Trẻ nhỏ cũng bị trào ngược dạ dày thực quản

Trẻ nhỏ cũng bị trào ngược dạ dày thực quản
Không ít bà mẹ, nhất là những người lần đầu nuôi con, đã bỏ qua hiện tượng nôn trớ của trẻ. Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời, nhưng đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Chỉ một số ít sẽ tiếp tục diễn tiến lâu hơn và xuất hiện các biến chứng nặng nề.

Trẻ nhỏ cũng bị trào ngược dạ dày thực quản

> Những sai lầm thường gặp khi dùng sữa

Không ít bà mẹ, nhất là những người lần đầu nuôi con, đã bỏ qua hiện tượng nôn trớ của trẻ. Có đến 2/3 trẻ nhỏ đã gặp phải tình trạng này trong những tháng đầu đời, nhưng đa số tự khỏi ở thời điểm 1 tuổi. Chỉ một số ít sẽ tiếp tục diễn tiến lâu hơn và xuất hiện các biến chứng nặng nề.

Chăm sóc bé như thế nào cho đúng cách để làm giảm triệu chứng trào ngược và nhất là làm sao phát hiện sớm những trường hợp có biến chứng để kịp thời xử trí là những điều các bậc phụ huynh nên biết.

 Nên cho bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải)
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại sao trẻ nhỏ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Bình thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản, qua tâm vị rồi vào dạ dày. Tại tâm vị có cơ vòng thực quản dưới tạo nên van một chiều có tác dụng ngăn dòng trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Ở trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp. Nếu tư thế trẻ bú không đúng sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với một ít sữa, qua tâm vị trào ngược lên thực quản và ra ngoài. Giữa dạ dày và ruột cũng có một van có chức năng giống như tâm vị, gọi là môn vị.

Trong khi cơ tâm vị ở trẻ rất yếu thì cơ môn vị lại rất phát triển, do đó, ở trẻ nhỏ, thức ăn rất dễ ứ đọng lâu trong dạ dày nên càng tạo điều kiện thuận lợi để xuất hiện trào ngược dạ dày thực quản. Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng là ở trẻ sơ sinh, dạ dày nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù nên trẻ rất dễ bị trào ngược. Ngoài ra, nếu trong quá trình bú, trẻ có nuốt hơi và sau đó được đặt nằm ngang (đầu bằng) hoặc nghiêng bên phải, trẻ cũng dễ bị trớ sữa.

Nhận biết trào ngược sinh lý và bệnh lý

Nếu hiện tượng này xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, sau ăn và không gây ra triệu chứng gì thì được gọi là trào ngược sinh lý. Còn trào ngược bệnh lý có tần suất xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây ra triệu chứng lâm sàng với nhiều mức độ khác nhau.

Nếu bé dưới 6 tháng tuổi, một ngày bị trớ sữa vài lần nhưng chơi đùa, lên cân tốt, bú đều đặn, không bị khò khè tái đi tái lại… thì nhiều khả năng chỉ là trào ngược sinh lý, sẽ thoái lui dần theo thời gian. Nếu trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi hoặc trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng là trào ngược bệnh lý. Khi đó cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị, bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ để lại nhiều biến chứng. Đầu tiên là tình trạng viêm thực quản với các mức độ khác nhau, trong đó nặng nề nhất là barret thực quản có thể dẫn đến ung thư. Cơ quan bị ảnh hưởng hay gặp nữa là hệ hô hấp. Bé sẽ dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Có thể bé sẽ bị khàn tiếng hoặc hen suyễn liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, trẻ bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng, chậm lớn…

Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày - thực quản

Các bậc cha mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược sinh lý chỉ là nhất thời trong giai đoạn đầu đời của trẻ, sẽ tự khỏi. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé, đồng thời cũng làm cho cha mẹ yên lòng.

Đối với trẻ bú mẹ: Nên cho bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.

Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.

Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.

Không ép trẻ ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 giờ, tối đa là 4-5 giờ.

Dùng thuốc: Biện pháp này chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả. Việc sử dụng thuốc gì và dùng như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế.

ThS. Nguyễn Bạch Đằng
Theo Sức khỏe & đời sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG