Chủ động phòng chống cúm A/H5N1

Chủ động phòng chống cúm A/H5N1
TP - Bệnh cúm gia cầm do virus cúm A/H5N1 gây ra vừa quay trở lại khiến một người tử vong tại tỉnh Hậu Giang. Hiện là thời điểm thời tiết thuận lợi để virus này phát triển.

> Một người chết do nhiễm cúm A/H5N1

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo, cúm A/H5N1 là bệnh rất dễ lây lan thành dịch, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần có những giải pháp dự phòng tích cực.

Theo TS Nguyễn Trần Hiển, ca bệnh đầu tiên trong năm 2012 mắc virus H5N1 và tử vong ngay vẫn là chủng virus H5N1 của những năm trước với độc lực cao nhưng chưa có biến đổi mạnh hơn.

TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc trung gian qua thực phẩm chế biến từ gia cầm bị bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ gia cầm nhiễm bệnh...

Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38 độ C), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức. Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Theo TS Hiển, cách phòng tránh bệnh này hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh cá nhân, ăn uống bằng cách rửa tay bằng xà phòng, nước sạch trước khi ăn, trước khi chế biến và khi nấu ăn; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm, sau khi đi vệ sinh; che miệng bằng khăn giấy hoặc bằng tay khi ho, hắt hơi, sau đó rửa tay bằng xà phòng; đeo khẩu trang khi tiếp xúc gia cầm sống, khi giết mổ gia cầm;

Không sử dụng thịt, sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc chết; chỉ ăn thịt và sản phẩm từ gia cầm đã được kiểm dịch, có nguồn gốc tin cậy; dùng dao, thớt riêng khi thái thịt sống và thịt chín; không ăn thịt chưa chín, trứng sống, trứng lòng đào (nửa sống nửa chín), tiết canh; rửa vỏ trứng bằng nước sạch trước khi nấu và sau đó rửa tay bằng xà phòng.

TS Bình cho biết, nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là qua tiếp xúc, giết mổ gia cầm sống nhiễm bệnh. Vì vậy, khi chăn nuôi ở hộ gia đình, không nên nuôi gia cầm trong nhà; hạn chế số người trong gia đình tiếp xúc gia cầm; cách ly trẻ em, phụ nữ có thai và người ốm khỏi gia cầm; rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc gia cầm;

Khi làm việc ở nơi chăn nuôi gia cầm, quét dọn sân, vườn cần dùng khẩu trang; tiêu hủy chất thải gia cầm một cách an toàn, xa nơi chăn nuôi và sinh hoạt; đốt hoặc chôn chất thải gia cầm sâu dưới đất để gà, chó, mèo không bới lên được; nên có giày, dép riêng khi làm việc ở nơi chăn nuôi và rửa sạch giày, dép bằng nước, xà phòng hằng ngày; phát hiện sớm, thông báo cho cán bộ thú y khi thấy gia cầm ốm, chết.

Dịp Tết, mọi nhà đều giết mổ, chế biến gia cầm để cúng lễ và ăn hằng ngày. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo không nên giết mổ gia cầm tại nhà. Nếu phải giết mổ gia cầm tại nhà thì phải thực hiện các bước giết mổ gia cầm an toàn như: đeo khẩu trang che mũi và miệng; đeo găng tay; cẩn thận để tránh tiếp xúc tối đa với chất thải, lông, tiết, lòng; rửa tay bằng xà phòng thật kỹ sau khi giết mổ; cọ rửa sạch nơi giết mổ bằng nước xà phòng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.