Các cuarơ Việt Nam có cơ hội nhận 1 triệu USD/năm?

Các cuarơ Việt Nam có cơ hội nhận 1 triệu USD/năm?
TP- Từng vang tiếng trong quá khứ, nhưng hiện nay xe đạp Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói quyết định trong khu vực Đông Nam Á và theo nhận định của các chuyên gia, xe đạp Việt Nam vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp.
Các cuarơ Việt Nam có cơ hội nhận 1 triệu USD/năm? ảnh 1
Các cuarơ Việt Nam

Xe đạp Việt Nam là môn thể thao có bề dày, sở hữu hệ thống thi đấu đa dạng và có tính xã hội hóa cao mà điển hình là giải Xe đạp tranh Cúp Truyền hình TPHCM đã bước sang lần thứ 20.

Gần đây là giải Cúp Truyền hình Bình Dương sau ba lần tổ chức thành công đã nâng giải lên một tầm cao mới khi mạnh dạn mở rộng phạm vi thi đấu từ 2 địa phương (Bình Dương - Bình Phước) qua khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với lộ trình gần 600km và có đến 21 đội đua đăng ký tham dự. Đó là chưa kể những giải ở Hà Nội những năm sau này và những giải truyền thống tại TPHCM khá lâu đời.

Tuy nhiên, suốt hơn hai thập niên qua, phong trào xe đạp có lúc thoái trào. Hầu hết các giải đều thiếu sự đột phá. Cúp Truyền hình TPHCM bắt đầu có sự thay đổi về điều lệ để nâng cao tính hấp dẫn, tuy nhiên, sự chuyển biến mới chỉ là hình thức. Muốn phát triển mạnh mẽ và được người dân quan tâm hơn nữa trong xu thế xã hội có quá nhiều mối quan tâm về công nghệ giải trí, xe đạp Việt Nam cần sớm chuyển biến lên nền chuyên nghiệp.

Cúp Truyền hình TPHCM lần thứ 20 vừa qua với 14 CLB trong và ngoài nước, nhưng thực chất chỉ có 4 - 5 CLB đủ sức cạnh tranh với nhau một cách sòng phẳng. Với các giải xe đạp thuộc khu vực Đông Nam Á, để trở thành một giải trong hệ thống của Liên đoàn Xe đạp thế giới (UCI) phải đảm bảo những tiêu chí cơ bản như: Lộ trình thi đấu không quá 9 chặng, đóng lệ phí 3.000 USD và phải do trọng tài UCI điều hành. Nếu Việt Nam làm được điều này thì mới mong có bước đột phá để phát triển chuyên nghiệp được.

Trong những ngày qua, giới mộ điệu môn xe đạp khá hồ hởi đón nhận thông tin các tay đua trong nước nhiều khả năng sẽ được “xuất xưởng” sang Nhật Bản thi đấu ở các giải chuyên nghiệp có tiếng, thậm chí là Tour de France danh tiếng nhất của làng xe đạp thế giới.

Động thái đầu tiên diễn ra vào sáng 4/5 khi đại diện của CLB xe đạp hàng đầu Nhật Bản Equipe Asada là Giám đốc điều hành Arika Asada và hai tuyển thủ xe đạp trẻ Lê Văn Duẩn (áo xanh Cúp TH 2008) và Mai Nguyễn Hưng (Trẻ xuất sắc Cúp TH 2006) đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi nhưng đôi bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào ngoài việc tìm hiểu lẫn nhau.

Đây là cuộc tiếp xúc nằm trong khuôn khổ tiền trạm cho dự án tập trung các tay đua trẻ châu Á  do Equipe Asada đề xướng. Tại Việt Nam, ngoài Lê Văn Duẩn và Mai Nguyễn Hưng, đại diện Equipe Asada cũng sẽ tìm hiểu Bùi Minh Thụy (Vĩnh Long), tay đua vừa đoạt giải tay đua trẻ xuất sắc của Cúp truyền hình 2008.

Ông Asada cho biết: “Qua sự giới thiệu của Liên đoàn xe đạp Việt Nam, cùng các tay đua Back Sung Park (Hàn Quốc, tham dự Cúp TH 2006), Prajak Mahawong (tay đua Thái Lan từng hạ Mai Công Hiếu ở nội dung cá nhân tính giờ tại SEA Games 24), chúng tôi tìm đến để liên hệ với ba tay đua Việt Nam. Mục tiêu của Equipe Asada trong tương lai là sẽ tạo ra một “CLB châu Á” tham dự Tour de France”.

Được biết, nếu lọt được vào “mắt xanh” của ban lãnh đạo CLB này qua kỳ “sát hạch” sau một tháng nữa và được thi đấu trong đội hình chính thức, ngoài các khoản ăn, nghỉ, tập luyện, các cua rơ Việt Nam sẽ được nhận số tiền khổng lồ” trung bình 1 triệu USD/năm. Bên cạnh đó còn được tham dự các giải đấu trong nước cho CLB của mình tại Việt Nam hoặc làm nhiệm vụ cho ĐTQG ở các kỳ tranh tài quốc tế.

Có mặt trong buổi gặp gỡ, tay đua đội trưởng kiêm huấn luyện viên Shichini Fukushima nhận xét: “Các tay đua Việt Nam mới đơn thuần chỉ có tố chất chứ họ hoàn toàn chưa có kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp. Nếu lọt vào khóa học này, tôi hy vọng sẽ trở thành đồng đội của các cuarơ Việt Nam trong tương lai”. Được biết, Shichini dù đã 37 tuổi nhưng anh vẫn là tay đua hàng đầu châu Á, đứng đầu các tay đua châu Á tại Tour de Langkawi 2008. Tour de Lankawi do Malaysia tổ chức nhưng các tay đua châu Á gần như không có cơ hội cạnh tranh với các cuarơ đẳng cấp đến tham dự từ khắp nơi trên thế giới.

Dù rất kỳ vọng có mặt trong đợt tuyển chọn, nhưng Lê Văn Duẩn và Mai Nguyễn Hưng vẫn rất khá e dè về khả năng trúng tuyển của mình. Dù có trúng tuyển hay không, việc lọt vào tầm ngắm của một CLB xe đạp hàng đầu châu Á đã là một vinh dự đối với ba tay đua trẻ Việt Nam. Điều này cũng giúp những nhà chuyên trách bộ môn xe đạp sớm có những chuyển động tích cực để xe đạp Việt Nam sớm tiến lên chuyên nghiệp, mà trong đó công tác đào tạo lực lượng từ cấp CLB đóng vai trò quan trọng.  

Ông Đoàn Kim Phách, Tổng thư ký Liên đoàn Xe đạp Mô tô thể thao Việt Nam cho rằng Cúp Truyền hình TPHCM là giải lớn nhất Việt Nam ngày càng được nâng lên tầm quốc tế nhưng trong tương lai chỉ nên có tối đa 10 chặng đua. Bởi xe đạp Việt Nam chỉ được xếp loại 4 trong hệ thống giải xe đạp quốc tế, chứ không phải hạng chuyên nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam cũng chỉ nên có 4 đội đua mạnh nhất cùng với đội tuyển quốc gia là vừa đủ. Như thế, mới thu hút được các đội nước ngoài đến tham dự, đồng thời sẽ cải tiến đáng kể chất lượng của xe đạp Việt Nam.

Mặt khác, dù xe đạp Việt Nam đang được đầu tư mạnh mẽ và có nhiều VĐV trẻ trưởng thành nhưng trình độ các tay đua qua Cúp Truyền hình vẫn chưa tiến bộ đúng với tiềm năng của mình. Lý do chính là đa số các VĐV Việt Nam không những thiếu chuyên nghiệp mà còn thiếu đoàn kết trên đường đua. Lẽ ra, nếu cạnh tranh lành mạnh thì các cua-rơ cần đặt nặng vấn đề chuyên môn, chứ không chỉ có vấn đề “ghìm” nhau, kéo nhau cùng rớt lại để cho đối thủ ngoại mặc sức tung hoành. Chỉ có khắc phục nhanh những vấn đề này thì xe đạp Việt Nam mới thật sự tiến bộ.

MỚI - NÓNG