Bước ngoặt bằng chủ đề chống tham nhũng

Bước ngoặt bằng chủ đề chống tham nhũng
TP - Rất đột ngột, cuộc bỏ phiếu vào ngày 1-6 tới để chọn ra nhà lãnh đạo cao nhất của tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh - FIFA chỉ có một chủ đề tranh cử: nạn tham nhũng.

Cuộc đua tới chức Chủ tịch FIFA:

Bước ngoặt bằng chủ đề chống tham nhũng

Ngay khi Chủ tịch FIFA Sepp Blatter hy vọng đã gạt những vấn đề tham nhũng của tổ chức này lại phía sau mình, những lời tố cáo của người Anh rằng 6 thành viên Ban điều hành của FIFA có liên quan tới nạn hối lộ trong cuộc đua giành quyền đăng cai tổ chức World Cup đã gây xáo trộn lớn cho cuộc đua đắc cử nhiệm kỳ thứ tư của ông. Ông già 75 tuổi này đang chiến đấu với đối thủ Mohammed bin Hammam (người Qatar) đương kim Chủ tịch LĐ Bóng đá châu Á, cho một trong những chiếc ghế quyền lực và có ảnh hưởng nhất trong thế giới thể thao.

Những lời cáo buộc được đưa ra tại Nghị viện Anh hôm thứ hai, và FIFA phản pháo lại một ngày sau, với yêu cầu được cung cấp bằng chứng cho lời buộc tội đối với 1/4 thành viên của ủy ban 24 người điều hành toàn bộ hoạt động của thế giới bóng đá. Và ông Blatter đã hứa sẽ giải quyết xong vụ khủng hoảng này trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Và tổng thư ký FIFA, ông Jerome Valcke, nhanh chóng viết thư tới Hiệp hội bóng đá Anh, FA, đề nghị có một bản báo cáo cụ thể cũng như “mọi bằng chứng bằng văn bản” từ ông David Triesman, cựu trưởng đoàn vận động đăng cai World Cup 2018 của Anh.

Ông Triesman báo cáo với các nhà lập pháp Anh rằng 4 quan chức cao cấp của FIFA, gồm Jack Warner, Nicolas Leoz, Ricardo Teixeira và Worawi Makudi, đã đề nghị những cách thức hối lộ khác nhau trong cuộc đua đăng cai World Cup 2018, mà sau đó nước Nga đã trở thành người thắng cuộc.

Tờ The Sunday Times cũng đưa tin rằng các nhà lập pháp còn được cung cấp thông tin rằng Qatar đã chi 1,5 triệu USD mỗi người cho hai quan chức khác của FIFA là ông Issa Hayatou và Jacques Anouma cho chiến dịch 2022. Qatar đã chiến thắng ở cuộc đua này sau khi một ứng viên mạnh là Mỹ bị loại ngay từ vòng đầu, giống như người Anh ở cuộc đua cho giải đấu bốn năm trước đó.

Không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của Chủ tịch FIFA đương nhiệm Sepp Blatter, những thông tin này cũng hết sức bất lợi cho Chủ tịch LĐBĐ châu Á, ông Mohammad bin Hammam, do vị chủ tịch người Qatar này đóng vai trò chủ chốt trong cuộc vận động của quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh. Cũng bởi thế, LĐBĐ Qatar nhanh chóng lên tiếng phủ nhận việc trả tiền cho ông Hayatou và Anouma và gọi những lời đồn đoán là hoàn toàn vô căn cứ, còn ông Bim Hammam tuyên bố: “FIFA không bị mua chuộc. Chúng ta là nạn nhân cho tính phổ biến của bóng đá”.

Sự việc còn bị đẩy đi xa hơn khi Bộ trưởng Thể thao Anh, Hugh Robertson, cho biết ông đã thảo luận về khả năng Anh và một số nước khác rút ra khỏi FIFA. “Lúc này có một mong muốn thực hiện việc thay đổi FIFA từ bên trong. Nếu FIFA không thể làm được điều đó thì tôi có thể nói rằng mọi sự lựa chọn đều có thể xảy ra. Họ cần trải qua những bước cải cách mà IOC đã đi qua sau sự kiện Salt Lakc City”, ông Hugh Robertson phát biểu trên kênh BBC.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG