Thực phẩm chức năng: Bác sĩ e dè, dân tự xử

Thực phẩm chức năng: Bác sĩ e dè, dân tự xử
TP - Trong khi người dân rất cần sự tư vấn kỹ, cụ thể về thực phẩm chức năng (TPCN) của bác sĩ thì quy chế kê đơn thuốc không cho phép bác sỹ làm điều này vì TPCN không phải là thuốc. Người bệnh vẫn phải tự bơi giữa cả chục ngàn sản phẩm TPCN vàng thau lẫn lộn.

> Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng
> Cẩn trọng khi dùng vitamin

Dân tự "xử"

Bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao từ ba năm nay, bà Lê Thị H. (60 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) nghe quảng cáo nhiều loại TPCN có thể hỗ trợ điều trị bệnh nên mua năm loại về uống dần.

“Tôi đi khám, bác sĩ cho một toa thuốc dài dằng dặc. Uống nóng cả người, táo bón nữa. Nghe người ta nói uống TPCN sẽ bớt bệnh, lại khỏe người nên tôi mua về dùng”- bà H. nói.

Dược sĩ Lê Bích Phương, quản lý một hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM cho biết, không ít người bệnh đến mua thuốc và xin tư vấn sử dụng TPCN, vì họ muốn dùng mà không biết sử dụng ra sao.

“Chủ yếu họ coi quảng cáo, đọc tờ rơi hay lên mạng tìm hiểu rồi đi mua uống bậy bạ. Nhiều khi tiền mất, tật mang”- dược sĩ Phương nói.

Khảo sát của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, một nửa số người lớn ở TPHCM và Hà Nội dùng TPCN thiếu thông tin và hiểu biết về TPCN.

PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, TPCN bùng nổ do ý thức phòng bệnh của người dân tăng.

“Tôi có người hàng xóm hay qua hỏi TPCN, nhưng những thông tin mà bà ta biết khác với những thông tin mà tôi tìm hiểu. Người dân sử dụng TPCN qua bạn bè, bà con, người có bệnh tương tự, hàng xóm…, là chính, chứ làm gì có ai hướng dẫn cho”- ông Truyền dẫn giải.

Nổi cộm trong vấn đề bán và sử dụng TPCN là tình trạng kinh doanh đa cấp, lôi kéo nhiều người tham gia, tạo những kênh phân phối bát nháo, thậm chí lừa đảo.

Với hình thức kinh doanh đa cấp, các “đại lý” dụ dỗ tuyên truyền người khác bằng cách thổi phồng công hiệu sản phẩm trị cả ung thư, HIV, trong khi đó, có những sản phẩm chẳng khác gì…khoai, sắn.

Tình trạng quảng cáo tràn lan, thái quá về công dụng hoặc nhập nhèm giữa hỗ trợ với điều trị khiến người tiêu dùng nhầm lẫn.

Bác sĩ e dè

Nhiều ý kiến cho rằng, phần đông người tiêu dùng chưa nhận thức đúng công dụng và tầm quan trọng của TPCN, làm nảy sinh hai xu hướng tâm lý trái ngược nhau: ngại sử dụng hoặc sử dụng thiếu khoa học.

“Tôi vẫn thường gặp một số bệnh nhân hỏi có cần sử dụng thêm TPCN này nọ không, nhưng chẳng biết hướng dẫn thế nào. Kê vào toa thuốc thì Bộ Y tế cấm, viết ra một tờ giấy nháp riêng hay mặt sau toa thuốc cũng ngại, vì sợ sai quy chế. Nên bệnh nhân muốn dùng sao thì dùng”- BS Nguyễn Đại Biên - Trưởng Khoa khám, BV Nhân dân 115 nói.

Một bác sĩ khoa nam học cho biết, thỉnh thoảng một số bệnh nhân đến khám thắc mắc, thị trường có nhiều TPCN hỗ trợ sinh lý có dùng được không, nhờ bác sĩ kê toa giùm hoặc hướng dẫn, nhưng cũng chịu.

Ông Dương Huy Liệu - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam cho rằng: “Bộ Y tế nên sửa quy định kê toa. Thay vì cấm bác sĩ kê đơn TPCN thì cần có thông tư, chỉ thị hướng dẫn sử dụng trong hỗ trợ điều trị, dự phòng”.

Còn ông Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam góp ý: làm sao đảm bảo rằng người thầy thuốc muốn chỉ định cho người bệnh dùng TPCN thì trước hết phải có hiểu biết sản phẩm đó có những thành phần gì, tác dụng cụ thể.

Nói về vấn đề kê toa TPCN, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng, TPCN không phải là thuốc, trong khi Bộ Y tế ban hành quy chế kê đơn thuốc chứ không phải là TPCN nên cần phải lấy ý kiến thêm về vấn đề này.

Một chuyên gia về dược học cho rằng, việc kê toa cũng cần nhưng trước hết để bác sĩ kê đơn TPCN thì ít nhất bác sĩ cũng phải biết tác dụng, thành phần của TPCN ấy.

“Tốt nhất các TPCN đưa ra thị trường ngoài được kiểm soát chặt về nhãn, giá, thành phần thì các doanh nghiệp phải thử nghiệm lâm sàng TPCN ở các bệnh viện có uy tín. Nếu tốt, có khả năng hỗ trợ điều trị thì mới đưa vào kê đơn” - người này nói.

Trao đổi với Tiền Phong về mối lo ngại tình trạng “hãng dược cầm tay bác sĩ kê toa”, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng nếu kê toa, người thầy thuốc phải có trách nhiệm về đơn của mình và kêu gọi lương tâm, y đức của họ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG