Trường Sơn cũng không có nguyện vọng gì khác, ông ghi đơn giản: “Có gì, hội lo giùm, báo cho con nó lại”.

Thiếu kinh phí, viện dưỡng lão nghệ sĩ xuống cấp đìu hiu
Thiếu kinh phí, viện dưỡng lão nghệ sĩ xuống cấp đìu hiu.
 

Tổ ấm mong manh

Anh chị em văn nghệ TPHCM, trước kia nhiều người tham gia vào đấu tranh cách mạng, có người hi sinh, có người bị tù đày. Nhưng khổ nhất vẫn là bị gọi câu “xướng ca vô loài”. Sau năm 1975, anh chị em nghệ sĩ đã xin thành phố lập một Viện dưỡng lão nghệ sĩ để nuôi dưỡng các nghệ sĩ có công, với mục đích tôn vinh người nghệ sĩ như những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Năm 1998 nguyện vọng của họ đã thành hiện thực. Thành phố giao khu đất 5.633 m2 trên đường Âu Dương Lân, quận 8, TPHCM và cấp cho anh em số tiền 420 triệu đồng để cất nhà dưỡng lão. Số tiền ấy không đủ. Giới nghệ sĩ sân khấu đã đi vận động anh chị em đóng góp thêm gần 2 tỷ đồng để khởi công xây dựng viện dưỡng lão có một không hai này. Có người vui vẻ nói: “Đây là viện dưỡng lão duy nhất trên thế giới dành riêng cho anh em nghệ sĩ!”.

Tuy nhiên, dường như những cách quản lý máy móc hành chính cứ liên tục cản trở các hoạt động của viện dưỡng lão nghệ sĩ. Quy mô của viện không thể mở rộng. Suốt 14 năm qua, “công suất” nuôi dưỡng của viện chỉ có thể tiếp nhận 20 nghệ sĩ. Viện duy trì mô hình “có người chết đi mới nhận được người mới vào”.

Một cán bộ của Ban Ái hữu nghệ sĩ, nơi phụ trách viện dưỡng lão, nói: “Thực ra ban đầu chúng tôi dự tính sẽ xây dựng 4 khu nhà, nuôi dưỡng ít nhất 100 người. Nhưng khổ nỗi, sân khấu Việt Nam đặc biệt là cải lương ngày càng xuống cấp, càng diễn càng lỗ. Anh em nghệ sĩ chúng tôi không dám tổ chức các chương trình để tạo nguồn thu cho viện dưỡng lão nữa. Chúng tôi bó tay, không biết kiếm đâu ra tiền”.

Hiện Viện dưỡng lão vỏn vẹn có 20 nghệ sĩ lão thành, nhưng việc duy trì nó đã rất vất vả, thiếu thốn.

Tính ra mỗi tháng ngân sách cấp cho viện chỉ khoảng 3,8 triệu đồng. Trong đó có lương 4 công nhân (nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ, dọn vườn) đã mất đứt 1,2 triệu đồng. Hai người quản lý hết 200.000 đồng nữa. Tiền ăn của các nghệ sĩ chẳng còn lại bao nhiêu. Ngay cả tiền làm việc hậu sự cho các cụ cũng chẳng có. “Từ lúc thành lập đến nay có gần 30 cụ qua đời. Ban quản lý tự lo cả - Ông Tần Nguyên, Trưởng ban quản lý Viện dưỡng lão, nói - Chúng tôi đi xin hòm, xin tiền hỏa táng. Đủ tiền chi phí thì tốt, nếu không đủ đành phải trích tiền ăn bù vào cho đủ”.

Ông Tần Nguyên, Trưởng ban quản lý Viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM: “Chúng tôi lo 2 bữa cơm cho các cụ đã muốn chết rồi!”
Ông Tần Nguyên, Trưởng ban quản lý Viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM: “Chúng tôi lo 2 bữa cơm cho các cụ đã muốn chết rồi!”.
 

Chật vật qua ngày

Sau hàng chục năm không đầu tư, nhà cửa trong viện xuống cấp, nền tụt, nhà dột, ao cảnh sạt lở. Cỏ dại nhiều hơn hoa trái. Năm 2009, có chủ trương ngày 1-1-2010 chuyển giao việc quản lý viện từ Hội sân khấu TPHCM về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Sở dự định mở mang viện, đón thêm các nghệ sĩ ở các lĩnh vực ngoài sân khấu như thơ, văn, xiếc, ảo thuật, nhà báo…

Thật bất ngờ, nhiều ý kiến đã không đồng tình với chủ trương ấy. Ông Tần Nguyên nói: “Giới nghệ sĩ không đồng tình việc chuyển viện về cho Sở LĐTBXH. Giới nghệ sĩ muốn người quản lý phải hiểu họ, họ mới an tâm”. Ông Nguyên nói thêm: “Để được vào viện này, các cụ phải thỏa mãn được 10 tiêu chí, chẳng hạn như nữ trên 60 tuổi, nam trên 65 tuổi, phải có 25 năm liên tục cống hiến cho sân khấu cách mạng...”.

Trước những băn khoăn của giới nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu, UBND TPHCM đã ra thông báo nêu rõ: “Khi nào Hội Sân khấu TPHCM, Ban Ái hữu Nghệ sĩ TPHCM đã thông suốt về mặt tư tưởng, thấy việc bàn giao cho Sở LĐTBXH là việc cần thiết thì chính thức có văn bản đề nghị, UBND TPHCM sẽ xem xét, giao các sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện”.

Một sự cố bất ngờ xảy ra, ông Tần Nguyên cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, bên tài chính không cấp đồng nào cho Viện dưỡng lão nghệ sĩ nữa! Họ lặng lẽ cắt mà không có công văn hay thông báo gì”.

Chúng tôi tới thăm viện dưỡng lão vào một ngày cuối tháng 9-2011. Khung cảnh ở đây khá điêu tàn. Chỉ riêng khu nhà ở chính vừa được sửa chữa, nhưng không phải từ Sở LĐTBXH mà từ phía Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM!

Với kinh phí 150 triệu đồng do các mạnh thường quân, các nhà doanh nghiệp ủng hộ, Sở VHTTDL đã nâng cao mặt bằng, sửa chữa, chống dột dãy nhà ở cũ. Sở VHTTDL cũng cho biết sẽ xây dựng thêm dãy nhà ở mới gồm 20 phòng với kinh phí khoảng 450 triệu đồng. Việc Sở VHTTDL TPHCM hăng hái xắn tay vào giúp Viện dưỡng lão nghệ sĩ trong lúc khó khăn này, rất đáng được ghi nhận. Nhưng điều các cụ lo nhất là “xây dựng thêm phòng, tiếp nhận thêm vài chục cụ nữa, lấy đâu tiền mà ăn?”.

Từ năm 2010 đến nay, khi ngân sách bị cắt, tiền ăn hằng ngày của các cụ trở thành nỗi lo của ban quản lý. Ông Tần Nguyên nói: “Báo Công an TPHCM cho 1 triệu đồng. Một công ty nghĩa trang cho 5 triệu đồng. Ban Ái Hữu 2 triệu đồng, Khu dưỡng lão xoay 3 triệu đồng. Hằng tháng viện dưỡng lão đều thiếu hụt khoảng 5 triệu đồng kinh phí”.

Để có tiền ăn cho các cụ, anh em nghệ sĩ và ban quản lý phải tổ chức quyên góp từ thiện trong ngày giỗ tổ nghề sân khấu, tổ chức vận động quà Tết, tiếp nhận sự đóng góp của các nhà hảo tâm…

Ngày 12- 9, Quỹ từ thiện Hương Trà tặng viện 2,5 triệu đồng. Độc giả trang web Cải lương Việt Nam tặng 3.193.000 đồng. Ngày 17-9 Xí nghiệp may thêu tặng 2,7 triệu đồng. Ngày 18-9, diễn viên Kim Phượng tặng 100 kg gạo, 27 bao lì xì. Ngày 20-9 mẹ của ca sĩ Minh Tuyết thay mặt chị em hải ngoại tặng 1 bữa ăn, quà 200.000 đồng/người và 1.090 USD tiền ăn…

Thỉnh thoảng có người đến tặng quà nhưng mọi người cho biết: “Quà được chia đều cho các cụ nghệ sĩ, chỉ gạo và những khoản tiền được tặng để lo bữa ăn cho các cụ thì mới sử dụng vào bữa cơm hằng ngày”.

Ông Tần Nguyên nói anh em nghệ sĩ đang cố gắng hết sức để các lão nghệ sĩ không bị đứt bữa. Nhưng vấn đề không chỉ là cơm ăn, mà còn là chuyện tinh thần: “Các cụ cứ nghĩ rằng vào đây là một vinh dự, bởi được nhà nước nuôi lúc về già chính là sự ghi nhận của nhà nước cho những đóng góp âm thầm của họ. Không ngờ giờ đây chúng tôi phải đi xoay tiền mua gạo hằng ngày thế này. Chúng tôi không biết phải ăn nói với các cụ ra sao”.

Đã gần 2 năm không nhận được tiền trợ cấp gì của nhà nước, không hiểu Viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM, một địa chỉ văn hóa và nhân văn nổi tiếng của thành phố phương Nam, còn tồn tại được đến bao giờ?

9-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG