Sương mù có độc không?

Sương mù có độc không?
Theo các chuyên gia, vào những ngày có sương mù để tránh hít phải các chất độc bay lơ lửng trong không khí, người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm.

Sương mù có độc không?

Theo các chuyên gia, vào những ngày có sương mù để tránh hít phải các chất độc bay lơ lửng trong không khí, người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm.

Nếu phải ra đường thì tốt nhất là nên đeo khẩu trang để tránh bụi, khói, các chất độc có trong không khí.

Sương mù có độc không? ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet
 

Giảm tầm nhìn, ảnh hưởng tới hoạt động giao thông

Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ giải thích, không có gì bất thường khi vào các tháng 10, 11 và 12 lúc nửa đêm hoặc sáng sớm có sương mù xuất hiện. Ở nước ta phổ biến có 2 loại sương mù là sương mù bức xạ và sương mù bình lưu.

Sương mù bức xạ hình thành khi mặt đất lạnh đi do bức xạ vào ban đêm trời quang mây, lặng gió. Nó xuất hiện vào nửa đêm và rạng sáng, đây là sương mù nhẹ và thường không tồn tại được lâu khi mặt trời xuất hiện. Loại sương mù này thường có vào các tháng 10 - 12.

So với sương mù vào các tháng 10 - 12, sương mù bình lưu (là kiểu sương mù được hình thành khi không khí ẩm di chuyển ngang qua nơi có bề mặt lạnh) xảy ra vào các tháng 3 - 4 nguy hiểm hơn. Sương mù bình lưu xuất hiện khá đậm đặc và có khi xuất hiện cả ngày lẫn đêm.

Loại sương mù này làm giảm tầm nhìn ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thông. "Đôi khi các chuyến bay cũng buộc phải hủy chuyến vì sương mù quá nhiều. Tàu thuyền trên sông vào các ngày sương mù đậm đặc có thể va chạm với nhau do tầm nhìn bị hạn chế", ông Lê Thanh Hải phân tích.

Tránh ra đường vào lúc sáng sớm

Ông Lê Thanh Hải cho biết, bản chất của sương mù là không độc bởi sương mù chỉ là hiện tượng hơi nước trong khí quyển ngưng kết lại thành những hạt nước rất nhỏ lơ lửng trong không khí.

Sự nguy hiểm lớn nhất của sương mù là làm giảm tầm nhìn. Ngoài ra, đối với một số người bị bệnh về đường hô hấp cũng có thể bị ảnh hưởng nếu bị dính các "hạt nước nhỏ".

Bản thân sương mù không chứa các chất độc cũng là quan điểm của ông Bùi Hoài Thanh, trưởng phòng Quan trắc môi trường, Trung tâm Mạng lưới Khí tượng Thủy văn. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý là khi sương mù xuất hiện chúng có thể cản quá trình khuếch tán của các bụi, khói... có trong không khí, khiến các chất này bị "lưu giữ" lại ở tầng thấp lâu hơn.

Vì thế, cách tốt nhất vào những ngày có sương mù để tránh hít phải các chất độc bay lơ lửng trong không khí, người dân nên tránh ra đường vào lúc sáng sớm, thời điểm sương mù xuất hiện nhiều. Nếu phải ra đường thì tốt nhất là nên đeo khẩu trang để tránh bụi, khói, các chất độc có trong không khí nhưng không thoát được do bị sương mù cản lại.

Ngoài ra, nên mặc thêm quần áo ấm để tránh nhiễm lạnh khi bị các hạt nước bám vào đặc biệt là những người bị các bệnh về đường hô hấp. Nếu tiếp xúc với sương mù thì sau đó nên nhỏ mũi, mắt, súc miệng bằng nước muối nhạt.

Các chuyên gia cảnh báo, vào những ngày có sương mù, các phương tiện giao thông nhất là các phương tiện giao thông đường thủy cần phải giảm tốc độ do sương mù hạn chế tầm nhìn. Đối với việc đóng kín nhà cửa để hạn chế sương mù thì không quá cần thiết vì khi sương mù "xâm nhập" vào nhà sẽ bị các đồ dùng trong gia đình (quạt, điều hòa...) cản lại và đẩy ra.

Theo Thu Hà
Bee

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG