Bước tiến lớn để thành quốc gia độc lập

Sau khi được UNESCO kết nạp, Palestine sẽ nỗ lực sớm gia nhập 16 cơ quan khác của LHQ Ảnh: Novinite.com
Sau khi được UNESCO kết nạp, Palestine sẽ nỗ lực sớm gia nhập 16 cơ quan khác của LHQ Ảnh: Novinite.com
TP - UNESCO kết nạp Palestine hôm 31-10 làm thành viên đầy đủ của tổ chức này được coi là bước tiến lớn trong hàng loạt nỗ lực nhiều thập kỷ của người dân Palestine để thế giới công nhận là  quốc gia độc lập.
Sau khi được UNESCO kết nạp, Palestine sẽ nỗ lực sớm gia nhập 16 cơ quan khác của LHQ Ảnh: Novinite.com
Sau khi được UNESCO kết nạp, Palestine sẽ nỗ lực sớm gia nhập 16 cơ quan khác của LHQ Ảnh: Novinite.com.

Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) là cơ quan đầu tiên của Liên Hợp Quốc (LHQ) chào đón Palestine với tư cách thành viên đầy đủ kể từ khi Tổng thống Mahmoud Abbas nộp đơn lên Tổng Thư ký LHQ hôm 23-9 đề nghị công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của LHQ.

Việc kết nạp Palestine vào UNESCO phải thông qua một cuộc bỏ phiếu tại kỳ họp đại hội đồng của tổ chức này ở Pháp. Hội trường Đại hội đồng UNESCO bỗng vang dội tiếng vỗ tay chào mừng Palestine sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả nói trên.

Việc Palestine được kết nạp vào UNESCO có ý nghĩa chính trị rất lớn và mang tính biểu tượng về thắng lợi của người dân Palestine sau một loạt nỗ lực ngoại giao phức tạp của Palestine trong bối cảnh quan hệ lợi ích chằng chéo giữa các nước lớn.

Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riad Malki nói: “Thắng lợi của Palestine tại UNESCO là sự bắt đầu một con đường đầy khó khăn nhưng sẽ dẫn tới tự do cho đất nước và con người Palestine khỏi ách chiếm đóng... Palestine có quyền có mặt trên bản đồ thế giới với tư cách một nhà nước độc lập”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Israel cho rằng, cuộc bỏ phiếu ở UNESCO tạo ra nhiều chướng ngại vật không đáng có trên con đường nối lại đàm phán hòa bình. Israel coi kết quả bỏ phiếu là tấn thảm kịch và cho rằng quyết định kết nạp Palestine vào UNESCO làm phương hại mối quan hệ giữa tổ chức này với Mỹ - một đồng minh của Israel.

Mỗi năm, Mỹ góp vào ngân sách của UNESCO khoảng 70 triệu USD, tương đương 22% tổng ngân sách của tất cả thành viên đóng góp cho UNESCO. Phía Mỹ cho rằng, Washington có thể cắt phần đóng góp tài chính của Mỹ cho bất cứ tổ chức nào của LHQ nếu tổ chức đó kết nạp Palestine là thành viên đầy đủ.

Phản ứng về việc Palestine được kết nạp là thành viên đầy đủ của UNESCO, Nhà Trắng nói rằng, cuộc bỏ phiếu nói trên chưa chín muồi và không hỗ trợ gì cho hòa bình ở Trung Đông. Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice cho rằng, với việc bỏ phiếu này, UNESCO sẽ bị thiệt thòi. Bà đại sứ nói cuộc bỏ phiếu thông qua tư cách thành viên đầy đủ cho Palestine lần này không hỗ trợ gì cho các cuộc thương lượng trực tiếp mà trái lại đang phá hoại UNESCO một cách trầm trọng.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova, người trước đây đề nghị Mỹ đừng rút khoản đóng góp tài chính, nói với các đại biểu dự họp Đại hội đồng UNESCO rằng, việc cung cấp tài chính cho ngân sách của tổ chức có thể sẽ khó khăn. Bà bày tỏ tin tưởng rằng, tất cả thành viên của UNESCO có trách nhiệm đảm bảo cho tổ chức này không bị thiệt hại một cách vô lý. Bà Bokova nói UNESCO cần mỗi thành viên của tổ chức tham gia một cách đầy đủ trách nhiệm đó.

Kết quả bỏ phiếu chính thức công nhận Palestine là thành viên đầy đủ thứ 195 của UNESCO. Trong số 173 nước tham gia bỏ phiếu, có 107 phiếu ủng hộ Palestine, 14 phiếu chống, 52 phiếu trắng và 12 vắng mặt. Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan… bỏ phiếu chống. Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Pháp… bỏ phiếu ủng hộ. Anh, Ý… bỏ phiếu trắng.

Liên minh châu Âu bị chia rẽ sâu sắc trong cuộc bỏ phiếu này khi không đưa ra được một chính sách đối ngoại chung của liên minh. Lúc đầu, Pháp định bỏ phiếu chống nhưng phút cuối chuyển sang bỏ phiếu ủng hộ Palestine.

Đ.P
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG