Những mảnh đời vượt biên lấy chồng

Những mảnh đời vượt biên lấy chồng
TP - Họ đã về Việt Nam. Có người nỗ lực xây dựng cuộc sống mới. Có kẻ dấn thân vào chốn lao tù. Bằng nhiều con đường, hoàn cảnh khác nhau, họ từng bị gả bán cho những ông chồng Trung Quốc luống tuổi.

Vất vả, tủi nhục

Trở về quê gần chục năm nay, song hình ảnh những ngày cơ cực trên đất khách vẫn ám ảnh chị Nguyễn Thị Hạnh, SN 1973, trú tại thôn Pá Phiêng (xã Hồng Phong, Cao Lộc, Lạng Sơn).

Nhớ lại buổi chiều mùa đông giá lạnh, năm 1994, chị theo một người đàn ông vượt qua biên giới đi buôn quần áo. Gặp người phụ nữ tên Hồng, 46 tuổi, lấy chồng Trung Quốc (TQ) lâu năm, sống ở một bản heo hút, cách biên giới Việt - Trung chừng năm cây số. Bà Hồng hỏi: “Mày được hưởng bao nhiêu tiền?”.

Chị Hạnh tròn mắt, trả lời: “Cháu đi buôn hàng qua biên. Nếu gặp người tốt thì xây dựng gia đình”. Bà Hồng cười nhe răng: “Thằng đàn ông đi cùng mày, đã lĩnh hai ngàn tệ (NDT). Nó về nước rồi”.

Hôm sau, toán người lạ mặt dẫn chị Hạnh và người phụ nữ trẻ tên Hương, quê ở Thái Bình, đi sâu tiếp vào nội địa TQ. Sau ba ngày, họ đến Hải Khẩu, gần đảo Hải Nam. Tại đây, mỗi ngày có gần chục lượt đàn ông mắt híp, cao tuổi đến xem mặt hai cô gái Việt Nam, xì xồ bàn tán.

“Cô Hương đậm người nên có khách mua sau hai ngày. Còn tôi, họ chê là người thành phố, không biết làm nghề nông. Họ còn sợ tôi là hàng quay, chưa kịp bén hơi nhau, là bỏ trốn. Phải mất gần hai tháng sau, có một người đến xem kỹ bàn tay, lưng của tôi, rồi đồng ý lấy làm vợ”. Chị Hạnh kể trong nước mắt.

Ba mẹ con chị Hạnh
Ba mẹ con chị Hạnh .

… Về nhà chồng ở một làng quê xa ngái, cách chợ huyện chừng 30 km, chị Hạnh sống với ông bà nội. Hằng ngày, thức khuya, dậy sớm, đi cắt cao su thuê cho Lảo pản, mỗi tháng kiếm được trên 100 NDT. Gia đình chi tiêu dè xẻn, không đủ ăn. Chồng chị nghiện rượu, ngày nào cũng tu vài cốc, tiền làm thuê, một nửa chi mua rượu. Trước khi lấy vợ, ông ta đã cắm quán trên 1.000 NDT.

Tháng 4-1996, chị Hạnh sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Tiểu Hồng. Ba năm sau, sinh thêm cháu trai, đặt là A Cường. Những ngày chị nghỉ sinh nở, gia đình khánh kiệt tài sản, phải bán bớt đồ đạc lấy tiền đong gạo, mua mỡ. Đúng lúc đó, chồng bị đau ruột thừa, tiền viện mất 2.000 NDT...

Nhớ nhà, nhớ quê. Sau bao đêm suy nghĩ, cuối tháng giêng 2002, lấy cớ đưa A Cường đi tiêm phòng, chị gói ghém đồ đạc, dắt hai con, tìm đường trốn về Việt Nam.

Nhúng chàm

Những mảnh đời vượt biên lấy chồng ảnh 2
Cô Hương đậm người nên có khách mua sau hai ngày. Còn tôi, họ chê là người thành phố, không biết làm nghề nông. Họ còn sợ tôi là “hàng quay”, chưa kịp bén hơi nhau đã bỏ trốn… - Chị Nguyễn Thị Hạnh.

Âu Thị Hà (SN 1987), dân tộc Tày, là một người xinh xắn ở bản Nà Pàn, Bảo Lâm, Cao Lộc, Lạng Sơn. Giữa năm 2010, Hà quen rồi lấy Lý Phúc Hải, trú tại Bản Khuân (Bằng Tường, Quảng Tây, TQ), dù biết anh ta đã có vợ, có con gái 13 tuổi.

Hải là đối tượng buôn ma túy xuyên biên giới, bị bắt giữ, giam tại đồn công an Bằng Tường. Trong những lần thăm nuôi chồng, có một thanh niên tên là Trung đe dọa Hà phải tiếp tục nối lại đường dây vận chuyển ma túy, nếu không sẽ không được yên thân.

Ngày 26-4-2011, Hà nhận 4 bánh ma túy của một người lạ mặt tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc), cho vào cốp xe máy, vận chuyển đến khu vực đường mòn Co Luông thì bị biên phòng Bảo Lâm bắt quả tang.

Ra tòa, với đứa con hơn ba tháng tuổi, nhận mức án 18 năm tù Hà òa khóc, trình bày: “Tại bị cáo ngu dốt, nghe theo lời kẻ xấu. Mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về, nuôi dạy con thơ”.

Bị cáo Hà bị kéo vào vòng tội lỗi, ra tòa lĩnh án Ảnh: Duy Chiến
Bị cáo Hà bị kéo vào vòng tội lỗi, ra tòa lĩnh án Ảnh: Duy Chiến.

Trong số phụ nữ lấy chồng TQ, có không ít người do hám tiền đã trở về Việt Nam, lôi kéo người thân, lừa phụ nữ, trẻ em sang bên kia biên giới bán. Điển hình, Lộc Thị Duyên (SN 1982, trú tại Bằng Tường, TQ), về quê cũ ở thôn Trung Cấp, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn rủ cháu ruột là Trần Ánh Tuyết, SN 1991, lừa Dương Huệ N, 13 tuổi, sang Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, bán cho những người đàn ông ế vợ.

Thẩm phán Chu Thị Nguyễn Phin, TAND tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhiều vụ án vận chuyển tiền giả, ma túy, cờ bạc có sự tham gia tích cực của một số đối tượng đang sinh sống, lấy chồng Trung Quốc. Gần đây, tòa án tuyên phạt 48 tháng tù cho 5 nữ quái (đa số sang TQ lấy chồng - PV), tham gia đánh bạc do Tiêu Vân Trường (Bằng Tường, Quảng Tây), tổ chức tại một địa bàn vùng biên Lạng Sơn.

Nỗ lực vươn lên

Theo thống kê, trong tổng số 4.000 phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mất tích, phần lớn xuất cảnh trái phép sang bên kia biên giới làm thuê, lấy chồng. “Riêng khu vực Na Hình, có tới 150 người vượt biên lấy chồng TQ. Họ ra đi vì lỡ thì, khó khăn về kinh tế, đa số sinh sống ở vùng hẻo lánh, kinh tế khó khăn, ở các bản giáp biên”. Thượng tá Nguyễn Năng Nhạ, đồn trưởng đồn biên phòng Na Hình (Văn Lãng) cho biết.

Chủ tịch Hội Phụ nữ (PN) tỉnh Lạng Sơn, bà Đặng Thị Kiều Vân, nói: Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm trung chuyển của những đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Những năm qua, các cấp Hội PN quan tâm, tổ chức công tác tuyên truyền khắp các xã, phường, thị trấn. Trong hai năm gần đây, đã tiếp nhận hàng trăm chị em từ bên kia biên giới trở về, giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà cửa, phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hạnh phấn khởi cho biết, chị nhận được 12,5 triệu đồng từ quỹ Hội PN để sửa chữa nhà, mua giống, phân bón, trồng hoa màu. Hiện nay, chị đã có cuộc sống ổn định, với 4,5 sào rau xanh, thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Hai con của chị, đứa lớn nay đổi tên là Nguyễn Thị Hương, học lớp 9A1, cháu nhỏ là Nguyễn Mạnh Cường, học lớp 5A trường THCS-Tiểu học Hồng Phong, Cao Lộc. Các cháu đều ngoan, học khá, thường xuyên giúp đỡ mẹ trồng, bó rau mang đi chợ bán.

Nhìn những luống rau xanh, tươi tốt trồng bạt ngàn xung quanh nhà chị Hạnh, chúng tôi biết cuộc sống hạnh phúc của gia đình chị đang dần trở lại trên chính mảnh đất quê hương.

Xứ Lạng, giữa tháng 10-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.