Cắt nhầm hai quả thận: Sai sót không thể chấp nhận

Nếu chẩn đoán kỹ việc mổ thận bằng phương pháp nội soi ít có sai sót. Ảnh: L.N
Nếu chẩn đoán kỹ việc mổ thận bằng phương pháp nội soi ít có sai sót. Ảnh: L.N
TP - Để lấp liếm cho việc mổ thận trái nhưng cắt luôn thận phải của bệnh nhân, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho rằng, do bệnh nhân mắc thận “móng ngựa” nên phải cắt bỏ. Sự thật có phải vậy không?

> Đình chỉ bác sỹ cắt 2 quả thận của người bệnh

Nếu chẩn đoán kỹ việc mổ thận bằng phương pháp nội soi ít có sai sót. Ảnh: L.N
Nếu chẩn đoán kỹ việc mổ thận bằng phương pháp nội soi ít có sai sót.
Ảnh: L.N.

Có vấn đề

Anh Nguyễn Thiện Trí, chồng bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, 37 tuổi ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết đầu tháng 12 phát hiện vợ bị đau thận nên đưa vào BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị. “Do thận ứ nước độ 3 nên bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu chỉ định phẫu thuật”- anh Trí cho biết.

Cuộc phẫu thuật diễn ra ngày 6-12 với chỉ định mổ nội soi do bác sĩ Trần Văn Nguyên- Trưởng khoa Ngoại thận niệu làm trưởng ê kíp. Tuy nhiên, trong lúc phẫu thuật, bệnh nhân chảy máu nhiều nên ê kíp mổ đã tiến hành mổ hở để cầm máu. Sau đó, không hiểu vì lý do gì, quả thận phải đang hoạt động bình thường lại bị cắt.

“Sau ca mổ bác sĩ cho biết thận của vợ tui có hai quả dính nhau nên cắt bỏ thận trái giữ lại thận phải” - anh Trí nói qua điện thoại.

Một ngày sau khi mổ xong, anh Trí vào phòng thăm vợ, phát hiện chị Tú bị phù mặt và đề nghị bệnh viện kiểm tra. Sự thật được phơi bày: Chị Tú đã bị cắt hai quả thận. “Khi tôi khiếu nại về việc này, bác sĩ Nguyên đã nhận một phần trách nhiệm, đồng thời cho biết do vợ tôi bị thận móng ngựa dính nhau nên phải cắt quả thận còn lại”- anh Trí cho biết.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tiền Phong, hiện cả hai quả thận của chị Tú không được bệnh viện giữ nên việc xác định đó có phải là thận “móng ngựa” hay không là rất khó. Bác sĩ B.M.T, một chuyên gia trong lĩnh vực ghép thận tại TPHCM, cho biết thận bị móng ngựa với những siêu âm hiện nay đều phát hiện được, do đó việc mổ nội soi dẫn đến chảy máu, sau đó mổ hở rồi mới phát hiện thận móng ngựa là không thể chấp nhận.

Oan cho thận “móng ngựa”

Phó GS-TS Phạm Văn Bùi- Tổng Thư ký Hội Thận - Niệu học TPHCM hiện là Phó GĐ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), người có hơn 20 năm nghiên cứu về thận niệu cho biết, đứng trên góc độ chuyên môn, một bác sĩ ngoại khoa trước khi mổ, việc chẩn đoán là cực kỳ quan trọng.

Đây là bài học vỡ lòng nhằm lường trước những tình huống tai biến để xử trí. PGS- TS Phạm Văn Bùi cho biết, trong những dị tật bẩm sinh của thận niệu có dị tật bẩm sinh thận dính. Loại này có 2 dạng: Thận móng ngựa và thận dính bẩm sinh vùng chậu. Tỉ lệ mắc thận dính bẩm sinh chiếm 1/1000 dân. Thận móng ngựa không phải hiếm gặp.

Nói về qui trình phẫu thuật khi gặp trường hợp được xác định là thận móng ngựa, PGS Phạm Văn Bùi cho biết: “Thận móng ngựa cấu tạo có 2 trái bình thường, dính nhau bởi một cái eo nối và bó mạch máu. Khi mổ nội soi, đường dao sẽ đi từ dưới bụng lên theo vị trí khi xác định thận trái sẽ nằm vị trí 4 giờ, thận phải nằm vị trí 8 giờ theo chiều kim đồng hồ.

Vậy khi tới búi mạch máu nối giữa 2 thận móng ngựa thì mũi dao cũng sẽ ngưng lại tối đa ở đây. Cùng lắm đi tiếp đụng thận trái chứ không thể lấn sang đụng thận phải mà cắt luôn. Còn nếu mổ hở sẽ thấy ngay rõ ràng cả 2 trái thận thì không lý gì bác sĩ lại cắt bỏ cả hai”.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, bác sĩ Trần Văn Nguyên được đào tạo chuyên ngành nội trú thận niệu tại Bình Dân và các thầy ở bệnh viện chuyên thận niệu nơi đây, cho rằng những trường hợp sai sót này là không chấp nhận được. Bởi thực tế khi siêu âm một bác sĩ, “tay ngang” cũng phát hiện bệnh nhân có thận dị tật bẩm sinh hay không.

Lỗi từ chẩn đoán

Sáng 15-12, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ họp Hội đồng khoa học có mời nhiều chuyên gia ở các bệnh viện khác tham dự để tìm biện pháp điều trị cho chị Hứa Cẩm Tú bị cắt 2 quả thận.

Các chuyên gia cho rằng, thận móng ngựa khi chụp CT scanner hay X-quang đều có thể phát hiện, nên kíp mổ đã không phát hiện được từ đầu là lỗi của khâu chẩn đoán hình ảnh.

Khi mổ, mới phát hiện thận móng ngựa (2 quả thận dính nhau) và chuyển từ mổ nội soi sang mổ hở là đúng, nhưng đã cắt 2 quả thận mà vẫn nghĩ cắt 1, lại giải thích không rõ ràng với thân nhân người bệnh là sai lầm tiếp theo.

Hướng điều trị cho bà Tú, theo lãnh đạo Bệnh viện, trước mắt chạy thận nhân tạo miễn phí, về lâu dài khi có điều kiện sẽ ghép thận. PGĐ Bệnh viện Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, ghép thận chỉ thực hiện khi có thận và bệnh viện sẽ lo chi phí.

Tuy nhiên, 2 quả thận bị cắt không còn giữ nên vẫn tồn tại nghi vấn, có thật bà Tú bị bệnh thận móng ngựa? Trưởng kíp mổ là bác sỹ Trần Văn Nguyên vẫn bị tạm đình chỉ phẫu thuật và chưa xem xét hình thức xử lý tiếp theo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.