Chuyển mùa, nhiều trẻ nhập viện

Chuyển mùa, nhiều trẻ nhập viện
TP - Thời tiết miền Bắc đang thay đổi thất thường, trời lúc nóng lúc lạnh, thêm khí nồm ẩm khiến lượng bệnh nhi sau tết tăng vọt. Phần lớn trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt nhiều trẻ bị viêm phổi.

> Bệnh viện quá tải vì TNGT tăng mạnh
> Mua bán bệnh án tâm thần: Chuyển công tác Trưởng khoa Khám bệnh

Cậu bé Nguyễn Văn Huy (15 tháng tuổi) ho từng cơn rũ rượi, hai mắt đỏ hoe vì khóc và mệt trong khi đợi tới lượt khám tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư).

Chị Mai, mẹ Huy cho biết thời tiết những ngày trong và sau tết nồm ẩm, ngày nóng, đêm lạnh khiến Huy bị ho rồi sốt cao liên tục, tiếng thở rít khi ngủ. Cho con đi phòng khám tư gần nhà nhưng uống thuốc không đỡ phải đưa bé vào viện. Chụp Xquang và khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán Huy bị viêm phổi nặng, phải nhập viện điều trị.

Những ngày vừa qua trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh khám cho hơn 1.000 bệnh nhi. Lượng bệnh nhân còn tiếp tục tăng cao hơn trong vài ngày tới khi thời tiết ở miền Bắc tiếp tục biến đổi thất thường do chuyển mùa.

Theo các bác sỹ nhi khoa, với thời tiết như hiện nay dịch bệnh như bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, ngoài da, viêm não… sẽ tăng cao và diễn biến phức tạp.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ngày tết vừa qua ngày nào khoa cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân, phần lớn dưới 2 tuổi bị mắc viêm phổi, viêm phế quản và hen.

Thời tiết chuyển mùa khiến trẻ nhỏ không kịp thích nghi. Thậm chí nhiều bố mẹ còn ủ con quá ấm trong những lớp áo, chăn bọc để đi chơi tết khiến trẻ nóng toát mồ hôi thấm ngược vào trong cơ thể gây viêm phổi. Không ít trẻ bị sốt cao gần 40 độ C, co giật nên gia đình phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện lúc nửa đêm.

Trong số này có không ít các cháu bé đã phải nằm viện nhiều lần từ khi mới lọt lòng mẹ.

Nhập viện trong tình trạng bị viêm phổi song sau một thời gian điều trị nhưng không khỏi, nhiều bệnh nhi lại phải chuyển xuống điều trị tại những khoa nặng hơn như khoa Hồi sức cấp cứu.

Điều đáng lo ngại là trong quá trình khám và điều trị từ thực tế, các bác sĩ nhận thấy rằng: rất nhiều trường hợp các cháu bé khi đến viện bệnh đã diễn biến nặng hoặc thậm chí là vừa mới mắc bệnh nhưng bệnh tiến triển rất nhanh. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều cháu bé vừa mới nhập viện đã phải thở oxy.

TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến rất nhanh nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm rất quan trọng.

Qua thăm khám, nhiều trẻ chỉ bị viêm phế quản nhưng do cha mẹ chủ quan không đưa đi khám, phát hiện điều trị muộn lên tiến triển thành viêm phổi, thậm chí bị viêm nhiễm nặng đường hô hấp, gây loét niêm mạc. Do đó khi trẻ có dấu hiệu bất thường như quấy khóc nhiều, bỏ ăn, nhịp thở nhanh, cần đưa đến viện khám sớm để được chẩn đoán, điều trị, tránh nguy cơ nhập viện khi bệnh quá nặng, phòng biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại Khoa D (Bệnh viện Saint Paul) xuất hiện tình trạng nằm ghép 2 hay 3 trẻ một giường bệnh, những giường điều trị theo chế độ tự nguyện cũng chật kín bệnh nhân. Bác sĩ điều trị tại khoa D cho biết đã lâu rồi mới thấy lượng bệnh nhi nhập viện điều trị đông vào dịp sau tết như năm nay. Phần lớn trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm phổi phải dùng kháng sinh ít nhất 5 ngày mới được ra viện nên tình trạng quá tải không thể tránh khỏi.

Đây là thời điểm ở miền Bắc bước vào mùa bệnh quai bị. Nhiều bệnh viện đã tiếp nhận rải rác bệnh nhi bị quai bị tới khám. Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, bệnh thường gặp ở trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Khi mắc bệnh, trẻ chỉ hơi sốt, sau đó sưng một bên mang tai, một hai hôm sau sưng cả hai bên. Thông thường trẻ có thể tự khỏi bệnh sau khoảng một tuần. Điều trị chủ yếu là tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG