Nhật Bản muốn tham gia đàm phán COC về Biển Đông

Nhật Bản muốn tham gia đàm phán COC về Biển Đông
TP - Đó là ý kiến của học giả Tetsuo Kotani thuộc Viện nghiên cứu Okazaki (Nhật Bản) khi ông trao đổi với PV Tiền Phong ngày 22-9, nhân dịp sang Hà Nội dự hội thảo quốc tế Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới.

Ông Kotani cho rằng, trong thế kỷ 21, Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng, thu hút sự quan tâm của không chỉ các nước trong khu vực mà cả những nước ngoài khu vực. Hòa bình và ổn định ở Biển Đông tác động nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Mặc dù không phải là một bên tuyên bố chủ quyền nhưng Nhật Bản ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông và cho rằng mọi tranh chấp trên Biển Đông cần phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC).

Về đàm phán để đi đến sớm ký kết một bộ qui tắc ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (COC), học giả Kotani cho biết, Nhật Bản rất quan tâm tiến trình đàm phán này và Tokyo có thể hỗ trợ về mặt ngoại giao cho việc đàm phán. Ông Kotani nói rằng, nếu có thể, Nhật Bản muốn được tham gia đàm phán COC với các đối tác ASEAN và Trung Quốc.

Theo ông Kotani, về vấn đề Biển Đông, trong ASEAN có ba nhóm nước với những mức độ quan tâm khác nhau, gồm nhóm nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, trong đó tích cực nhất là Việt Nam và Philippines.

Nhóm thứ hai không tuyên bố chủ quyền nhưng có lập trường mạnh mẽ ủng hộ tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp đa phương trên cơ sở luật pháp quốc tế như Singapore, và nhóm thứ ba không có tuyên bố chủ quyền và cũng không có thái độ tích cực bằng các nước nói trên.

Học giả Kotani nói rằng, Nhật Bản rất muốn biết mức độ quyết tâm của Việt Nam và Philippines trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông đến mức nào trong điều kiện kinh tế hai nước này chưa phát triển, quân sự chưa mạnh để Tokyo yên tâm vạch các chính sách chiến lược hợp tác hoàn toàn với Việt Nam và Philippnes liên quan vấn đề Biển Đông.

Ông cho rằng, hải quân Việt Nam và Nhật Bản hoàn toàn có thể tổ chức tập trận ở tại các vùng biển của Nhật Bản, trao đổi nhiều chuyến tàu quân sự thăm lẫn nhau.

Về tàu sân bay của Trung Quốc, học giả Kotani cho biết, cách đây hai năm ông viết một bài báo có tựa đề Hãy để Trung Quốc phát triển tàu sân bay. Ông khuyên các nước ASEAN không nên lo sợ tàu sân bay của Trung Quốc vì tàu sân bay Varyag của họ hiện nay quá nhỏ cho các máy bay chiến đấu hiện đại.

Để phát triển một tàu sân bay, cần rất nhiều tiền, thời gian để đào tạo phi công, chế tạo hệ thống hỗ trợ máy bay cất cánh, xây dựng đội tàu hộ tống, hệ thống ra đa cảnh báo sớm Aegis. Tất cả những điều này Trung Quốc còn chưa mạnh. Bắc Kinh nói họ đã có ra đa cảnh báo sớm tương đương hệ thống Aegis của Mỹ, nhưng ông Kotani cho rằng độ tin cậy của thiết bị này không cao.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Defencetalk

Ông Kotani nói Trung Quốc chưa có hệ thống hiện đại phát hiện tàu ngầm đối phương. Nhật Bản phát hiện được tàu ngầm Trung Quốc, nhưng Trung Quốc chưa phát hiện được tàu ngầm Nhật Bản. Trong khi đó, tàu sân bay là mục tiêu rất dễ bị tấn công tiêu diệt nếu không có các hệ thống hỗ trợ nói trên.

Học giả Kotani cho biết, để đào tạo được 10.000 phi công cho tàu sân bay hiện nay, Mỹ phải mất hơn 50 năm. Huấn luyện phi công hạ cất cánh trên tàu sân bay là điều khó khăn và tốn thời gian nhất. Vậy nên, đến nay Trung Quốc mới có tàu sân bay đầu tiên nhỏ bé với công nghệ lạc hậu thì chưa có gì phải lo ngại, ông nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG