Hiệp hội không phải cây đũa thần

Hiệp hội truyền hình trả tiền có giúp các đài “ngồi cùng mâm, nhìn cùng hướng”? Ảnh: VSI
Hiệp hội truyền hình trả tiền có giúp các đài “ngồi cùng mâm, nhìn cùng hướng”? Ảnh: VSI
TP - Trao đổi với Tiền Phong về sự ra đời của Hiệp hội truyền hình trả tiền (Pay-TV) Việt Nam, Tổng giám đốc AVG Trần Đăng Tuấn cho rằng, việc thành lập Hiệp hội dù là cấp thiết, nhưng không có nghĩa câu chuyện cạnh tranh giữa các nhà đài sẽ kết thúc.
Hiệp hội truyền hình trả tiền có giúp các đài “ngồi cùng mâm, nhìn cùng hướng”? Ảnh: VSI
Hiệp hội truyền hình trả tiền có giúp các đài “ngồi cùng mâm, nhìn cùng hướng”? Ảnh: VSI.

Và để hoàn thành sứ mạng của mình, hiệp hội phải mạnh thực sự, không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm. “Cũng như nhiều người, tôi luôn cho rằng cần có Hiệp hội truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Bộ quản lý nhà nước theo đuổi việc này từ lâu” - ông Trần Đăng Tuấn nói.

Ông có đánh giá gì về sự ra đời của Hiệp hội truyền hình trả tiền VN? Đây liệu có thể coi là một chuyện tất yếu xảy ra, đặt trong bối cảnh sự phát triển của truyền hình VN?

Cách đây 6 năm Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn chủ trì hội nghị về truyền hình có trả tiền bàn nhiều về việc này. Tôi cũng đã phát biểu trong hội nghị đó về sự cần thiết thành lập Hiệp hội. Và trong một bài viết sau đó đăng trên báo, tôi đã phân tích và kết luận như sau: “…bức tranh truyền hình cáp Việt Nam hiện nay là bức tranh của kinh doanh trang trại tự sản tự tiêu, là cạnh tranh nông nổi, là tốn kém xã hội, là thiệt thòi cho người tiêu dùng, là tự buộc chân cẳng của chính mình.

Tình hình sẽ phức tạp hơn thời gian tới, nếu các đơn vị làm Pay-TV (TH trả tiền) vẫn cứ tiếp tục kiểu làm ăn này, trong khi các hãng truyền hình cáp lớn nước ngoài có thể xâm nhập thị trường Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau. Đã cấp bách lắm rồi: Một hiệp hội truyền hình cáp Việt Nam - tại sao không?... Đừng bỏ phí thời gian dành để tập hợp sức mạnh bên trong để đối phó với các đối thủ mạnh hơn đã đứng ngoài ngõ”.

Khi đó, nói về truyền hình cáp thực ra là nói về truyền hình trả tiền. Từ đó đến nay vấn đề này càng trở nên cấp thiết do mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng chứng minh chính những điều tôi viết trên đây. Các cuộc cạnh tranh về bản quyền là ví dụ dễ thấy, nhưng còn trăm ngàn cái khác, người ngoài nghề không dễ biết đâu.

Tổng giám đốc AVG Trần Đăng Tuấn
Tổng giám đốc AVG Trần Đăng Tuấn.

Việc thành lập Hiệp hội truyền hình VN được hy vọng sẽ giúp giải quyết được xung đột về lợi ích giữa các nhà đài liên quan vấn đề bản quyền, điển hình như vụ việc của K+ trước đây hay sắp tới có thể là bản quyền truyền hình Euro 2012. Cá nhân ông nhận định như thế nào, liệu Hiệp hội có phát huy được vai trò của mình như trông đợi?

Hiệp hội phải đem lại lợi ích chung cho các đơn vị làm truyền hình trả tiền, xúc tác mạnh để vận hành nguyên tắc win – win (cùng thắng) trong kinh doanh pay-TV. Trong đó có hợp tác về bản quyền. Nhưng có làm được hay không thì là vấn đề hiệu quả hoạt động của ban chấp hành Hiệp hội. Không phải có Hiệp hội thì đương nhiên mọi cái sẽ tốt.

"Không phải có Hiệp hội thì đương nhiên mọi cái sẽ tốt. Nếu Hiệp hội hoạt động kém, hoặc bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì có khi tình hình còn tồi tệ đi so với lúc chưa có Hiệp hội. Chúng ta kỳ vọng là Hiệp hội sẽ làm tốt sứ mạng của mình." - Ông Trần Đăng Tuấn 

Có hiệp hội sẽ có cơ sở và tổ chức để tìm ra và phát huy những chỗ tương đồng về lợi ích, hạn chế cạnh tranh cực đoan. Nhưng nếu Hiệp hội hoạt động kém, hoặc (trường hợp nguy hiểm nhất) bị chi phối bởi lợi ích nhóm, thì có khi tình hình còn tồi tệ đi so với lúc chưa có Hiệp hội. Chúng ta kỳ vọng là Hiệp hội sẽ làm tốt sứ mạng của mình.

Đang có những ý kiến lo ngại, việc ra đời Hiệp hội truyền hình trả tiền VN chưa thể một lúc điều hòa được lợi ích giữa các nhà đài, do thiếu ràng buộc pháp lý giữa Hiệp hội với các thành viên?

Pháp luật bao quát và điều chỉnh các hành vi thuộc phạm trù “ Được- không được”. Còn vấn đề “ Nên- Không nên” lại có khác. Hiệp hội sinh ra khi đã có cạnh tranh. Cần có sự đồng thuận khôn ngoan để cạnh tranh không đem đến thiệt hại chung, và đó là chỗ cần vai trò của Hiệp hội. Không ai nói đó là việc dễ. Cần có một Hiệp hội thực sự mạnh mới làm được.

Quá trình vận động thành lập Hiệp hội truyền hình VN bị cho là “có vấn đề”: số lượng thành viên ban đầu không đủ theo NĐ 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ, thiếu các đài lớn, đa số là các đài TH cáp tập trung ở phía Nam... Điều đó có gợi cho ông suy nghĩ gì không?

Thực ra, tôi không theo dõi sát đến mức có thể có suy nghĩ gì. Hôm nay tôi đọc trên báo Tiền Phong bài “Hiệp hội truyền hình trả tiền ra đời trong tháng tư”, nghe tít thấy mừng nhưng đọc thì thấy hình như nhiều vấn đề còn chưa thống nhất.

Tôi nghĩ ngay từ đầu Hiệp hội phải được đặt trên đường ray đúng đắn, có thế hoạt động sau này mới hiệu quả. Quan trọng nhất, như đã nói ở trên, là không được sa vào lợi ích cục bộ. Hy vọng từ nay đến Đại hội công việc chuẩn bị sẽ đạt kết quả đúng tiêu chí đề ra.

Theo ông đây đã là thời điểm chín muồi để cho ra đời Hiệp hội truyền hình trả tiền VN hay chưa? Ông có thể nói về sự tham gia của AVG?

Chín thì nó chín nẫu ra rồi, vì mức độ cạnh tranh trong Pay-TV đã rất cao so với cách đây năm, sáu năm. Vậy càng phải chuẩn bị kỹ, chắc chắn, không qua loa, để có Hiệp hội rồi thì mọi thứ phải đảm bảo tốt lên. Về AVG thì không có vấn đề gì.

Theo tôi nhớ thì thời gian trước AVG không nhận được lời mời tham gia Hiệp hội. Có thể do AVG chưa thực hiện dịch vụ Pay-TV nên Ban Vận động chưa đưa vào danh sách mời.

Gần đây AVG đã nhận được lời mời kèm dự thảo điều lệ. Chúng tôi có phân công người nghiên cứu. Vì AVG chưa bắt đầu kinh doanh, nên có thể gia nhập ngay hoặc gia nhập sau khi đã bắt đầu kinh doanh (tất nhiên là nếu sau khi nghiên cứu nhất trí với mục đích, tiêu chí và các quy định trong dự thảo điều lệ cũng như các bước tiến hành và phương hướng hoạt động của Hiệp hội.)

Nguyên Phong (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.