Những gia đình Lào - Việt

Ảnh bà Kỳ Nam và các con chụp chung với Bác Hồ, năm 1960
Ảnh bà Kỳ Nam và các con chụp chung với Bác Hồ, năm 1960
TP - Do mối thâm tình giữa hai nước, có rất nhiều người Lào và người Việt nên vợ nên chồng, mà Hoàng thân Souphanouvong - cố Chủ tịch nước CHDCND Lào và bà phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam là trường hợp tiêu biểu.

> Hơn nước dòng Mê - Kỳ một

Ảnh bà Kỳ Nam và các con chụp chung với Bác Hồ, năm 1960
Ảnh bà Kỳ Nam và các con chụp chung với Bác Hồ, năm 1960.

Tại Bảo tàng Souphanouvong ở thủ đô Viengtiane có treo một bức ảnh chụp đôi vợ chồng trẻ rất đẹp, bên dưới đề song ngữ tiếng Lào và tiếng Anh: “Hoàng thân Souphanouvong và cô Nguyễn Thị Kỳ Nam trong ngày cưới tại Nha Trang, ngày 19-1-1938”.

Là một hoàng tử, mới 11 tuổi, Souphanouvong đã được gửi sang Hà Nội học trường Albert Sarraut. Sau đó, ông sang Pháp học Đại học quốc gia cầu đường Paris. Tốt nghiệp, Hoàng thân Souphanouvong trở thành kỹ sư cầu đường đầu tiên của toàn xứ Đông Dương.

Trở về Đông Dương, Souphanouvong làm việc ở miền Trung Việt Nam với nhiều trọng trách, trong đó có các chức vụ Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang, Trưởng phòng Kỹ thuật của Sở Công chánh An Nam Trung kỳ. Hoàng thân Souphanouvong đã đích thân thiết kế và phụ trách thi công nhiều công trình thuỷ lợi trên đất Việt Nam, trong đó có 7 công trình đến nay còn sử dụng.

Hoàng thân Souphanouvong và phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam trong ngày cưới 19-1-1938
Hoàng thân Souphanouvong và phu nhân Nguyễn Thị Kỳ Nam trong ngày cưới 19-1-1938.

Tiêu biểu như công trình Tháp nước Phan Thiết “được giới kiến trúc đánh giá là đẹp và độc đáo nhất trong các tháp nước ở Việt Nam bởi sự thanh thoát, sang trọng kiểu kiến trúc phương Đông, đã trở thành biểu trưng chính thức của tỉnh Bình Thuận”(1).

Ông cũng tham gia xây dựng cầu Yên Xuân trên sông Cả, hệ thống dẫn nước ở các đập Đô Lương, Thanh Chương, và đặc biệt là đập Bái Thượng dài 160 mét, cao 23,5 mét, cung cấp nước tưới cho hơn 50 nghìn ha đất ruộng hai vụ của mấy huyện ở Thanh Hoá. Đập Bái Thượng “còn là cảnh quan hấp dẫn khách du lịch, đã từng là biểu tượng đẹp nhất của Tem Việt Nam thời Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”(2).

Chính vì làm việc ở Việt Nam mà Hoàng thân đã nên duyên chồng vợ với cô Nguyễn Thị Kỳ Nam, người đẹp xứ Trung Kỳ. Có người nói cô Kỳ Nam là em họ Vua Bảo Đại, chẳng biết đúng hay sai nhưng trong cuốn sách “Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại” (NXB Công an nhân dân), nhà văn Trần Công Tấn, người được Hoàng thân nhận làm con nuôi, kể rằng ông đã từ bỏ mối tình đẹp ở Pháp để về lại Đông Dương.

Khi làm Kiến trúc sư trưởng khu Công chánh Nha Trang, ông thuê phòng ở một khách sạn ở Nha Trang. Tại đây, ông đã làm quen với con gái của ông bà chủ khách sạn là cô Nguyễn Thị Kỳ Nam - nữ sinh Trường Đồng Khánh về nghỉ với cha mẹ.

Điều kỳ lạ là năm đó, cô Nguyễn Thị Kỳ Nam đi xem cuộc thi Hoa khôi xứ Trung kỳ đã tình cờ lọt vào mắt Ban giám khảo và trở thành người đoạt vương miện hoa khôi của xứ An Nam Trung kỳ năm đó. Họ kết hôn này 19-1-1938 và tuần trăng mật là chuyến đi khảo sát trên các dòng sông miền Trung Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kỳ Nam có tên Lào là Viengkham. Bà cũng tham gia công tác, trở thành Phó Giám đốc Viện Khoa học Xã hội Lào.

Trong Bảo tàng Souphanouvong có bức ảnh hai ông bà chụp năm 1972. Họ vẫn tươi tắn, hạnh phúc như trong cái ngày cưới cách đó 34 năm. Ông bà sinh hạ mười người con, tám trai, hai gái. Cũng trong Bảo tàng có bức ảnh bà Kỳ Nam cùng đàn con trứng gà trứng vịt của ông bà chụp chung với Bác Hồ, trông chẳng khác gì người con gái mang các con về quây quần thăm cha.

Nhìn bức ảnh, tôi bỗng nhớ tới một kỷ niệm thời bé. Vào quãng cuối những năm 60 thế kỷ trước, bố tôi lúc đó ở ban Công tác Miền Tây Trung ương, trong đoàn chuyên gia của Đảng ta bên cạnh Trung ương Đảng bạn tại căn cứ Sầm Nưa một lần tạt qua nhà trong khu tập thể của Ủy ban Hành chính huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Trong số người bước xuống từ hai chiếc com-măng-ca đít vuông có hai thanh niên cao lớn mặc quần áo giống nhau màu gụ và một thiếu nữ rất xinh mặc váy dài màu xanh cánh trả, cổ tay đeo một chiếc đồng hồ nhỏ dây nhung đen. Các cô chú trong cơ quan mẹ tôi xì xào đó là hai “hoàng tử” và “công chúa” của Hoàng thân Souphanouvong lúc đó được gửi học ở Hà Nội.

Tôi hồi đó còn chưa học vỡ lòng suốt buổi cứ thập thò say mê ngắm mấy con người đẹp một cách khác thường ấy, xem họ giở đồ ăn gồm xôi nếp nương, muối ớt và chuối tiêu ra ăn. Người con gái nói giọng Hà Nội rất ngọt và rất quảng giao, một lúc đã thấy đi sang chơi ở mấy nhà liền cạnh, nói “em học lớp 6…”.

Tôi nhìn kỹ bức ảnh trong bảo tàng. Chịu, không thể nào nhận ra được cô tiên của tuổi thơ ấy vì Hoàng thân có hai con gái mà ảnh thì có lẽ chụp trước thời điểm cô cùng hai anh về nhà tôi mấy năm.

Hôm đón Đoàn đại biểu cấp cao Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sang thăm Lào tại cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh (10-1). Phía bạn Lào có một người đàn ông dáng vẻ nho nhã, hiền hậu, toát lên vẻ đẹp trí thức. Đó là Tiến sĩ Kongkeo Xaysongkham - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Bolikhamxay. Trên đường về Viengtiane, Đoàn Việt Nam ghé thăm nhà anh.

Chị Ngọc Ánh bên cạnh cây đào Nhật Tân trước hiên nhà ở tỉnh lỵ Bolikhamxay
Chị Ngọc Ánh bên cạnh cây đào Nhật Tân trước hiên nhà ở tỉnh lỵ Bolikhamxay.

Nội tướng của ngôi nhà, chị Ngọc Ánh, là người Hà Nội đã yêu chàng sinh viên Kongkeo lúc đó học ở Đại học Giao thông Hà Nội (cái “mô típ” cô gái Hà Nội yêu và kết tóc se tơ với chàng du học sinh Lào lặp lại ở trường hợp vợ chồng bí thư T.Ư Đoàn TNNDCM Lào, tiến sĩ Khampha Phimason – người từng học Đại học Kinh tế quốc dân ở Hà Nội, và nhiều gia đình khác) .

Cuộc tiếp ở nhà anh Kongkeo thật vui và ấm áp. Bà chủ Ngọc Ánh duyên dáng, nhẹ nhõm, vẫn giữ nguyên cái khéo léo, lịch lãm của phụ nữ đất Tràng An, quán xuyến, chu đáo hết mực đến khách mà không lúc nào bỏ lơi mạch chuyện. Có lẽ do đối tượng khách đặc biệt từ quê vợ mà ông chồng sáng giá, hàng quan đầu tỉnh chỉ ngồi uy nghi với nụ cười mãn nguyện thường trực, để vợ hoàn toàn chủ động dẫn dắt câu chuyện.

Hỏi anh chị nên duyên thế nào, chị Ngọc Ánh cười nói có lẽ là do số, chứ nhà chị ở trên phố Ngô Quyền cách xa nơi anh học ở Cầu Giấy (mấy hôm sau, ở Viengtiane, có người biết rõ anh chị nói họ gặp nhau là do anh Kongkeo đến dự đám cưới ở nhà người quen cạnh nhà chị, và tình yêu của họ thuộc kiểu “sét đánh”).

Giờ thì anh chị có hai con đã khá lớn, một trai, một gái. Bí thứ thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh và Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phước Lộc ký tặng gia đình các ấn phẩm Tết của các báo thuộc hệ thống Đoàn, Hội như Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ Thủ đô.

Chị Ngọc Ánh nói đây là món quà tinh thần quý nhất, rồi chị khoe các con chị đều biết tiếng Việt: “Không phải biết một cách vớ vẩn, mà đọc thông viết thạo”. Hai cháu sinh ở Việt Nam, nhưng đi học ở Lào, mấy tháng hè đều được gửi về với ông bà ngoại để học tiếng Việt.

Chính vì rành tiếng Việt mà cậu con trai có thời gian không chịu nhận cái tên Lào Xỉn Xay, mặc dù trong tiếng Lào nó có nghĩa như là Thánh Gióng.

Trước cửa ngôi nhà của anh chị Kongkeo Xaysongkham một bên là cây đào đỏ, bên kia là cây quất lá xanh chen quả vàng, quà của tỉnh Hà Tĩnh gửi tặng (hôm đó đã là 17 tháng Chạp).

Khi xe chúng tôi rời nhà anh chị, ngoái lại, tôi thấy chị, người đàn bà Việt Nam trong bộ áo váy Lào ấy đứng vẫy tay bên cây đào Nhật Tân trên đất Triệu Voi đã bắn đầy chấm đỏ báo hiệu một mùa xuân mới mà cảm giác như là tự hào bỗng dưng cứ nao nao...

Trong Bảo tàng Souphanouvong có bức ảnh hai ông bà chụp năm 1972. Họ vẫn tươi tắn, hạnh phúc như trong cái ngày cưới cách đó 34 năm.

Ông bà sinh hạ mười người con, tám trai, hai gái. Cũng trong Bảo tàng có bức ảnh bà Kỳ Nam cùng đàn con trứng gà trứng vịt của ông bà chụp chung với Bác Hồ, trông chẳng khác gì người con gái mang các con về quây quần thăm cha.

Còn nữa

------------------------------

(1), (2) - Trích từ bài phát biểu chào mừng Hội thảo khoa học Việt - Lào “Thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Xuphanuvông” nhân kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch, ngày 7-7-2009 của đồng chí Tô Huy Rứa, khi đó là UV BCT, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.