Đúng mực chính trị và đúng mực thú chơi

Đúng mực chính trị và đúng mực thú chơi
TP - Vừa qua, Thủ tướng Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn tạp chí OutdoorLife của Mỹ. Nội dung trả lời thẳng thắn đến mức tạp chí này đã bỏ nhiều đoạn khi đăng.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin:

Đúng mực chính trị và đúng mực thú chơi

Có được toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn, báo Thiếu niên Nga đăng toàn văn lên phiên bản điện tử của mình và bình luận rằng tạp chí Mỹ đã lược bỏ những đoạn hay nhất.

Khi dịch đăng lại, Tiền Phong cũng buộc phải lược bỏ một số đoạn (đơn giản là vì bài phỏng vấn quá dài) nhưng giữ lại tất cả những đoạn theo quan điểm chúng tôi là thẳng thắn và hay nhất.

Khuynh hướng lối sống tích cực là một trong những khía cạnh của sự nổi tiếng của ngài ở Nga và Mỹ. Xin ngài hãy kể sở thích nghỉ ngơi tích cực giữa thiên nhiên của ngài đã khởi đầu như thế nào và nó có gì thay đổi từ đó đến nay?

Tôi biết rằng ở Mỹ, tôi có nhiều người cùng sở thích nghỉ ngơi tích cực giữa thiên nhiên, nhưng tôi dám hy vọng rằng đó không phải là điều duy nhất thu hút sự chú ý của họ. Đối với tôi điều quan trọng là người ta nhìn nhận thế nào về công việc của tôi, đường lối chính trị mà nước Nga đang theo đuổi trên trường quốc tế gần gũi với họ và được thấu hiểu thế nào.

OutdoorLife là tạp chí Mỹ hàng đầu về chủ đề thiên nhiên, nghỉ ngơi tích cực và du ngoạn, ra 10 kỳ một năm với số lượng 850.000 bản/kỳ và có phiên bản điện tử.

Tạp chí dành nhiều chú ý cho vấn đề bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, do một phần khá lớn nội dung dành cho chủ đề săn bắn nên thỉnh thoảng OutdoorLife bị các tổ chức bảo vệ thiên nhiên, chống săn bắn thú hoang phê phán

Về câu hỏi của ông thì sở thích các dạng nghỉ ngơi tích cực của tôi, giống ở nhiều người, bắt đầu từ thời niên thiếu, và trước hết từ sách vở, tôi luôn thích thú khi được đọc Jack London, Jules Verne, Ernest Hemingway.

Nhân vật của họ là những con người dũng cảm, mưu trí, trải qua nhiều phiêu lưu thú vị - đã góp phần hình thành tính cách của tôi, thái độ của tôi đối với sự nghỉ ngơi tích cực.

Ngoài ra, ở Nga cũng như Mỹ từ lâu đã rất phổ biến những trại nghỉ hè thanh niên, nơi các bạn trẻ không thể đứng ngoài những hoạt động cộng đồng rất phong phú, các môn thể thao, các trò chơi, các cuộc thi giữa không khí trong lành.

Và nếu ở giai đoạn đầu đời, ta có được một người hướng dẫn tốt, thì thói quen sử dụng thời gian một cách tỉ mỉ, có ích sẽ còn lại với ta trong suốt cả cuộc đời.

Trong chuyện này thì tôi gặp may. Tôi đã có một tuổi thơ thú vị gắn kết chặt với thể thao và những thầy cô tốt. Chính vì thế mà thái độ của tôi đối với việc nghỉ ngơi tích cực không thay đổi. Có thể là nó càng ngày càng trở nên sâu sắc, có ý thức hơn thôi. Tôi ngày càng đánh giá cao những thứ mà thể thao, thói quen có một lối sống lành mạnh và cơ hội ở giữa không khí trong lành mang lại.

Tôi nói thêm là sở thích các cuộc phiêu lưu, du ngoạn và nghỉ ngơi tích cực của tôi cách đây không lâu có thêm một hướng mới. Năm 2009, tổ chức xã hội lâu đời nhất của đất nước chúng tôi là Hội Địa lý Nga đã đề nghị tôi trở thành người đứng đầu Hội đồng Bảo trợ của nó. Và đương nhiên là tôi nhận lời. (...)

Tôi tôn thờ sứ mạng của Hội: “Khích lệ con người đến với tình yêu Tổ quốc”. Trong câu này hàm chứa cố gắng mở ra cho xã hội Nga, cho cả thế giới thấy vẻ đẹp, sự đa dạng, độc đáo của nước Nga, giới thiệu hình ảnh chân thật của nó.

Tôi nghĩ rằng người Mỹ đã mệt mỏi với hoàn cảnh cứ luôn phải tuân thủ các nguyên tắc đúng mực chính trị và đó là một trong những nguyên nhân khiến ngài nổi tiếng đối với những người Mỹ coi trọng lối sống tích cực. Ví dụ, thật khó hình dung cảnh các tổng thống Mỹ xuất hiện trên các bức ảnh báo chí với súng săn trong tay hay để nửa mình trần tay cầm con cá vừa câu được, bởi điều đó có thể làm tổn thương cảm xúc người dân. Ngài có cho là người Nga đánh mất những định kiến như vậy và ham thích săn bắn, câu cá hơn hay chỉ đơn giản là người Mỹ trở nên quá mẫn cảm?

Đây là câu hỏi giống như đặt cho một nhà phân tích tâm lý chuyên nghiệp. Tôi không sẵn sàng đánh giá những chuyển biến sự mẫn cảm của người Mỹ và không cho rằng chuyện gắn cho các đại diện dân tộc này hay dân tộc khác phẩm chất này hay phẩm chất nọ là việc làm đúng.

Tất nhiên, lãnh thổ mà con người sống trên đó, các điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa để lại dấu ấn trong sự hình thành nhân cách, nhưng không phải một lần tôi gặp những người Mỹ mà nếu họ không nói tiếng Anh thì có thể lầm đó là một người Nga.

Chúng ta nói chung gần nhau về trí tuệ và không phải là những kẻ chuộng mốt. Sự nổi tiếng của tôi, như ông nói, trong những người Mỹ coi trọng cách sống tích cực chỉ thêm khẳng định sự gần gũi của quan điểm và cảm nhận của chúng ta.

Ông nói rằng không thể hình dung tình huống mà các tổng thống Mỹ chụp ảnh với khẩu súng trong thời gian đi săn hoặc để nửa mình trần. Còn tôi thì có thể, bởi tôi nhớ rõ các bức ảnh chụp Tổng thống Theodore Roosevelt, trong đó hình ảnh ông được ghi lại không đơn giản là với cần câu hay súng săn mà là cả một con sư tử do ông ấy tự tay giết.

Và cả Tổng thống Obama, không phải xa xôi gì mà mới hè năm ngoái đây thôi, tắm ở vịnh Mexico dưới tầm ngắm của hàng chục ống kính tele, nói nhẹ nhàng là không phải ông ấy tắm mà “đeo cà vạt”. Các vị thấy trong đó dấu hiệu của sự không đúng mực chính trị? Tôi thì không và quốc tịch của tôi không dính dáng gì tới đây.

Đương nhiên, điều rất quan trọng, nhất là đối với một nguyên thủ, là hành xử sao cho cả lời nói lẫn hành động của mình không xúc phạm, không tổn thương tới tình cảm người dân. Thế nhưng, trong xã hội có quá nhiều thói quen, ý thích, những hình thức tự biểu hiện bản thân đa dạng, đôi khi loại trừ lẫn nhau, thành thử luôn luôn cân đối các hoạt động của mình với mọi thứ là không thể.

Không thể biến mọi thứ thành phi lý, nhưng cũng không thể cố làm đẹp trên cái nền đó, biểu lộ một cách vờ vịt khuynh hướng của cái gọi là “những nguyên tắc của phong thái đẹp”. Ở đây cần phải nêu bật và tuân thủ những vấn đề then chốt và nền tảng.

Tôi muốn nói về sự đúng mực chính trị nói chung, về sự khoan dung - những giá trị quan trọng nhất của văn minh hiện đại. Về những chủ đề không có mối quan hệ trực tiếp với săn bắn và câu cá, nhưng thuộc về nền tảng đạo đức và sự tồn tại của chúng ta.

Không phải một lần tôi lưu ý hiện tượng ở một số nước, trong đó có cả Mỹ, những người tự cho mình là người Thiên chúa giáo đã ngượng ngùng, không muốn hoặc sợ biểu lộ công khai sự sùng mộ những truyền thống và nghi lễ Thiên chúa. Trong khi đó, không có gì là đáng ngượng so với các khuynh hướng tôn giáo khác.

Tất nhiên, nếu thành tâm tôn trọng các khuynh hướng tôn giáo này và coi chúng ngang bằng về giá trị với đức tin của mình, hơn nữa về bản chất, trong nội dung của tất cả các tôn giáo có tầm thế giới đều hàm chứa những giá trị đạo đức giống nhau.

Cảm giác ưu thế ở đây không được phép, thậm chí có hại và tất cả chúng ta đều hiểu rõ điều đó. Sự tuân thủ không nhân nhượng các nguyên tắc của sự đúng mực chính trị trong các vấn đề tôn giáo tôi coi là một trong những vấn đề nền tảng nhất của hành vi con người.

Đi săn - thú vui của ông Putin
Đi săn - thú vui của ông Putin.

Trở lại với săn bắn và câu cá, tôi muốn nói rằng đó dẫu sao cũng là những thứ tự nhiên đối với con người, một phần không thể tách rời trong cuộc sống của tổ tiên chúng ta.

Ở nhiều nước, chẳng hạn ở Anh, cho đến ngày nay, săn bắn vẫn là một trong những truyền thống nổi bật của dân tộc. Câu chuyện khác ở đây, cũng như trong mọi chuyện liên quan đến thiên nhiên - con người cần cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt, phải hiểu rõ rằng hành động của mình có thể dẫn đến cái gì.

Tôi dứt khoát chống việc bắn giết thú vật hàng loạt, không kiểm soát cũng như câu cá thiếu suy nghĩ. Trong tất cả cần có mức độ. Trước đây, con người sắn bắn để sống, họ giết thú rừng với số lượng họ cần. Hôm nay, săn bắn và câu cá trở thành một dạng quà tặng của truyền thống, một thứ sở thích - điều chủ yếu là nguyên tắc “không gây hại”.

Trong diễn đàn quốc tế ở Saint Petersbourg về các vấn đề bảo vệ hổ trên trái đất, ngài đã cùng lãnh đạo các nước khác nêu sự bắt buộc đến năm 2020 phải tăng gấp đôi số lượng hổ và mở rộng khu vực sinh sống của chúng tại châu Á. Ngài có thấy trở ngại nào khó khắc phục trên con đường đạt được những mục tiêu đó?

Những trở ngại “khó khắc phục” là có. Chẳng hạn, ở các nước mà khu vực sinh trưởng của hổ bị thu hẹp do các hoạt động kinh tế. Có thể kìm hãm các hoạt động này nhưng ai sẽ đền bù cho các nước đó những mối lợi bị bỏ qua, những hệ lụy của việc chậm tăng trưởng kinh tế và hậu quả là chậm phát triển xã hội?

Không phải bao giờ cũng dễ lựa chọn điều gì là quan trọng hơn - sự phong lưu của con người hay sự bình ổn của thiên nhiên, và cái mà chúng ta đang nói ở đây là tìm kiếm sự cân bằng mong manh cho vấn đề đó. Và cả về trách nhiệm, mà không chỉ với đất nước của mình.

Hổ là một thí dụ tốt. Đối với chúng và cả đối với các loài thú hoang dã khác, không tồn tại biên giới quốc gia, và các con hổ Amur của chúng tôi di chuyển tự do trên lãnh thổ Trung Quốc, ghé thăm cả bán đảo Triều Tiên. Các vị cũng đồng ý, trong trường hợp như thế, biện pháp chỉ do một nước tiến hành sẽ không hiệu qủa.

Đó là lý do vì sao tôi coi “Thượng đỉnh về hổ” ở Saint Petersbourg và các văn kiện kết quả của nó là bước đột phá thực sự trong lĩnh vực bảo vệ thiên nhiên quốc tế. Lần đầu tiên, việc bảo vệ một loài riêng biệt được thảo luận ở quy mô và cấp cao như thế.

(...)

Còn nữa

Lê Xuân Sơn dịch

-------------------------------------------------------

(*) Jack London, Jules Verne, Ernest Hemingway - các nhà văn Mỹ và Pháp viết nhiều hoặc chuyên viết về các chuyến du ngoạn, phiêu lưu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG