Điểm danh tàu 'khủng' của Hải quân ASEAN

Khinh hạm Naresuan của Thái Lan
Khinh hạm Naresuan của Thái Lan
TP - Hoạt động quốc phòng của các nước ASEAN đều mang tính phòng vệ và gìn giữ hòa bình. Với triết lý ấy, lực lượng hải quân ASEAN đều được xây dựng dựa trên nguyên tắc mục tiêu chính là bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ.

> Nâng tầm ngoại giao trên biển
> Xem Hải quân Việt Nam thao diễn bắn tên lửa 

Khinh hạm Naresuan của Thái Lan
Khinh hạm Naresuan của Thái Lan.
 

Có lẽ vì vậy trong đội hình hạm đội hải quân các nước ASEAN không có các tuần dương hạm (trọng tải từ 10.000 tấn trở lên, có khả năng hoạt động ở các vùng biển xa trong nhiều ngày). Trang bị chính là các tàu khu trục (destroyer) loại nhỏ, khinh hạm tên lửa (frigate), tàu hộ tống cỡ nhỏ (corvette) hoặc các tàu tuần tra cao tốc (patrol ship).

Tàu ngầm mang tên lửa cũng là loại vừa và nhỏ, chạy bằng điện-diezel, không có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như Nga, Mỹ hay
Trung Quốc...

Hải quân Thái Lan cân nhắc mua tàu ngầm

Hải quân Hoàng gia Thái Lan, với 75.000 người. Trong phiên chế của hải quân Thái Lan có bộ phận không quân hải quân gồm 40 máy bay phản lực và 30 trực thăng. Hiện Thái Lan là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có hàng không mẫu hạm. Đó là tàu Chakri Naruebet, có khả năng mang được trực thăng và một số chiến đấu cơ phản lực cất cánh thẳng đứng (loại Harrier).

Đội tàu chủ lực của hải quân Hoàng gia Thái Lan, ngoài các khinh hạm lớp Knox, xuất xứ Mỹ (tàu Phutthayotfa Chulalok và Phutthaloetla Naphalai), gồm 6 tàu mua của Trung Quốc mà tiêu biểu là chiến hạm Naresuan (Trung Quốc gọi là lớp Type 25 T hay Giang Hồ)…

Hiện Thái Lan đang cân nhắc mua một số tàu ngầm điện-diezel của Đức hoặc Pháp. Trước đây nước này từng sử dụng một số tàu ngầm do Nhật sản xuất. Dù dư luận nước này cho rằng vùng biển Thái Lan nông, không phù hợp với việc vận hành tàu ngầm nhưng gần đây việc mua tàu ngầm đã được tiếp tục xem xét.

Tàu chiến Indonesia
Tàu chiến Indonesia.
 

Hải quân Indonesia: xương sống của quân lực quốc gia

Quân số của hải quân đất nước Vạn đảo là 74.000 người (số liệu năm 2008) với trên 130 tàu thuyền các loại trong đó có tàu ngầm tấn công. Là đất nước của hàng ngàn hòn đảo, Indonesia sớm chú trọng phát triển hải quân. Trong phiên chế hải quân Indonesia, đa số tàu chiến được mua từ Anh, Mỹ, Đức và Hà Lan. Gần đây, nước này đã tự đóng một số tàu hộ tống cỡ nhỏ và tàu tuần tra cao tốc.

Hải quân Indonesia, ngoài các thiết bị quân sự có nguồn gốc Tây Âu cũng đã mua sắm một số hệ thống phòng thủ tên lửa và xe lội nước của Nga. Indonesia đang vận hành hai tàu ngầm lớp Cakra (Đức), hoạt động từ năm 1981.

Nước này cũng có ý định mua hai tàu ngầm lớp Kilo của Nga nhưng đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể. Hiện nước này đang cân nhắc mua tàu ngầm Scorpene của Pháp, U-209 của Đức hoặc loại tương tự của Hàn Quốc.

Với nhiều radar bờ biển, Indonesia là quốc gia có hệ thống giám sát ven bờ lớn nhất thế giới với tầm hoạt động trên 2.400 km (khu vực Malacca và Sulawesi).

Tàu tuần tra lớp Hamilton của Philippines
Tàu tuần tra lớp Hamilton của Philippines.
 

Hải quân Philippines trên đường hiện đại hóa

Hải quân Philippines được cho là có trang bị tương đối mỏng, tuy nhiên, những sự kiện gần đây ở biển Đông đang tạo ra nhu cầu hiện đại hóa lực lượng hải quân, hiện có quân số khoảng 24.000 người. Trong những năm 1960, hải quân Philippines được coi là có trang bị hiện đại nhất Đông Nam Á, tuy nhiên đến nay, đa phần các tàu chiến của nước này đều đã lạc hậu.

Chiến hạm chủ lực của hải quân Philippines, Raja Humabon, một tàu khu trục loại nhỏ, được Mỹ sử dụng từ thế chiến 2, tuy đã nhiều lần được hiện đại hóa nhưng tỏ ra không đáp ứng được nhu cầu của việc tác chiến hiện đại. Chính vì vậy, chính phủ Philippines đã lên kế hoạch mua lại 8 tàu tuần tra bờ biển đã qua sử dụng lớp Hamilton của Mỹ.

Chiếc đầu tiên đã về Philippines ngày 13-5 vừa rồi và được đặt tên là BRP Gregorio del Pilar. Có tin nói Philippines sẽ bố trí hầu hết các tàu lớp Hamilton ở khu vực mà nước này gọi là biển Tây Philippines, nơi thường xuyên có các cuộc đụng độ với hải quân Trung Quốc. Các bản tin trong tháng 5 vừa qua nói rằng Philippines cũng đang cân nhắc mua tàu ngầm nhưng việc này khó có thể xảy ra trước năm 2020.

Tàu tàng hình lớp Formidable của Singapore
Tàu tàng hình lớp Formidable của Singapore.
 

Hải quân Singapore: nhỏ gọn nhưng hiện đại

Tuy là quốc gia có diện tích rất nhỏ nhưng trang bị của hải quân Singapore thuộc hàng hiện đại nhất khu vực. Hải đội của đảo quốc Sư tử gồm 6 tàu ngầm, 6 khinh hạm, 6 tàu hộ tống cùng nhiều loại tàu khác. Ngay từ năm 1997, Singapore đã mua 4 tàu ngầm lớp Challenger của Thụy Điển và tiếp tục mua từ nước này 2 tàu ngầm lớp Archer vào năm 2005.

Chiến hạm chủ lực của hải quân Singapore là tàu tên lửa tàng hình đa nhiệm lớp Formidable, là một biến thể của khinh hạm lớp La Fayette của Pháp. Hiện khinh hạm này được coi là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Tàu được trang bị trực thăng Sikorsky S-70B, 30 tên lửa đối không, tên lửa chống hạm và hệ thống phòng thủ tầm gần. Ngoài ra, hải quân Singapore còn sở hữu nhiều khinh hạm, tàu hộ tống, tàu tuần tiễu hiện đại khác.

Anh Minh
Theo globalsecurity.org, CBS News, inquirer.net, kockums.se, defencenews.com…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG