Dịch cúm H7N9 lan rộng

Dịch cúm H7N9 lan rộng
TP - Cúm H7N9 đã lây từ miền đông ra miền bắc và miền trung của Trung Quốc, nâng tổng số người mắc lên 60 (tính đến tối qua), với 13 ca tử vong. Ngành y tế vẫn đang theo dõi chặt chẽ một trường hợp ở thành phố Thượng Hải để tìm hiểu xem virus có thể lây từ người sang người hay không.

* Chồng bị nghi nhiễm từ vợ

> Lập đội đặc nhiệm chống cúm A/H7N9
> Việt Nam đối mặt dịch cúm gia cầm kép

Ngày 13/4, các nhân viên bảo vệ dọn sạch quầy hàng gia cầm của bố mẹ bệnh nhi 7 tuổi nhiễm H7N9. Quầy hàng ở bên ngoài gia đình họ ở làng Gucheng, huyện Shunyia, ngoại thành Bắc Kinh. Ảnh: AP
Ngày 13/4, các nhân viên bảo vệ dọn sạch quầy hàng gia cầm của bố mẹ bệnh nhi 7 tuổi nhiễm H7N9. Quầy hàng ở bên ngoài gia đình họ ở làng Gucheng, huyện Shunyia, ngoại thành Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Ngày 14/4, ngành y tế Trung Quốc khẳng định ba ca nhiễm mới và hai trường hợp tử vong do H7N9 ở Thượng Hải; bốn ca nhiễm mới ở tỉnh Chiết Giang; hai ở tỉnh Giang Tô; hai ở tỉnh Hà Nam. Trước đó một ngày, thủ đô Bắc Kinh khẳng định ca nhiễm đầu tiên ở địa phương phía bắc này.

Ở Thượng Hải, một nữ bệnh nhân 67 tuổi tử vong tối 13/4 và một nam bệnh nhân 77 tuổi qua đời sáng 14/4.

 Không có cách gì dự đoán cúm H7N9 sẽ lây lan thế nào, nhưng không có gì là ngạc nhiên nếu chúng ta có những ca mới ở những nơi khác nhau, như chúng ta đã thấy ở Bắc Kinh.

Ông Michael O’Leary - Trưởng đại diện WHO tại Trung Quốc

Hôm qua, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc xác nhận hai người đàn ông ở tỉnh Hà Nam nhiễm virus H7N9. Một người đàn ông 34 tuổi họ Ma, đầu bếp chính của một nhà hàng ở thành phố Kaifeng, khởi phát triệu chứng cúm từ hôm 6/4. Bệnh nhân này đang trong tình trạng nguy kịch.

Đồng hương của ông Ma, một nông dân 65 tuổi, người thường xuyên tiếp xúc gia cầm, hiện trong tình trạng ổn định, sau khi được điều trị tại bệnh viện. Tất cả 19 người tiếp xúc gần gũi với hai người đàn ông này chưa thấy xuất hiện triệu chứng cúm.

Ở thủ đô của Trung Quốc, một bé gái 7 tuổi nhiễm H7N9 đang được điều trị trong tình trạng ổn định; bố mẹ bệnh nhân làm nghề bán gia cầm sống và đang được cách ly, Sở Y tế Bắc Kinh thông báo.

“Chúng tôi đã cho cô bé uống thuốc Tamiflu trong vòng 15 giờ sau khi bệnh nhân có triệu chứng cúm. Chúng tôi còn dùng thêm thuốc cổ truyền của Trung Quốc”, người phát ngôn của Bệnh viện Ditan nói.

Các bác sĩ Bệnh viện Ditan đang điều trị bé gái 7 tuổi nhiễm H7N9 ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua
Các bác sĩ Bệnh viện Ditan đang điều trị bé gái 7 tuổi nhiễm H7N9 ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua.

Bố bệnh nhi nói rằng, ông mua gà từ một thương nhân ở Thiên Tân - thành phố miền bắc cách Bắc Kinh khoảng 120km, rồi bán ở ngoại ô thủ đô, chủ yếu cho người cùng làng.

Theo Sở Y tế Bắc Kinh, chính quyền thành phố đã xét nghiệm 95 mẫu máu của gia cầm nuôi trong làng nơi gia đình bệnh nhi sống, và hơn 5.600 mẫu lấy từ tất cả 16 quận-huyện của thủ đô, nhưng tất cả đều cho kết quả âm tính với virus H7N9.

Cơ quan chức năng đã khử trùng ngôi làng, giết toàn bộ 503 con gia cầm, nhốt tất cả 2.700 con chim bồ câu nuôi trong làng và đang đóng cửa các chợ gia cầm sống trong thành phố, cấm mua bán gia cầm chưa giết mổ. Bắc Kinh đang tích trữ dược phẩm dùng để điều trị bệnh nhân H7N9, đủ thuốc Tamiflu cho hai triệu người.

Cặp vợ chồng nhiễm H7N9

Ngoài ba trường hợp mắc mới ở Hà Nam và Bắc Kinh, cuối tuần qua, ngành y tế Trung Quốc khẳng định thêm một ca ở Thượng Hải, hai ca ở tỉnh Giang Tô và hai ca ở tỉnh Chiết Giang, đều ở miền đông nước này.

Ca mới ở Thượng Hải (nơi có 24 người mắc H7N9 với chín ca tử vong) là ông Gu 56 tuổi, chồng của một bệnh nhân H7N9 tử vong hôm 3/4 sau một tuần phát bệnh. Bệnh nhân Gu đang được điều trị và bốn người có tiếp xúc gần gũi với ông được theo dõi sát sao.

Nhiều người Trung Quốc lo ngại rằng, việc đóng cửa các chợ gia cầm sống ở Bắc Kinh sẽ gia tăng sức ép đối với ngành chăn nuôi vì vô số gà đang ở độ xuất chuồng, nhưng không có người mua. Trung Quốc là nhà sản xuất gà lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Thượng Hải có khoảng 600.000 con gà.

Ông Feng Zijian, một quan chức của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Trung Quốc, cho rằng, việc virus H7N9 lây lan từ miền đông ra miền bắc, miền trung có thể là do chim di cư và việc buôn bán gia cầm.

Ngày 14/4, trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Trung Quốc, ông Michael O’Leary, nói với báo giới rằng, các trường hợp nhiễm H7N9 không tập trung trong một khu vực nhỏ với cùng nguồn nhiễm, nên sẽ tiếp tục có ca mới.

Các quan chức y tế tin rằng, virus H7N9 (được phát hiện lần đầu ở người hồi tháng trước) đang lây lan qua con đường tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhiễm bệnh. Ông O’Leary cho rằng, “tin tốt” là vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus lây từ người sang người. Nguồn lây nhiễm vẫn đang được điều tra và nếu bệnh nhân được điều trị sớm thì kết quả có thể sẽ tốt, ông nói.

Nhiều chuyên gia đánh giá, về việc đối phó virus mới H7N9, Trung Quốc đã thông tin công khai, minh bạch, kịp thời hơn so với thời kỳ bùng phát dịch SARS thập kỷ trước. Hồi đó, các cấp chính quyền ở Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ về việc công bố thông tin chậm.

Bình Giang
Theo China Daily, Xinhua, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG