Những thủy thủ cuối cùng

Những thủy thủ cuối cùng
TP - Những cựu chiến binh trên đoàn thuyền cảm tử xuyên biển thời Nam tiến ai còn, ai mất, từ những chuyến đi hy sinh trọn gói, sau 64 năm dằng dặc?

Có con đường xuyên biển thời Nam tiến – kỳ 3:

Những thủy thủ cuối cùng

> Cảm tử vận tải biển
> Có con đường xuyên biển thời Nam tiến

Thân nhân các liệt sĩ của đội quân đặc biệt này bây giờ ra sao?

Lần họp mặt cuối

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tiểu đoàn 248 tập trung về cảng Quy Nhơn. Đơn vị được biên chế lại và đổi tên thành tiểu đoàn 425 để nhận nhiệm vụ mới: Đưa bộ đội, cán bộ, nhân dân xuống tàu của Pháp, tàu Xittanbon của Liên Xô, tàu Kilixicy của Ba Lan và Na Uy để chuyển quân tập kết ra Bắc, xây dựng kho bãi, tiếp nhận hàng viện trợ đưa vào đất liền..

Hàng tháng làm ra tiền thì mỗi đứa góp cho vợ chồng già 100.000 đồng. Không có thì thôi. Hơn 5 tháng nay biển vắng quá nên chỉ có con út mang tiền tới, mấy đứa kia làm biển đói nên quên luôn”. Ông Phạm Hộ

Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lần mở tập hồ sơ cũ để tìm những người trong tiểu đoàn 248 cảm tử năm xưa. Trong dãy danh sách, có nhiều cái tên được kèm với chữ “đã chết”. Số cựu chiến binh trên những con thuyền vượt biển thời Nam tiến không còn nhiều.

Ông Hoàng cho biết: Tháng 5-1997, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi thành lập Ban liên lạc Hội cựu chiến binh của Tiểu đoàn cảm tử 248. Có 24 đồng chí cựu chiến binh trong đơn vị đến dự. Suốt 14 năm qua, anh em trong Ban liên lạc không có điều kiện sinh hoạt thường xuyên nên bặt tin nhau.

Giờ kiểm tra lại thì phần lớn cựu chiến binh tham gia trong đội thuyền vận tải cảm tử đã không còn. Hội Cựu chiến binh huyện đang xin ý kiến để tổ chức cho các cụ gặp mặt tại địa phương vào đúng ngày 23-10 tới.

Điện thoại sắp xếp cuộc hẹn với ông Tô Văn Lợi - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Ông Lợi buồn buồn: “Trưa nay chú tới gặp. Nhưng nói thiệt là các cụ giờ đều đã chết”.

Theo ông Lợi, tại xã Tịnh Khê có nhiều cụ tham gia đội thuyền chèo chở vũ khí vào Nam. Xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh có một xưởng quân giới của Việt Minh. Đây cũng chính là địa điểm đóng quân của cơ quan quân sự ta lúc bấy giờ. Vũ khí chế tạo tại xưởng, đưa xuống thuyền, vượt biển vào Nam để bộ đội đánh Pháp.

Tại xã Tịnh Khê, thôn Thành A từ xưa đã có nhiều gia đình đi biển rất giỏi. Bằng những chiếc thuyền buồm, ngư dân ở Thành A chở hàng đi vào tận Sài Gòn, ra Quảng Bình, Quảng Trị. Ông Võ Mô là một trong những ngư dân thiện chiến như vậy. Việt Minh đã tuyển dụng ông tham gia vận chuyển hàng và vũ khí vào Nam.

Vợ chồng ông Mô có 4 đứa con. Bà Chãi vợ ông thường xuyên đau ốm. Lúc về già, ông không được hưởng chính sách người có công. Cuộc sống chật vật. Xét thấy điều kiện khó khăn, chính quyền địa phương vận động các cơ quan tổ chức xây dựng cho vợ chồng ông Mô một ngôi nhà tình nghĩa. Sống trong ngôi nhà mới được 2 năm thì ông Mô qua đời năm 2006.

Đời những người lính chèo là vậy. Sự vất vả dài dằng dặc như những đêm miệt mài vượt sóng gió trên biển. Bây giờ, khi niềm vui thoáng đến thì họ đã lại rủ nhau ra đi.

Sống với ký ức hào hùng khi sơn hà nguy biến

Trong ngôi nhà cũ kỹ nằm đầu xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, ông Trần Lứ (Lưới), người thủy thủ năm xưa giờ đã qua tuổi 80. Bà Nguyễn Thị Tư vợ ông Lứ, cho biết: “Già rồi, trí nhớ ổng không còn nhiều, nhưng ổng vẫn thích người ta nói chuyện thủy thủ thời chống Pháp”.

Có cảm tưởng, bà cụ này đã gánh vác thay cho chồng nhiều thứ. Bà nhớ thay cho chồng những câu chuyện ông Lứ bị giặc Pháp bắt bớ và giam cầm. Từng câu nói và hình ảnh của ông Lứ cách đây hơn 60 năm được bà nhớ như in. Bà kể: Ổng bị Pháp bắt giam ở Đà Nẵng vì chở hàng cho Việt Minh. Ngày tha về, lính Pháp định mua chuộc anh em bằng một xấp vải, nhưng ổng đã khuyên nhủ bằng câu thơ: Đừng ham hàng hóa làm chi/Hại dân hại nước ích gì anh ơi.

Ra tù, về địa phương, ông Lứ tiếp tục tham gia du kích, vào dân công tải hàng cho Việt Minh. Trong một chuyến vận chuyển hàng bằng đường bộ, ông Lứ và đồng đội rơi vào ổ phục kích của địch. Ông Dương Ký, người chiến sĩ cùng quê ông Lứ hy sinh tại chỗ. Ông Lứ lãnh 2 phát đạn vào tay và bụng.

Sau ngày giải phóng, ông Lứ trở về mưu sinh với biển cả để nuôi 6 đứa con. Cái làng Tịnh Kỳ nhà nào cũng nghèo. Chính vì vậy, ông bà phải chật vật lắm mới kiếm đủ ăn. Hiện, ông bà đã làm được hồ sơ thương binh. Số tiền 1,5 triệu đồng/tháng trở thành nguồn sống chủ yếu của vợ chồng già.

Trung tướng Nguyễn Đôn - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Kỷ niệm chương cho các chiến sĩ tiểu đoàn 248 Ảnh: T.L
Trung tướng Nguyễn Đôn - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Kỷ niệm chương cho các chiến sĩ tiểu đoàn 248 Ảnh: T.L.

Còn nhà của vợ chồng ông Phạm Hộ nằm cuối xã Tịnh Kỳ, rêu phong, nứt toác từng mảng. Cơn gió đầu đông từ biển thổi thốc tháo qua những khe cửa cong vênh khiến ngôi nhà lạnh toát. Ông Hộ tham gia đội thuyền chèo từ năm 1948 đến năm 1952. Là một ngư dân thiện chiến trên biển, ông Hộ cùng đồng đội bao phen cảm tử chèo thuyền vượt sóng vào Nam. Sau năm 1954, ông Hộ trở về địa phương và tham gia dân quân, dân công tải đạn.

Vợ chồng ông Hộ có 6 người con. Sau giải phóng, ông Hộ lại ra khơi đánh cá. Ra khơi khiến ông được sống lại những năm tháng ngược xuôi trên biển cả, thêm nhớ những đồng đội đã nằm lại với biển, thịt xương tan vào biển xanh.

Tuổi già ập đến, ông vẫn mang theo những ký ức đẹp về những năm tháng rộn vang tiếng ca sơn hà nguy biến. Cuộc sống của ông, bà dựa vào số tiền trợ cấp người cao tuổi 180.000 đồng/tháng. Nhắc chuyện cũ, ông mang ra những tấm huy chương, kỷ niệm chương đường Hồ Chí Minh trên biển (do quân chủng Hải quân tặng). Âm thanh lách cách của chùm huân chương vang lên. Nụ cười của ông nở ra, ánh mắt thoáng chút reo vui rồi lại chìm vào dòng ký ức của một thời trai trẻ.

Ông Trần Lứ và vợ với Kỷ niệm chương đường HCM trên biển Ảnh: L.V.C
Ông Trần Lứ và vợ với Kỷ niệm chương đường HCM trên biển Ảnh: L.V.C .
Ông Phạm Hộ - người lính chèo thuyền cảm tử tiểu đoàn 248 năm xưa, sống dựa vào tiền trợ cấp người cao tuổi 180 ngàn đồng/tháng
Ông Phạm Hộ - người lính chèo thuyền cảm tử tiểu đoàn 248 năm xưa, sống dựa vào tiền trợ cấp người cao tuổi 180 ngàn đồng/tháng.

“Hàng tháng làm có tiền thì cứ mỗi đứa góp cho vợ chồng già 100.000 đồng. Nếu không có thì thôi. Hơn 5 tháng nay biển vắng quá nên chỉ có con út là mang tiền tới, mấy đứa kia làm biển đói nên quên luôn” - ông Hộ cười hể hả với vẻ thông cảm - “Mình còn sống bao năm nữa đâu. Không riêng gì mình, nhiều anh em khác tham gia vận tải. Tới ngày giải phóng mừng quá, mình còn sống, đất nước hòa bình, có ai nghĩ tới chuyện làm chính sách”.

Nụ cười và câu nói tâm tình của ông già ngoài tuổi 80, khiến ông như trẻ lại, giống như câu chuyện những con thuyền vượt biển vào Nam năm xưa. Dù 64 năm rồi, giờ kể lại, vẫn luôn tươi mới.

Thời chống Mỹ, khi chưa thành lập đoàn tàu không số, Tết Nguyên đán năm 1959, chiếc thuyền do đồng chí Nguyễn Bất (quê Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng 7 thủy thủ mở đường vào Nam. Để chuyến đi an toàn, thuyền chọn ngày thời tiết xấu xuất bến. Bị bão đánh trôi vào đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, 8 đồng chí đã bị địch bắt tra tấn, giam cầm 14 năm tại nhà tù Côn Đảo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG