Hoài nghi mới về nguyên nhân bệnh 'lạ'

Bệnh nhân mắc chứng bệnh “lạ” điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ
Bệnh nhân mắc chứng bệnh “lạ” điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ
TP - Nhiều hoài nghi mới được đưa ra như: gỗ, dioxin... để mổ xẻ bệnh “lạ” ở Quãng Ngãi. Hiện, tại Ba Tơ, 215 người mắc bệnh “lạ”, trong đó 22 người đã chết, số người mắc bệnh, tái phát ngày một tăng.

> Bệnh lạ ở Quảng Ngãi: vẫn bế tắc

Bệnh nhân mắc chứng bệnh “lạ” điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ
Bệnh nhân mắc chứng bệnh “lạ” điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ.

Hôm qua, tại TP Đà Nẵng, hội thảo chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân với người dân Ba Tơ - Quảng Ngãi (vẫn được gọi là bệnh “lạ”), do Bộ Y tế tổ chức. Đến nay, tại Ba Tơ đã có 215 người mắc bệnh “lạ”, trong đó 22 người đã chết, số người mắc bệnh, tái phát ngày một tăng.

Vượt tầm kiểm soát

Bà Đặng Thị Phượng, GĐ Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, chia sẻ: “Tình hình bệnh dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, vượt quá mức báo động khẩn cấp, quá tầm kiểm soát của Trung tâm, làm cho người dân vô cùng lo lắng”.

Tính đến ngày 5 - 6, tổng số ca mắc là 215, cụ thể tại xã Ba Điền (203 trường hợp), Ba Ngạc (8), Ba Xa (2), Ba Tô (1) và Ba Vinh (1). Trong đó có 44 ca tái phát.

Bà Phượng cũng cho biết, Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đang điều trị 22 ca. Làng Rêu (xã Ba Điền, Ba Tơ) là nơi chịu nhiều thảm kịch nhất từ bệnh “lạ”. Tại thôn hiện có 113 trường hợp mắc bệnh, nhiều gia đình có 2 người, thậm chí 6 - 8 người trong gia đình cùng mắc.

Triệu chứng căn bệnh cũng càng trở nên phức tạp, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tổn thương da dạng dày sừng bàn tay, bàn chân, biểu hiện hồng ban cánh bướm ở gò má, đau tức vùng thượng vị, toàn thân không sốt, người mệt mỏi, ăn uống kém. Về cận lâm sàng, bệnh nhân mắc bệnh biểu hiện men gan tăng cao và kéo dài, tổn thương nhu mô gan.

Đại diện Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác điều trị chăm sóc bệnh nhân lúc này là trình độ dân trí thấp, khó khăn về kinh tế, người bệnh chán nản, không an tâm, hợp tác điều trị.

Theo các nhà chuyên môn, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã xuất hiện ở một số tỉnh khác, với những biểu hiện tương tự. Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết tiếp nhận trường hợp 1 bệnh nhân hành nghề đánh vecni với những triệu chứng giống với bệnh nhân mắc bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi.

Nhận định ban đầu, tác nhân gây nên hội chứng này có liên quan tới gỗ. Một trường hợp khác là người dân tộc Kinh 56 tuổi (phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi là người dân tộc H're), sống tại TP Quảng Ngãi nhưng thường xuyên vào làng Rêu, nay có biểu hiện viêm da.

Anh nhờ thầy bốc thuốc “tiệp” màu đen nhưng thời gian sau bệnh tái phát và có những triệu chứng rất giống biểu hiện bệnh “lạ”.

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tỏ ra phân vân về việc lập hồ sơ bệnh án. Các bệnh nhân tử vong được đưa ra phân tích bệnh lý, tìm nguyên nhân. Song 22 người bệnh đã tử vong, mỗi người tử vong theo một kiểu.

Do vậy cần lập lại hệ thống bệnh án, hồi cứu mới có thể có cái nhìn toàn diện hơn. Theo ông Đặng Quốc Việt, GĐ Trung tâm truyền thông (Bộ Y tế), cần điều trị thăm dò, đưa một số bệnh nhân (không nặng lắm) ra BV Bạch Mai hoặc các bệnh viện tuyến trên để điều trị và theo dõi, tìm nguyên nhân bệnh.

Đề xuất này được Cục QLKCB duyệt trong thời gian sắp tới sẽ gửi một số bệnh nhân ra BV Bạch Mai và BV Da liễu Trung ương điều trị, đồng thời hỗ trợ chẩn đoán và hội chẩn bệnh.

Không loại trừ độc tố dioxin

Các chuyên gia phân tích những nhân tố, tác nhân mới gây nên hội chứng bệnh “lạ” Ảnh: H. Văn
Các chuyên gia phân tích những nhân tố, tác nhân mới gây nên hội chứng bệnh “lạ”.  Ảnh: H. Văn.
 

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế đã phân tích các trường hợp tử vong, đề cập những yếu tố liên quan như thức ăn, nước, môi trường sống, tập quán, phân chia theo giới, nhóm tuổi, trình độ học vấn…

Đặc biệt, chất độc dioxin được đưa ra như một tác nhân quan trọng. Ông Phạm Duệ, GĐ Trung tâm Chống độc Việt Nam, chia sẻ: Nguyên nhân ban đầu của hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân có thể là do nhiễm độc mãn tính, với hai hội chứng chính là dày sừng da chân, tay và tổn thương tế bào gan, cùng có một số biến chứng khác. Trong đó, suy tế bào gan là do có quá nhiều độc chất.

Ông Duệ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể loại trừ độc tố dioxin. Bởi chất độc này không chỉ có trong chất độc da cam mà còn có trong các hóa chất thuốc bảo vệ thực vật.

Do vậy, đề nghị cơ quan chức năng và ngành y tế huyện Ba Tơ cung cấp các mẫu thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp mà người dân sử dụng để nghiên cứu”.

Ông cũng đặt vấn đề: Tại sao có trường hợp tái phát, và sau khi khỏi bệnh trở về bệnh nhân tái phát bệnh có nguy cơ mắc nặng hơn, nguy hiểm hơn. Còn nhiều lúng túng trong phác đồ điều trị hiện tại của Bộ Y tế, không nên áp dụng quá cứng nhắc đối với tất cả bệnh nhân mắc hội chứng này mà cần điều trị phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, khẳng định: “Tốn kém bao nhiêu cũng phải điều trị. Đó là nguyên tắc trong kế hoạch điều trị bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân”.

Theo ông Nguyễn Xuân Mến, Phó GĐ Sở Y tế Quảng Ngãi: “Chúng tôi đã nghĩ đến phương án cấp nước sạch cho người dân, và sẵn sàng chịu kinh phí để di dời người dân ra khỏi vùng bệnh nếu được sự cho phép của Bộ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.