Phản bóng đá như... Barcelona

Phản bóng đá như... Barcelona
Chính thứ bóng đá mà Barca và những CĐV của họ luôn đi rêu rao rằng “đẹp”, “tuyệt mỹ” hay “chuẩn mực” thực ra mới đáng bị coi là... phản bóng đá.
Lối chơi mà Barcelona thể hiện đang bị cho là phản bóng đá
Lối chơi mà Barcelona thể hiện đang bị cho là phản bóng đá.

1. Với phần đông NHM, bóng đá đẹp phải là thế trận mở, chơi tấn công từ đầu tới cuối và khiến các trọng tài phải mỏi tay chỉ ra vạch giao bóng. Vì thế, Barca mới được ưa chuộng, được tôn vinh bằng đủ thứ danh hiệu.

Nhưng ở một góc độ khác, người ta (bao gồm cả tôi) lại thấy chán ngán với cái cách mà Barca đi chinh phục những mục tiêu. Họ đang biến những trận đấu trở nên nhàm chán hơn, thiếu đi tính hấp dẫn hơn vì đơn giản một lẽ: những cuộc đấu một chiều thì có gì hay? Hay nói một cách khác, khi trận đấu chưa diễn ra mà người ta đã biết chắc chắn Barca sẽ thắng thì xem làm gì nữa, thà bật kênh Cartoon Network xem Tom & Jerry còn sướng hơn.

Thử hỏi, với việc gần như không trận nào cầm bóng dưới 70-80%, đối thủ nào của Barca có được cái quyền tối thiểu trong môn túc cầu giáo là “chơi bóng”? Barca khiến các đối thủ buộc phải chú ý tới việc giữ vững cự ly đội hình hơn là xử lý bóng cho chuẩn xác, đó là lý do các đối thủ của Barca luôn phải phá bóng ra xa. Vậy nhưng mỗi khi chịu kết quả không như ý, một số cầu thủ Barca, điển hình là gã thủ quân lắm lời Xavi luôn lên truyền thông mạt sát đối thủ là “phản bóng đá”, “phá lối chơi” của đối phương...

Nhưng hãy ngẫm xem, những CĐV của các đội bóng còn lại có thấy “cay” không, khi Barca có cho đối thủ chạm tới quả bóng đâu mà đòi “chơi”. Điều này cũng giống như đi ăn tiệc, vị thực khách Barca thân thủ phi phàm, nhanh tay gắp - dẻo miệng nhai, ăn hết phần người khác xong vẫn giả lả “Ơ ăn đi chứ, sao lại khách khí thế?”. Ở một chừng mực nhất định, “phá lối chơi, phản bóng đá” mới chính là cụm từ mà Barca đáng phải nhận?

Đấy là còn chưa kể, một La Liga hấp dẫn là thế, đầy rẫy ngôi sao là thế mà vài năm nay phải rên xiết dưới gót sắt Barca, trở thành một giải đấu “giàu” tính cạnh tranh ngang… giải Scotland. Thử hỏi rằng nếu vì cái chung là quyền lợi của cả La Liga, thì Barca có đáng được yêu hay không?

2. Barca tấn công hay thật nhưng cứ thử nghĩ xem, liệu họ có dám chơi phòng ngự không?

Nghệ thuật phòng ngự là điều không phải đội bóng nào cũng làm được, cũng chẳng dễ hơn lối chơi tiqui-taca mà dàn cầu thủ Barca đã phải dày công tập luyện. Nếu Barca đã không dám chơi phòng ngự, vậy thì người của họ cũng chẳng có lý do gì để xuất hiện trên truyền thông, như một kẻ bề trên phán xét cách tiếp cận trận đấu của các đội bóng khác là hèn nhát. Cứ như thể đội chủ sân Nou Camp là một tấm gương sáng mà tất cả các CLB khác buộc phải noi theo, nếu không bóng đá sẽ chết với tư duy “xe buýt 2 tầng”! Sai lầm, sai lầm hết mức! Thử tưởng tượng, nếu các đội đều áp dụng một cách chơi thì bóng đá sẽ ra sao? Chắc chắn là tẻ nhạt và chán ngắt, thậm chí không muốn nói đến khả năng diệt vong của bóng đá.

Đối phương phát mệt vì phải đuổi theo Messi và đồng đội
Đối phương phát mệt vì phải đuổi theo Messi và đồng đội.

Định nghĩa về “thắng lợi” trong bóng đá có thể là đội ghi được nhiều bàn thắng hơn, nhưng cũng bao hàm đội bị thủng lưới ít hơn. Tại sao cứ phải lao lên, hành hạ kẻ yếu hơn đến mức sức tàn lực kiệt mới là đẹp?

3. “Bóng đá đẹp” ư? Xin nói luôn, bóng đá đẹp không chỉ mang tính biểu diễn, mà còn bao gồm khái niệm fair-play. Khó có thể nhìn thấy điều đó ở Barca, khi chính một thành viên cũ của Barca (Thiago Motta) tiết lộ: lò đào tạo La Masia luôn dạy các cầu thủ trẻ cách ăn vạ để qua mặt trọng tài. Cũng khó tin rằng những hành động như lăn xuống sân ăn vạ còn cố nhìn trọng tài, phụt nước tưới sân vào đối thủ hay đuổi theo gây sự với HLV đối phương đang ăn mừng lại thuộc về đội bóng luôn vỗ ngực rêu rao về “bóng đá đẹp”.

Một nhà vô địch cần để lại hình ảnh đẹp cả khi thành công lẫn khi thất bại. Bởi cần phải hiểu rằng thất bại là một phần của cuộc chơi. Nhưng có lẽ dàn cầu thủ Barca khó học được điều đó, đơn giản vì mấy khi họ thua đâu để mà có cơ hội được … học.

4. Barca cứ rêu rao rằng rằng họ là đội bóng có “lối chơi đẹp” nhưng như ai đó đã nói: “Cái đẹp chỉ nằm trong một hình thể đẹp”. Vậy thử xem các cầu thủ Barca có đáp ứng được tiêu chí này không? Rõ ràng là không, bởi theo tiêu chuẩn mỹ học, có thể thấy rằng Barca vốn là một tập hợp của các chú lùn. Messi tài năng ư, cao 1,69m; Xavi hào hoa ư, cao 1,7m; Iniesta 1,7m, David Villa 1,75m; Dani Alves 1,71m. Đấy là những tinh hoa của hiện tại, còn trong quá khứ thì nhắm mắt cũng có thể chỉ tên những cầu thủ “cao to đẹp trai” như Romario 1,68m; Sergi Barjuan 1,72m; Hagi 1,74m…

Trời ơi, đó là những chú lùn chứ đâu phải cầu thủ. Và với một Barca gồm “tập hợp lùn” như thế, tôi nghĩ rằng HLV của họ phải là nàng Bạch Tuyết chứ không phải Pep Guardiola hay Johan Cruyff. Đó là chưa nói đến diện mạo của những cầu thủ Barca “tài hoa”. Có thắp đuốc giữa ban ngày cũng không thể soi được một ai đó tạm gọi là đẹp trai, đáng để cho các fan nữ treo poster trong phòng ngủ. Bản mặt chung của các cầu thủ Barca hoặc là hung tợn kiểu đồ tể như Valdes, Puyol, Alves hoặc ngờ nghệch, thô kệch như Messi, Xavi, Iniesta. Thay mặt giới mỹ học và những người tôn thờ vẻ đẹp của cầu thủ, tôi xin loại Barca ra khỏi tiêu chí đánh giá: Đẹp.

5. Bao nhiêu lý do để tôi ghét Barca rồi nhỉ? Và sẽ còn bao nhiêu lý do nữa mà tôi có thể đưa ra? Chắc chắn là nhiều lắm. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi ghét Barca chỉ đơn giản vì tôi … ghét Barca. Vậy thôi!

Theo Thể thao Cuộc sống

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG