Cú điện thoại đưa Mỹ tới cửa nhà Bin Laden

Cú điện thoại đưa Mỹ tới cửa nhà Bin Laden
Khi nhấc điện thoại lên gọi vào năm ngoái, một trong những phụ tá tin cậy nhất của Osama bin Laden đã không hề biết rằng nó đã giúp đưa người Mỹ tới cửa nhà của ông chủ mình, kẻ khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới.

Cú điện thoại đưa Mỹ tới cửa nhà Bin Laden

>> Cuộc đời trùm khủng bố Osama bin Laden qua ảnh

Khi nhấc điện thoại lên gọi vào năm ngoái, một trong những phụ tá tin cậy nhất của Osama bin Laden đã không hề biết rằng nó đã giúp đưa người Mỹ tới cửa nhà của ông chủ mình, kẻ khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới.

Osama Bin Laden
Osama Bin Laden.

Cú điện thoại, được một quan chức Mỹ kể lại vào ngày hôm qua, đã chấm dứt cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm đối với người đưa tin riêng của Bin Laden, điểm kết quan trọng trong cuộc truy lùng trùm khủng bố rộng khắp thế giới. Kẻ đưa tin này, sau đó đã dẫn tình báo Mỹ tới một khu nhà kiên cố ở đông bắc Pakistan, nơi lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ đã tiêu diệt được Osama bin Laden vào sớm qua.

5 phút giao tranh quyết liệt cuối cùng là đỉnh điểm của những năm dài thực hiện công tác tình báo. Với nhóm CIA săn lùng bin Laden, họ luôn ý thức được rằng điểm yếu lớn nhất của tên trùm khủng bố này chính là những kẻ đưa tin của hắn ta. Hắn ta quá thông minh để không cho những chiến binh al-Qaeda hay thậm chí là những chỉ huy cấp cao của nhóm này biết nơi ở của mình. Nhưng nếu hắn ta muốn chuyển thông điệp ra ngoài, phải có ai đó đưa tin, ai đó mà bin Laden tin tưởng suốt cả cuộc đời.

Trong một nhà tù bí mật của CIA ở miền đông châu Âu nhiều năm trước, lãnh đạo số 3 của al-Qaeda, Khalid Sheikh Mohammed, đã cho giới chức trách biết tên hiệu của nhiều người đưa tin cho bin Laden, các cựu quan chức tình báo Mỹ cho hay. Những cái tên này nằm trong số hàng ngàn đầu mối CIA đang theo đuổi.

Một tên đã được CIA đặc biệt chú ý khi một kẻ bị bắt giam có tên Abu Faraj al-Libi nói với các nhà thẩm vấn rằng khi được “thăng chức” kế nhiệm Mohammed làm thủ lĩnh phụ trách hoạt động của al-Qaeda, hắn ta đã nhận tin từ một người đưa tin. Các quan chức CIA tin rằng chỉ có bin Laden mới có thể trao cho al-Libi thông tin thăng tiến đó.

Và nếu họ có thể tìm được người đưa tin này, họ sẽ tìm ra bin Laden.

Nhưng phải mất nhiều năm các cơ quan tình báo Mỹ mới xác định được tên thật của kẻ đưa tin trên (tuy nhiên hiện các quan chức Mỹ không có ý định tiết lộ). Nhưng sau khi xác định được danh tính của hắn, các nguồn tin CIA không hề có chút thông tin nào về nơi lẩn trốn của hắn. Bin Laden lại nổi tiếng là không cho dùng điện thoại hay máy tính ở gần mình, vì vậy phương thức nghe trộm trở nên vô dụng.

Rồi sau đó vào giữa năm ngoái, kẻ đưa tin trên đã có một cuộc trao đổi điện thoại với người đang bị tình báo Mỹ theo dõi – một quan chức Mỹ giấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề tiết lộ. Kẻ đưa tin đã được “định vị” tại nơi cách xa nơi ẩn náu của bin Laden, nhưng đủ gần để giúp các quan chức tình báo xác định và theo dõi hắn ta.

Tháng 8-2010, kẻ đưa tin không hề biết rằng đã dẫn lối cho giới chức trách tới một “căn cứ” ở thị trấn Abbottabad, đông bắc Pakistan, nơi al-Libi cũng từng sống. Những bức tường bao quanh khuôn viên cao 5,5m, bên trên có gắn dây thép gai. Giới chức tình báo đã biết ngôi nhà trong suốt nhiều năm, nhưng lại luôn cho rằng bin Laden sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt với nhiều vệ sỹ được trang bị vũ khí hạng nặng. Vì vậy mà không ai tới kiểm tra ngôi nhà.

Trên thực tế là không ai đến và đi ra từ ngôi nhà. Không có đường dây điện thoại hay internet bắc tới ngôi nhà. CIA nhanh chóng nhận ra rằng bin Laden đang ẩn náu hoàn toàn đơn giản, ở một nơi được xây dựng đặc biệt để không bị chú ý. Nhưng do bin Laden không bao giờ di chuyển, nên không ai có thể vào trong khuôn viên, nên không có cách nào biết chắc.

Bất chấp những điều không chắc này, các quan chức tình báo ý thức được rằng đây có thể là cơ hội tốt nhất họ từng có để tiếp cận bin Laden. Họ quyết định không chia sẻ thông tin với bất kỳ ai, ngay cả với những đồng minh chống khủng bố tin cậy như Anh, Canada và Australia.

Đến giữa tháng 2, giới chức Mỹ hoàn toàn tin rằng “mục tiêu giá trị cao” đang lẩn trốn trong ngôi nhà. Tổng thống Barack Obama muốn hành động.

“Họ rất tự tin và sự tự tin đó ngày một lớn mạnh. “Lần này khác. Những gì chúng tôi thấy trong ngôi nhà này khác hẳn với những gì chúng tôi đã thấy trước đó”, John Brennan, cố vấn chống khủng bố cấp cao của Tổng thống Obama cho biết hôm qua. “Tôi tin rằng chúng tôi có cơ sở để hành động”.

Song họ có rất ít lựa chọn. Ngôi nhà nằm trong khu dân cư ở một nước có chủ quyền. Nếu Obama ra lệnh không kích và bin Laden không có ở đó, vụ việc sẽ gây ra rắc rối lớn về ngoại giao. Thậm chí nếu Obama có đúng, san phẳng ngôi nhà cũng không có nghĩa là bin Laden đã bị tiêu diệt.

Cuối cùng Obama đã cho phép 2 chục thành viên của lực lượng tinh nhuệ SEAL Team Six thuộc Hải quân Mỹ thực hiện một cuộc đột kích với sự chính xác tuyệt đối.

Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden cùng Bộ trưởng Quốc phòng Gates, Ngoại trưởng Clinton theo dõi vụ đột kích của SEAL từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng
Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Biden cùng Bộ trưởng Quốc phòng Gates, Ngoại trưởng Clinton theo dõi vụ đột kích của SEAL từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng.

Cuộc đột nhập trước bình minh

Trước bình minh ngày thứ hai, hai chiếc trực thăng đã rời Jalalabad ở miền đông Afghanistan. Hai chiếc trực thăng này đã tiến vào không phận Pakistan, sử dụng công nghệ tinh vi để thoát khỏi hệ thống radar của nước này, một quan chức Mỹ tiết lộ.

Về mặt chính thức, đây là sứ mệnh tiêu diệt hoặc bắt giữ, do Mỹ không định giết những người không có vũ khí và có ý định đầu hàng. Nhưng họ cũng hiểu rõ ngay từ ban đầu rằng những người đang ở sau các bức tường kia không hề có ý định đầu hàng, hai quan chức Mỹ cho hay.

Hai chiếc trực thăng sau đó đã đáp thấp xuống khu nhà, thả các thành viên SEAL vào bên trong các bức tường. Không có tiếng súng nào được bắn ra. Nhưng ngay sau khi nhóm chạm đất, một chiếc trực thăng đã bị đâm nghiêng xuống đất mà cho đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa biết lý do. Một thành viên của SEAL bị thương, nhưng sứ mệnh vẫn tiếp tục.

Với CIA và Nhà Trắng theo dõi trực tiếp tình huống, qua vệ tinh hoặc qua camera gắn trên người các thành viên SEAL, nhóm đặc nhiệm xông vào ngôi nhà.

Theo các quan chức Mỹ, nhờ hệ thống theo dõi vệ tinh tinh vi, lực lượng Mỹ biết gia đình bin Laden chắc chắn sống ở tầng 2 và 3 của một trong những ngôi nhà trong khuôn viên họ đột nhập. SEAL đảm bảo bao vây toàn bộ khuôn viên trước, sau đó mới tiến đến phòng bin Laden đang ẩn. Theo Brennan, khi giao tranh, bin Laden đã dùng một phụ nữ làm lá chắn.

Các thành viên SEAL đã tiêu diệt bin Laden bằng một viên đạn trúng đầu.

Xác của tên trùm khủng bố nhanh chóng được nhận dạng, song Mỹ cũng tiến hành xét nghiệm DNA, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho hay. Những phân tích về hình ảnh, cùng xác nhận của một phụ nữ được cho là vợ bin Laden, và những đặc điểm thi thể “khớp” khác như chiều cao cũng đều khẳng định xác chết là của bin Laden.

Cũng theo giới chức Mỹ, nhóm đặc nhiệm đã lục soát khuôn viên, mang đi các tài liệu, ổ cứng và DVD, có thể cung cấp những thông tin tình báo giá trị về al-Qaeda.

Toàn bộ cuộc đột kích kéo dài chỉ khoảng 40 phút.

Xác của bin Laden được đưa tới tàu chiến USS Carl Vinson ở biển Bắc Ả rập, một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ. Tại đây, giới chức Mỹ thực hiện nghi thức chôn truyền thống của đạo hồi. Xác của bin Laden được tắm và đặt trong một tấm vải trắng. Sau đó, hắn được đặt trong một chiếc túi và được vứt xuống biển vào 2h sáng ngày thứ hai.

Theo Phan Anh
Dân Trí

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG