“Công nghệ” tranh cử Tổng thống Mỹ: Chậm là...chết (kì 1)

Trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc bầu cử tổng thống luôn ẩn đầy yếu tố kịch tính
Trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc bầu cử tổng thống luôn ẩn đầy yếu tố kịch tính
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang nóng lên từng ngày với một số nhân vật đã bị "rụng" trên đường đua giành quyền đại diện phe Cộng hòa.

> Thống đốc bang Texas tranh cử tổng thống Mỹ

Trong bối cảnh đó, sẽ là không thừa khi nói qua về cơ chế tranh cử Tổng thống Mỹ cùng vài nét về lịch sử hệ thống chính trị nước Mỹ để có thể hiểu hơn tại sao lại có những chi tiết đáng kinh ngạc trong hậu trường tranh cử Tổng thống Mỹ (sẽ được thuật lần lượt dưới đây)…

Từ họp kín đến bầu cử sơ bộ

Trong “Electing The President” (NXB Twenty-First Century Books), tác giả Barbara Silberdick Feinberg cho biết, trong 12 năm đầu của Chính phủ Mỹ sống vào thời Hiến pháp đã thành lập, không ứng cử viên tổng thống nào được đề cử để đọ sức trong cuộc bầu cử.

Cá nhân từng bang – được chọn bởi dân chúng hoặc được chỉ định bởi các dân biểu bang – sẽ bầu tổng thống như Hiến pháp quy định. Những cá nhân này, gọi là đại cử tri, sẽ bỏ phiếu chọn người có khả năng nhất trong đất nước.

Bất cứ ai giành hơn 50% lá phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống và người đạt số phiếu thứ nhì trở thành phó tổng thống. Đó là cách mà George Washington và John Adams được bầu. Sự đề cử các ứng cử viên tổng thống chỉ hình thành khi các đảng chính trị lớn mạnh.

Thoạt đầu, các đảng chính trị được thành lập gồm các chính trị gia và họ khai sinh một phương pháp đề cử, thông qua tiến trình gọi là họp kín (caucus). Họp kín – bước thứ nhất trong quá trình chọn ứng cử viên đại diện đảng – là cuộc họp của các thành viên của cùng một đảng, nhằm thống nhất chọn ra người đại diện.

Phiên họp kín chính thức đầu tiên được tổ chức cách đây hơn 200 năm, vào tháng 2-1804, khi hơn 100 nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ tổ chức họp tại Washington DC. Họ chọn Thomas Jefferson làm ứng cử viên tổng thống và Thống đốc New York George Clinton làm ứng cử viên phó tổng thống.

Hệ thống họp kín từng bị đổ vỡ nhưng sau được phục hồi và hiện trở thành một trong những bước bắt buộc trong mùa bầu cử tổng thống.

Trong quá khứ, các chính trị gia chuyên nghiệp kiểm soát gần như hoàn toàn quá trình đề cử. Họ tổ chức các cuộc họp riêng và thống nhất chọn một ứng cử viên. Tiếp đó, họ hỗ trợ “gà nhà” bằng cách chỉ thị các đại biểu bang bầu người nhà mình.

Họ cũng thương nghị và mặc cả để các đại biểu bang khác ủng hộ sự chọn lựa của họ. Đó là cách mà Mark Hanna – thủ lĩnh chính trị bang Ohio – đã tổ chức Đại hội đảng Cộng hòa toàn quốc để đề cử William McKinley tranh cử tổng thống năm 1896 và 1900.

Vào những năm sau này, các ứng cử viên Dân chủ Woodrow Wilson và Franklin D. Roosevelt đều là sự chọn lựa thông qua các cuộc họp mặc cả giữa các đại biểu bang.

Cần nhấn mạnh rằng, các đại biểu bang có tầm quan trọng đặc biệt mà trước nay ít được nói đề cập đúng mức. Chính các đại biểu bang của đảng chứ không ai khác là những người đầu tiên dẫn ứng cử viên đến gần Nhà Trắng, bắt đầu từ những lá phiếu của họ ở các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang.

Nói cách khác, đại biểu bang của đảng là những người quyết định ứng cử viên nào hội đủ yếu tố để trở thành người cuối cùng và duy nhất đại diện đảng mình so tài với đại diện đảng đối phương. Florida thực hiện bầu cử sơ bộ năm 1901 và Wisconsin năm 1905. Đến trước năm 1924, bầu cử sơ bộ đã được tổ chức tại 17 bang.

Với cái chòi gỗ, William H. Harrison đã biến mình dưới mắt cử tri từ cậu ấm của một thống đốc sống trong nệm ấm gối êm thành một anh dân dã sống trong xó rừng
Với cái chòi gỗ, William H. Harrison đã biến mình dưới mắt cử tri từ cậu ấm của một thống đốc sống trong nệm ấm gối êm thành một anh dân dã sống trong xó rừng.

Sau Thế chiến thứ hai, bầu cử sơ bộ trở thành dấu chỉ quan trọng để đánh giá và định lượng khả năng tiến sâu vào vòng trong của ứng cử viên. Thất bại tại bầu cử sơ bộ có thể dẫn đến thất bại toàn cục. Tuy nhiên, chiến thắng tại các vòng bầu cử sơ bộ chưa chắc đem lại chiến thắng toàn cục.

Năm 1968, Thượng nghị sĩ Eugene J. McCarthy (bang Minnesota) và Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy (bang New York) đã thắng tại rất nhiều cuộc bầu cử sơ bộ nhưng cuối cùng vẫn không được chọn là ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ (thay vào đó là Phó tổng thống Hubert Humphrey, người không tham gia bất kỳ vòng bầu cử sơ bộ nào nhưng được hậu thuẫn từ nhiều thủ lĩnh đảng tại các bang trọng yếu).

Các vòng bầu cử sơ bộ được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 6 trong năm bầu cử. Cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên tại New Hampshire có tính quan trọng khá quyết định. Năm 1980, tất cả ứng cử viên Cộng hòa, trừ hai người, đã nhanh chóng từ bỏ tham vọng giành ghế tổng thống sau khi bại trận tại New Hampshire.

Năm 1984, 5 ứng cử viên Dân chủ cũng rút khỏi đường đua sau khi thất bại tại New Hampshire. Trong vòng bầu cử sơ bộ, tháng 3 được xem là chặng quan trọng thứ hai, bởi trong tháng này, chỉ trong một ngày thứ ba (năm nay là ngày 6-3), sẽ có hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức (do đó được gọi là Super Tuesday – ngày thứ ba tuyệt vời), tại các bang trọng điểm như Connecticut, Georgia, Maryland, Massachusetts, New York…

Tóm lại, trước khi trở thành ứng cử viên tổng thống chính thức đại diện cho đảng, các ứng cử viên trong nội bộ đảng phải vượt qua loạt cuộc bầu cử sơ bộ với chiến dịch vận động quy mô và tốn kém, lôi kéo bộ máy truyền thông vào cuộc.

Do vậy, điều tối quan trọng đầu tiên là ứng cử viên phải quyên được thật nhiều tiền để thực hiện chiến dịch vận động ủng hộ sự hậu thuẫn từ đại biểu đảng mình ở các bang.

Nhất cử nhất động của ứng cử viên trong giai đoạn này đều được quan sát, bình luận và giai đoạn này cũng là thời điểm thích hợp để tấn công đối phương. Bắn chậm thì chết – phương châm nền tảng của nền văn hóa cao bồi – đã phần nào thể hiện trong sân khấu chính trường Mỹ.

“Hiệu ứng đình đám”

Sinh hoạt chính trị tạo
Sinh hoạt chính trị tạo "hiệu ứng đình đám" đặc thù.
 

Sau khi lọt qua các vòng bầu cử sơ bộ, ứng cử viên sẽ tham gia Đại hội đảng toàn quốc, được tổ chức náo nhiệt và ồn ào nhất trong mùa bầu cử tổng thống – một “showbiz chính trị” có một không hai.

Băng rôn, cờ xí, biểu ngữ được giăng đầy đường phố và đặc biệt tại nơi tổ chức Đại hội đảng – phiên họp cuối cùng nhằm chọn ra người duy nhất trở thành ứng cử viên đọ sức trực tiếp với đảng đối phương.

Thoạt đầu, số đại biểu từng bang (của một đảng, được cử dự Đại hội) được căn cứ tùy thuộc vào dân số bang (bang đông dân được cử nhiều đại biểu hơn bang ít dân). Đầu thế kỷ XX, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ chỉ cử khoảng 1.000 đại biểu dự Đại hội đảng.

Bắt đầu từ năm 1916, Cộng hòa đưa ra điều luật cử đại biểu tham gia Đại hội đảng không bằng tỉ lệ dân số bang nữa mà bằng tỉ lệ phiếu bầu mà bang đó dành cho Cộng hòa trong các kỳ bầu cử trước. Năm 1944, Dân chủ ưu tiên cho các bang mà đảng mình được ủng hộ nhiều nhất trong kỳ bầu cử mùa trước.

Năm 1992 chẳng hạn, Dân chủ có 4.313 đại biểu bang và Cộng hòa có 2.206 đại biểu. Ứng cử viên chính thức đại diện đảng tranh cử tổng thống và phó tổng thống sẽ được công bố vào ngày thứ ba của kỳ Đại hội đảng.

Với Cộng hòa, ứng cử viên – đại diện được chọn từ đa số phiếu của các đại biểu (1/2 đại biểu và cộng thêm một lá phiếu trở lên). Với Dân chủ, trong nhiều năm, ứng cử viên – đại diện được chọn từ 2/3 lá phiếu đại biểu nhưng Dân chủ bỏ phương pháp này từ năm 1936 (do khó có thể đạt được tỉ lệ 2/3) và bắt đầu theo cách của Cộng hòa.

Lúc này mới chỉ kết thúc giai đoạn thứ nhất của chiến dịch tranh cử. Một cuộc chạy đua khác, quyết liệt và gay gắt bội lần, còn chờ phía trước.

Những gì kể ở trên là luật. Còn có những điều thuộc về luật bất thành văn, một thứ luật chơi trong hậu trường chính trị với những mánh khóe đặc thù.

Và luật chơi này không là sản phẩm hiện đại. Năm 1888, học giả và chính khách Scotland James Bryce viết (khi quan sát mùa bầu cử Tổng thống Mỹ): “Trong ba tháng, các buổi du thuyết – thường kèm với dàn kèn đồng, cờ xí, biểu ngữ, đám đông dự khán reo hò ầm ỹ – là thủ tục kéo dài cả ngày lẫn đêm từ góc này đến góc khác trên khắp nước Mỹ”.

Hoạt động chính trị kiểu như vậy – Bryce nhận xét – “sẽ làm hài lòng những người tham gia bằng cách khiến họ tin rằng chính họ đang tạo ảnh hưởng nhất định nào đó (đối với ghế tổng thống); nó gây ấn tượng cho người xem bằng cách cho thấy có những người (ứng cử viên) đang thật sự nhiệt tình và thành tâm vì đất nước; nó làm nảy sinh trí tưởng tượng cho những cư dân tỉnh lẻ khi họ đọc các diễn biến sôi động tại đô thị lớn.

“Công nghệ” tranh cử Tổng thống Mỹ: Chậm là...chết (kì 1) ảnh 3

Tóm lại, nó cố tình tạo ra ấn tượng đình đám, và một cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đúng hay sai, chủ yếu vẫn là vấn đề nghệ thuật tạo ra sự đình đám”. “Hiệu ứng đình đám” như miêu tả James Bryce ngày càng quen thuộc với đời sống chính trị Mỹ và càng bùng nổ vào thời mà phương tiện thông tin phát triển tột bậc. Kỹ thuật thông tin đã giúp rất nhiều cho kỹ thuật tiếp thị và dẫn đến sự hình thành ngành “kỹ nghệ tiếp thị tổng thống”, hoạt động rất chuyên nghiệp và “rất Mỹ”!

Theo Kathleen Hall Jamieson (Packaging The Presidency), cột mốc đánh dấu kỹ nghệ tiếp thị tổng thống một cách chuyên nghiệp ra đời vào năm 1840, trong mùa tranh cử giữa Tổng thống Martin Van Buren (người có công lớn trong việc thành lập đảng Dân chủ) và ứng cử viên William Henry Harrison.

Chiến dịch tranh cử 1840 của William H. Harrison đã viết nên trang đầu tiên của lịch sử quảng cáo chính trị, tạo ra sự chuyên nghiệp hóa cho kỹ thuật “làm nổi” bằng quảng cáo hình ảnh (image advertising) trong chính trường chứ không phải thương trường.

Trong trường hợp William H. Harrison, hình ảnh được nâng lên tầm biểu tượng là cái chòi gỗ. Bằng thủ thuật quảng cáo hình ảnh với cái chòi gỗ, William H. Harrison đã biến mình dưới mắt cử tri từ cậu ấm của một thống đốc sống trong nệm ấm gối êm thành một anh dân dã sống trong xó rừng.

Với cái chòi gỗ, William H. Harrison nhắm vào lá phiếu thành phần cử tri nghèo, sống khắp nước Mỹ trong những chòi gỗ dựng tạm.

Trong thực tế, William H. Harrison có khu bất động sản rộng 2.000 mẫu Anh và đúng là ông cũng có một cái chòi gỗ nhưng đó là chiếc chòi dựng riêng cho cô dâu mình, làm nhà nghỉ cho tuần trăng mật!

Hơn nữa, William H. Harrison không sinh trong chòi gỗ mà từ một biệt thự gạch hai tầng ở Berkeley trên bờ sông James thuộc bang Virginia và vào thời điểm tranh cử, ông còn sở hữu một biệt thự to ở Vincennes (Indiana).

Dù vậy, cái chòi gỗ vẫn xuất hiện khắp nước Mỹ, trên khăn tay, khăn tắm, cờ xí, băng rôn… và trong cả các ca khúc được soạn riêng cho mùa tranh cử (kỹ thuật vận động với quảng cáo hình ảnh và “nhạc bầu cử” sau thời William H. Harrison dần trở thành một trong những phần “trang điểm” quan trọng gần như không thể thiếu trong mùa tranh cử tổng thống – chẳng hạn Theodore Roosevelt với hình ảnh chú gấu bông).

Tác giả Kathleen Hall Jamieson cho rằng, di sản William H. Harrison (trở thành tổng thống Mỹ thứ 9 sau mùa tranh cử trên) không chỉ khai sinh kỹ thuật quảng cáo chính trị hoạt động chuyên nghiệp mà còn làm thay đổi vai trò của ứng cử viên (trong chiến dịch tranh cử cũng như hoạt động chính trị ngoài chiến dịch tranh cử).

Harrison tạo cảm giác rằng Nhà Trắng đang cần người tài, chứ không phải người có năng lực cần tìm kiếm chiếc ghế tổng thống.

(Xem tiếp kỳ sau)

Theo petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.