Ông Gadhafi đã bị chết như thế nào?

Phác họa toàn cảnh cuộc tiêu diệt ông Gadhafi
Phác họa toàn cảnh cuộc tiêu diệt ông Gadhafi
TP - Cái chết của đại tá Gadhafi diễn ra như thế nào, việc hành quyết ông này có thể không hợp pháp vẫn đang được điều tra. Trong khi người ta vẫn lưu giữ thi thể Gadhafi và tính đến chuyện hải táng.

> Ông Gaddafi bị bắt sống trước khi chết

Phác họa toàn cảnh cuộc tiêu diệt ông Gadhafi
Phác họa toàn cảnh cuộc tiêu diệt ông Gadhafi.

Dân chúng Libya ăn mừng sau khi ông Gadhafi bị lực lượng của Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) bắn chết. Các phương tiện thông tin tràn lan hình ảnh những phút cuối cùng của ông. Quân NTC phát hiện ông trong đường ngầm thoát nước và đưa ra ngoài.

Khẩu súng bằng vàng ông mang theo bị tước mất, sau đó ông bị bắn. Một đoạn video đưa lên mạng cho thấy giọng nói của người được xem là bắn chết ông Gadhafi nhắc lại nhiều lần “Haram Aleiko” (trong tiếng ẢRập có nghĩa cái chết này xứng đáng với tội lỗi mắc phải).

Ông Mahmoud Jibril, Thủ tướng của chính phủ lâm thời Libya, nói rằng, ông Gadhafi bị bắn vào đầu, còn sống cho đến khi được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng nhìn thấy thi thể của ông nói rằng, họ nhìn thấy nhiều vết đạn trên bụng ông.

Một đoạn video khác cho thấy hình ảnh đáng sợ: thi thể ông Gadhafi bị kéo lê trên phố. Cho đến nay, câu hỏi ai bắn hạ ông Gadhafi còn bỏ ngỏ. Theo kênh truyền hình Libya, tử thi sẽ được khám nghiệm kỹ.

Hôm qua, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Navi Pillay nói có thể phải điều tra đầy đủ về cái chết của Đại tá Gadhafi, vì có thể việc này là bất hợp pháp. Hai đoạn video quay bằng điện thoại di động tung lên mạng gây tò mò, một đoạn ghi hình ông lúc còn sống, run sợ và bị đám đông quân NTC vây quanh; đoạn còn lại cho thấy hình ảnh đáng sợ của ông sau khi bị bắn chết.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng, việc hành quyết ông Gadhafi có thể không hợp pháp. Vợ của ông Gadhafi thông qua truyền hình Syria đề nghị Liên Hợp Quốc điều tra cái chết của chồng.

Nhà chức trách Libya đang có kế hoạch bí mật chôn cất nhà lãnh đạo bị lật đổ Moammar Gadhafi. Tuy nhiên, lễ tang này có thể phải hoãn lại vài ngày (trước dự kiến hôm 21-10) như lời Bộ trưởng Dầu mỏ Ali Tarhouni kể với Reuters: “Cần phải cất giữ thi thể ông Gadhafi trong vài ngày”. Việc này mâu thuẫn với nghi thức đạo Hồi; đáng ra ông Gadhafi phải được chôn cất sớm nhất có thể, từ 24 đến 48 giờ sau khi chết. Thi thể ông đang được lưu giữ ở thị trấn Misrata.

Chính quyền Libya muốn bí mật chôn cất, nhưng chưa thể quyết định địa điểm: Misrata, Sirte hay ngoài sa mạc Libya. Hãng BBC đưa tin, có thể chính quyền Libya học theo Mỹ khi chôn cất Osama Bin Laden ở biển. Bởi họ lo sợ nếu công khai mai táng cho Đại tá Gadhafi, nơi đó dễ trở thành ngôi đền hoặc điểm tụ tập biểu tình của những người ủng hộ ông.

Người dân Libya ăn mừng sau cái chết của ông Gadhafi
Người dân Libya ăn mừng sau cái chết của ông Gadhafi.
 

Số phận người thân

Cái chết của ông Gadhafi kéo theo số phận không thể tươi sáng cho gia đình ông. Đại tá Gadhafi có 8 người con (trong đó có 1 con gái), trong đó có 2 người con nuôi 1 trai, 1 gái chết trong trận chiến năm 1986 ở thủ đô Tripoli.

Kênh truyền hình Syria Arrai hồi đầu tuần khẳng định cái chết của con trai út Khamis hồi tháng 8, khi mới 29 tuổi. Khamis cũng là một trong số con nổi tiếng của ông Gadhafi, do được đào tạo ở Nga và chỉ huy lữ đoàn 32 chuyên nghiệp và nòng cốt nhất của Đại tá Gadhafi.

Người con trai thứ 6 của ông Gadhafi, Seif al-Arab 30 tuổi, được cho là bị giết hồi tháng 4 tại Tripoli cùng với 3 người con, trong đó có em bé mới 4 tháng tuổi, trong trận không kích của NATO. Nhưng NATO chưa bao giờ lên tiếng đính chính hay thừa nhận thông tin này.

Còn người con trai thứ 2 của ông Gadhafi là Seif al-Islam ở khu lân cận thành phố Bani Walid. Thủ Libya Mahmoud Djibril khẳng định vụ tấn công đoàn xe trốn chạy của Al-Islam rời khỏi Sirte, hướng đến biên giới Niger. Tạm thời chưa có thông tin chính thức về sự sống chết của nhân vật này.

Theo thông tin từ NTC, Moutassim Gadhafi, con trai thứ 4 của ông Gadhafim, bị bắn chết, nhưng chưa chắc chắn. BBC dẫn nguồn tin nói rằng Moutassim chết ở thành phố Sirte. Moutassim từng là Cố vấn anh ninh quốc gia và định lật đổ ông Gadhafi năm 2007, sau đó lưu vong ở Ai Cập trong 2 năm.

May mắn nhất có lẽ là Mohamed Kadhafi, con trai cả của ông với người vợ đầu tiên. Mohamed đứng đầu tổ chức Libya về viễn thông, điều hành mạng lưới điện thoại, internet và thông tin vệ tinh, đồng thời điều hành Ủy ban quốc gia Olympic đặt tại Tripoli, sở hữu một đội bóng đá.

Sau khi bị bắt hồi tháng 8, Mohamed được thả và Algeria chấp nhận cho Mohamed tị nạn, cùng với vợ ông Gadhafi Safia, con gái Aicha và con trai thứ 5 Hannibal. Saadi Kadhafi đang ở Niger, tuy nhiên bị cấm di chuyển khỏi lãnh thổ. Aicha 35 tuổi là luật sư, từng làm đại sứ thiện chí cho một chương trình của Liên Hợp Quốc.

Libya tái sinh?

Người Mỹ đầu tiên bình luận về cái chết của ông Gadhafi là nghị sĩ John McCain: “Cái chết của Moammar Gadhafi đánh dấu giai đoạn cuối cùng của cuộc cách mạng Libya. Hiện nay, nhân dân Libya có thể tập trung mọi tài năng để củng cố tinh thần đoàn kết quốc gia, tái thiết đất nước và kinh tế, tiến hành chuyển tiếp sang nền dân chủ.

Nước Mỹ cùng với các đồng minh châu Âu và đối tác Ảrập ủng hộ hoàn toàn người dân Libya. Ít lâu sau đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đánh giá cái chết của ông Gadhafi chấm dứt thời kỳ dai dẳng và đau khổ với người Libya, đồng thời kêu gọi chính quyền nước này nhanh chóng tài thiết đất nước. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đồng quan điểm với Tổng thống Obama.

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev trong cuộc họp báo ít giờ sau khi chính quyền Libya tuyên bố bắn hạ ông Gadhafi: “Chúng tôi hi vọng tất cả thành viên của chính quyền hiện tại ở Libya, các đại biểu của các bộ tộc Libya đạt đến thỏa thuận cuối về hình thức quyền lực, và Libya sớm trở thành nhà nước hiện đại và dân chủ”. Thủ tướng Italia Silivio Berlusconi phát biểu: “Chiến tranh kết thúc rồi”.

Ông cũng cho rằng đó thực sự là chiến thắng quan trọng. Còn Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ: “Thật là ngày đáng nhớ với các nạn nhân của ông Gadhafi”. Ông tự hào về vai trò, đóng góp của nước Anh trong cuộc lật đổ chế độ ở Libya.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bình luận: “Cái chết của ông Moammar Gadhafi là bước quan trọng trong cuộc chiến của người dân Libya từ 8 tháng nay, để thoát khỏi chế độ độc tài và bạo lực thống trị đất nước này từ hơn 40 năm nay. Sự giải phóng Sirte đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình thiết lập một nước Libya dân chủ, do NTC lãnh đạo. Nước Pháp luôn sát cánh cùng NTC để ủng hộ tiến trình này. Một trang mới vừa mở ra với nhân dân Libya, đó là sự hòa giải trong đồng thuận và tự do”.

Về phía các tổ chức thế giới, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng kêu gọi NTC tiếp tục thực hiện vai trò với Libya, đưa đất nước này tới bình yên. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon nói: “Đây là thời điểm để người Libya đồng lòng, là thời kỳ phục hồi, tái thiết chứ không phải báo thù”.

Với đa số người Ảrập, cái chết của ông Gadhafi trở thành bài học cho nhiều nhà lãnh đạo chuyên chế khác. Nhưng họ cho rằng, những người đứng đầu chính quyền Libya hiện thời đáng lẽ nên đưa ông Gadhafi ra xét xử công khai, với những tội lỗi ông gây ra trong 42 năm cầm quyền.

Nội các Ai Cập họp bàn hôm qua, tìm cách giúp đỡ Libya xây dựng đất nước. Trong khi đó, NATO, các lực lượng liên quân đang nghĩ đến chấm dứt nhiệm vụ ở Libya sau nhiều tháng chiến sự.

Mỹ phải trả hơn 1 tỷ USD cho đầu ông Gadhafi

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, người dân nước này phải mất 1,1 tỷ USD mới có kết cục ông Gadhafi ra đi vĩnh viễn. Số tiền này là tiền thuế của dân, không tính chi phí của Bộ Ngoại giao, Cục Tình báo Trung ương, các cơ quan khác của Mỹ, NATO và những nước liên quan.

NATO không thống kê chi phí hoạt động của từng thành viên trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Libya, nhưng bản kê khai thông thường của NATO cho chiến dịch (bắt đầu vào tháng 3) là 7,4 triệu/tháng cho chiến tranh điện tử và 1,1 triệu USD/tháng cho tổng hành dinh và đội ngũ chỉ huy.

Trong tuần đầu chiến dịch, bom được thả từ máy bay tàng hình B-2 cất cánh từ bang Missouri (Mỹ) và xấp xỉ 200 quả tên lửa được phóng đi từ các tàu ngầm ở Địa Trung Hải. Sau đó, các thành viên NATO đảm trách chiến dịch, Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ: tiếp dầu trên không cho máy bay, gây nhiễu hệ thống điện tử, giám sát… “Không phải đưa một quân nhân Mỹ nào lên đất Libya, chúng ta đã đạt được mục tiêu và nhiệm vụ của NATO sẽ sớm kết thúc”, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói hôm 21-10.

Tính từ khi chiến dịch bắt đầu ngày 31-3 đến lúc tiêu diệt được ông Gadhafi, NATO tổ chức 7.725 đợt bay với 1.845 lần không kích, trong đó có 397 đợt thả bom và 145 đợt tấn công sử dụng máy bay không người lái Predator.

Mỹ ước tính, đến nay cuộc chiến ở Afghanistan tiêu tốn gần 500 tỷ USD, còn chi phí cho chiến tranh Iraq là 1.000 tỷ USD.

Thái An
Theo National Journal

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG