Cúm gia cầm 'tấn công' dịp Tết

Cúm gia cầm 'tấn công' dịp Tết
TP - Tuần qua, Tây Ninh, vùng giáp ranh Campuchia, xuất hiện hai ổ dịch cúm gia cầm. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ dịch cúm lây lan trong dịp Tết rất lớn, khi việc tiêu thụ gia cầm không nguồn gốc vẫn tràn lan.

> Kiểm tra thông tin dịch gia cầm ở Hải Phòng, Khánh Hòa
> Nuôi lợn, gà trong thành phố bị phạt 2 triệu

Bùng phát

Ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên vào ngày 25-1 tại hộ chăn nuôi của ông Phạm Văn Rua, ở ấp Bàu Tép, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

Ông Nguyễn Xuân Bình - Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng VI, cho biết: “Ngay sau khi vụ việc được báo cáo, chúng tôi đã cử cán bộ xuống điều tra ổ dịch và tiến hành tiêu độc, khử trùng. Hiện ổ dịch đã được khống chế”.

Theo ghi nhận của Cơ quan Thú y Vùng VI, bắt đầu từ ngày 22-1 hơn 50 con gà trong tổng số hơn 1.000 con của ông Rua bỗng dưng có triệu chứng mào tím, phân lỏng màu xanh rồi sau đó chết.

3 ngày sau gần 800 con gà khác của hộ này cũng lần lượt lăn ra chết. Các mẫu bệnh phẩm này được Thú y tỉnh Tây Ninh gửi về Trung tâm Thú y Vùng VI để xét nghiệm, kết quả cho thấy dương tính với virus cúm gia cầm.

Trong khi ổ dịch ở huyện Bến Cầu vừa được khống chế thì hôm qua 1-2, ông Bình xác nhận vừa xuất hiện thêm một ổ dịch cúm gia cầm ở thị xã Tây Ninh.

Như vậy, chỉ trong vòng một tuần qua nơi đây đã xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm, trong khi vùng giáp ranh với tỉnh này là Campuchia đã có 4 người chết do dịch cúm này gây ra.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây lan, đặc biệt là các tỉnh vùng giáp ranh với Campuchia, cơ quan Thú y vùng VI đã có công văn gửi các tỉnh khu vực phía Nam yêu cầu khẩn trương phòng chống dịch cúm gia cầm.

“Tại các tỉnh giáp ranh với Campuchia như Bình Phước, Tây Ninh và Long An chúng tôi đã yêu cầu thú y các tỉnh này tăng cường kiểm tra, giám sát 24/24 giờ ở các cửa ngõ vào tỉnh. Đồng thời yêu cầu các tỉnh phải nhanh chóng tiêm phòng đàn gia cầm để phòng tránh lây lan”- ông Bình nói.

Theo ông Bình, xác định ban đầu có thể virus cúm đã lây từ chim trời, bởi theo ông Rua trước khi đàn gà mắc bệnh đã có hai con chim trời chết ở trước sân.

Hiện tại đàn gia cầm ở huyện Bến Cầu và thị xã Tây Ninh đã được tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại các tỉnh ở Campuchia sẽ “bán chạy” đàn gia cầm nên phải canh gác nghiêm ngặt.

Gia cầm lậu tràn lan

Những ngày giáp Tết, tình trạng gia cầm lậu lại ồ ạt xuống các tuyến đường ở TPHCM. Tại tuyến đường Phạm Hùng, quận 8 gà, vịt sống bày bán tràn hai bên đường, người bán người mua tấp nập.

Trên đường Lê Văn Lương, quận 7, gà vịt sống không chỉ bán tràn đường mà ở đây, nếu cần người mua có thể yêu cầu người bán làm gia cầm tại chỗ.

Khu vực tấp nập gia cầm không nguồn gốc, không kiểm dịch là khu vực chợ Cầu, quận 12, vùng giáp ranh với huyện Hóc Môn.

Theo Thú y TPHCM mặc dù tích cực ra quân kiểm tra, dẹp các điểm kinh doanh gia cầm lậu nhưng hiện TPHCM vẫn có 55 điểm chuyên buôn bán loại gia cầm này.

Khu vực hoạt động mạnh nhất là Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, quận 7… Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 1, các trạm kiểm dịch ở Thủ Đức, An Lạc, Hóc Môn và quận 12 đã phát hiện gần 100 vụ vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không nguồn gốc, không kiểm dịch, nhiều sản phẩm đã bốc mùi tuồn vào TP từ các tỉnh ở miền Tây và Đồng Nai, miền Trung.

Theo đại diện Chi cục Thú y TPHCM, tỉnh Tây Ninh đã xuất hiện 2 ổ dịch. Thời điểm này, lượng gia cầm tiêu thụ mạnh, đặc biệt các điểm kinh doanh gia cầm trái phép tấp nập hoạt động khiến nguy cơ dịch bệnh dễ lây lan vì vậy TPHCM không thể chủ quan.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng. Việc giết mổ gia cầm phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc an toàn như đeo khẩu trang, găng tay, cẩn thận để tránh tiếp xúc với chất thải, lông, máu và lòng của gia cầm.

Ngoài ra nên rửa tay trước, trong và sau khi chế biến thức ăn, rửa tay trước và sau khi ăn, rửa tay sau khi tiếp xúc với bất kỳ bộ phận nào của gia cầm, đồng thời đi khám kịp thời khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột trên 38 độ C, đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, khó thở, tím tái nhanh, mệt mỏi tiêu chảy...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG