Làm HLV tuyển Việt Nam như ‘chăm con mọn’

Làm HLV tuyển Việt Nam như ‘chăm con mọn’
Năm 2005, HLV Riedl than thở rằng ông như một lão gà già chăm sóc bầy gà con. Năm 2007, đội trẻ của ông thầy này thua tan tác 0-5 trong trận tranh HCĐ SEA Games. Năm 2009, cũng các cầu thủ U-23 thất thểu đứng trên bục nhận HCB SEA Games. Một năm sau, họ lại được cho rằng thiếu động lực trong hành trình bảo vệ chức vô địch AFF Cup.
HLV Calisto an ủi các học trò sau trận chung kết thua Malaysia ở SEA Games 25
HLV Calisto an ủi các học trò sau trận chung kết thua Malaysia ở SEA Games 25.

Những điều đó cho thấy gì, nếu không phải nhận định của ông Alfred Riedl hơn 10 năm trước vẫn còn nguyên vẹn: bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc.

Nếu ở thế giới, trên 21 tuổi đã là một cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ thì ở Việt Nam, theo những gì chúng tôi nêu trên thì từ 2005 đến 2009, các cầu thủ U-23 của chúng ta vẫn chỉ có một kiểu thái độ nghiệp dư trong việc đối diện với cơ hội thành công và cách chấp nhận thất bại. Những gì diễn ra trong năm 2010 lại càng cho thấy, chúng ta vẫn lệ thuộc vào yếu tố tinh thần quá nhiều dù đã trải qua 10 năm đá bóng chuyên nghiệp, hưởng lương cao như một nghề đẳng cấp.

Với chừng ấy sự chuẩn bị, liệu có một HLV tài ba thì có làm được gì! Có ý kiến cho rằng, chẳng cần phải đặt tiêu chí quá nhiều cho một HLV giỏi bởi ông ta có thể tự điều chỉnh đội bóng của mình cho phù hợp với tình hình. Thế nhưng, ấy là nói về chuyện khi các cầu thủ đã có trình độ chuyên nghiệp cao, sẵn sàng tuân thủ mọi ý đồ chiến thuật của các HLV. Chứ còn ở ta, nhiều khi HLV cứ phải chăm cầu thủ như chăm con mọn. Không phù hợp với họ thì thôi, làm sao yêu cầu họ tự giác như một người chuyên nghiệp.

Vì thế mới nói: quá trình tuyển chọn HLV của chúng ta dường như đặt quá nhiều kỳ vọng. Nào là HLV phải đem đến tư duy mới, sự phát triển vượt bậc và thành tích có sự nhảy vọt. Nói chung, toàn nghĩ đến chuyện lớn trên một cái nền còn bé nhỏ.

Nói thẳng ra, trừ những HLV quá tệ chứ dường như ai đến Việt Nam rồi cũng sẽ như nhau mà thôi. Thành công của bóng đá Việt Nam 10 năm qua, chủ yếu nhờ 2 ông Riedl và Calisto, vốn rất am hiểu bóng đá Việt và cũng khá giỏi những kiểu “đánh quả” ngắn hạn. Bản thân 2 ông khi chia tay bóng đá Việt, cũng từng có cùng quan điểm chung “chúng ta… lùn quá”. Hiểu theo nghĩa bóng, bóng đá Việt Nam vẫn có những giới hạn không thể vượt qua và vì thế, đừng nghĩ lớn quá ở thời điểm này.

Vì vậy, nên càng ủng hộ phương án HLV nội. Với những ưu điểm khá gần với cầu thủ Việt, HLV nội dễ làm hơn (tất nhiên cần phải giao thêm quyền hạn cho họ). HLV nội của chúng ta, cũng chịu những giới hạn trong biên giới bóng đá nước nhà bởi nói cho cùng, họ vẫn đang hàng ngày tiếp xúc với những gì còn nghiệp dư ở làng cầu nội địa.

Ủng hộ việc chọn HLV ngoại vì ai mà chẳng muốn có sự thành công lớn hơn nhưng kỳ vọng quá mức vào việc sẽ có một HLV tài ba thì rất dễ bị thất vọng. Như đã từng nói, không thể giao cho một kiến trúc sư tài ba những thứ nguyên vật liệu cấp thấp mà bắt ông ta xây cái gì đó hoành tráng. 10 năm qua, cái gì ở V-League cũng to hơn, nhiều hơn nhưng thái độ chuyên nghiệp thì vẫn cứ đứng lì một chỗ.

Không tin, cứ đợi đến SEA Games mà xem. Các cầu thủ trẻ của chúng ta sẽ lại buồn, đau đớn, thiểu não khi không nhận được chiếc HCV cứ như thể thua trận là cái gì đó kết thúc luôn vậy. Nội việc học cách chấp nhận thất bại mà cầu thủ chúng ta còn chưa thuộc nổi thì làm sao nói đến việc làm chuyện lớn hay giữ mãi khát vọng vươn lên.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.