Gặp nạn vì chống rét

Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vì sưởi than tổ ong Ảnh: Phan Sáng
Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vì sưởi than tổ ong Ảnh: Phan Sáng
TP - Những ngày qua, nhiệt độ tại nhiều địa phương miền Bắc dưới 10oC. Bác sĩ cảnh báo, người dân cần đề phòng tai nạn xảy ra trong quá trình phòng chống rét.
Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vì sưởi than tổ ong Ảnh: Phan Sáng
Một bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An
vì sưởi than tổ ong. Ảnh: Phan Sáng.

Đề phòng tai nạn khi chống rét

TS Phạm Văn Gia, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia, cho biết, năm nay viện chưa tiếp nhận bệnh nhân nào bị bỏng do sưởi ấm bằng bếp lò, đun củi hay máy sưởi. Tuy nhiên, nếu giá rét tiếp tục kéo dài, nguy cơ gặp tai nạn khi phòng chống rét rất dễ xảy ra, đặc biệt đối với trẻ em, người già và bệnh nhân.

Theo TS Gia, việc chữa trị cho bệnh nhân bỏng là người già, trẻ em gặp nhiều khó khăn vì da mỏng nên khi bị bỏng thường rộng và sâu khiến khả năng hồi phục và tái tạo da rất kém. Bác sĩ khuyến cáo, đối với vết bỏng, cần rửa ngay bằng nước đun sôi để nguội, tuyệt đối không dùng nước đá, kem đánh răng hay các loại lá cây. Sau đó, lấy khăn sạch phủ lên vết bỏng và chuyển ngay bệnh nhân tới bệnh viện.

Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai năm nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc do sưởi ấm bằng bếp than. TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cảnh báo, khí CO và CO2 từ bếp than tổ ong xâm nhập vào cơ thể, gây ra tình trạng thiếu oxy, gây tổn thương vỏ não, dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Khi để bếp than các loại trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp, không có chỗ thông hơi, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Nguy hiểm hơn nếu bếp than tổ ong để ở chế độ ủ vì than cháy dần trong tình trạng thiếu khí sẽ sinh ra khí CO, có độc tính cao.

Trong hai loại khí trên, CO đặc biệt nguy hiểm vì nó không màu, không mùi, rất khó phát hiện. Tùy theo mức độ ngộ độc, nạn nhân có những triệu chứng như đau đầu, thở dốc, buồn nôn, chóng mặt, đau quặn bụng, tiêu chảy, cơ thể bị tê nhiều nơi, ngất…

Bệnh nặng dần

TS Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết, thông thường mỗi ngày Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 1.800 trẻ em đến khám và điều trị. Nhưng những ngày qua, thời tiết rét buốt, số lượng bệnh nhi đến khám mỗi ngày giảm còn 1.200-1.300. Thay vì trên 200 trẻ đến khám mỗi tối, những ngày qua chỉ có hơn 100 cháu đến khám.

Theo TS Dung, nguyên nhân chính là do người dân biết trước giá lạnh kéo dài nên phòng bị cho con cái chu đáo, thậm chí chỉ giữ trẻ trong nhà, không cho đi học hay chơi ngoài đường nên nguy cơ nhiễm lạnh giảm.

Mặc dù vậy, TS Dung tiên lượng, khi đợt rét này kết thúc, số lượng trẻ nhập viện sẽ gia tăng, do nhiều trẻ bị bệnh nhưng gia đình tự điều trị tại nhà. Việc người lớn tự điều trị có thể khiến bệnh tình của trẻ không đỡ, thậm chí nặng thêm. Nếu nhà cửa không kín, không khí lạnh dễ lọt vào khiến trẻ nhiễm lạnh dần dần, đặc biệt khi đêm về, nhiệt độ xuống quá thấp sẽ dẫn tới viêm đường hô hấp. Khi trẻ mới mắc bệnh, hầu như các gia đình không đưa con đi khám.

Trẻ nhiễm lạnh dần dần, bệnh nặng lên sau khoảng một tuần mới được đưa đi viện. Nhiều trẻ lúc đó đã bị biến chứng viêm phổi. Trẻ nhập viện chủ yếu bị viêm đường hô hấp như hen, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm xoang hoặc bệnh tiêu chảy do virus Rota.

Tại Bệnh viện Lão khoa Quốc gia (Hà Nội), bệnh nhân đến khám, cấp cứu trong những ngày này phần lớn có bệnh mãn tính, bệnh tiến triển hoặc phát triển cấp do thời tiết. Các bệnh người già mắc phổ biến nhất trong đợt này là đường hô hấp, viêm phổi, tăng huyết áp, đau cơ xương khớp, tai biến mạch máu não, tắc nghẽn mạch máu, trong đó 70% số ca nhập viện trong tình trạng viêm phổi cấp.

Th.s Nguyễn Trung Anh, Trưởng khoa Khám bệnh Viện Lão khoa Quốc gia, khuyến cáo, bệnh nhân cần thực hiện chế độ uống thuốc đều đặn và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe, người già phải luôn giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đồ ấm. Với những gia đình có điều kiện, có thể sử dụng thêm thiết bị sưởi hiện đại, hạn chế đi ra ngoài trời lạnh. Về dinh dưỡng, người cao tuổi cần ăn thức ăn giàu năng lượng, dễ tiêu hóa như xúp, cháo nóng, bột dinh dưỡng.

* Tại thành phố Lạng Sơn, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm hiện chật kín bệnh nhân, nhất là tại Khoa Nội và Khoa Hô hấp. Hàng chục người bị cảm lạnh, trong đó có 2 hành khách đi ô tô vừa bước xuống đường thì bị ngất.

* Bác sĩ Nguyễn Thế Hùng (Bệnh viện Nhi Nghệ An) cho hay, hầu hết bệnh nhân nhập viện để được điều trị các bệnh liên quan đường hô hấp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.