Trở về cội nguồn

Trở về cội nguồn
TP - Ở giải đấu cấp thế giới lần thứ 2 do Liên đoàn Vovinam Thế giới tổ chức, khai mạc tối qua tại TPHCM, tất cả thành viên các đoàn quốc tế đều xem đây là dịp rất đặc biệt để tìm về với cội nguồn của môn võ mà mình yêu mến.

> Giải vô địch Vovinam thế giới lần 2-2011

Một bài thi đấu biểu diễn của các võ sỹ Campuchia. Ảnh: Tường Huy
Một bài thi đấu biểu diễn của các võ sỹ Campuchia.
Ảnh: Tường Huy.
 

Những ngày này, thành phố mang tên Bác tưng bừng chào đón các môn sinh Vovinam từ khắp thế giới cùng trở về “mái nhà võ học” của mình. Những lớp tập huấn kỹ thuật, những phương hướng phát triển trong tương lai, những màn so kè kỹ thuật sẽ hiện diện đầy đủ nhất nhân dịp giải đấu này.

Bởi thế, giải không chỉ là cuộc tranh tài hấp dẫn, hứa hẹn đầy kịch tính và bất ngờ giữa các cuộc đối đầu giữa các võ sĩ hàng đầu thế giới, mà còn là ngày hội để các môn sinh, võ sĩ Việt võ đạo trên khắp cùng về đất Tổ để thi triển những tinh hoa của môn võ thuật dân tộc bắt nguồn từ Việt Nam.

Anh em Trần Đình Du, Trần Đình Ân, hai quý tử của võ sĩ Trần Đại Chiêu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Đức, không dấu vẻ hạnh phúc khi được trở về quê hương sau 2 năm xa cách: “Mỗi lần về Việt Nam, cả nhà em đều rất vui, và nhất là được thể hiện những kỹ thuật của Vovinam ngay trên quê hương của mình”.

Võ sư người Pháp Francois Berrier, con rể của PTC Liên đoàn Vovinam thế giới Nguyễn Văn Chiếu, cũng tranh thủ xin công ty ở London, Anh, nghỉ phép để đưa vợ trở về Việt Nam hội ngộ trong ngày vui của đại gia đình Vovinam thế giới. Francois Berrier cho biết: “Lần này được nhìn thấy từng đoàn môn sinh Vovinam quốc tế tề tựu ngày càng đông, là môn sinh Vovinam và lại là rể Việt, tôi không khỏi tự hào và hạnh phúc”.

Tâm trạng của Francois Berrier cũng là nỗi niềm của võ sư Sudorusslan Jean Michel (57 tuổi, Giám đốc kỹ thuật Vovinam Pháp), người đã chào đời ở Sài Gòn từ mối lương duyên của một cô gái Bến Tre và chàng trai Indonesia: “Hy vọng từ bệ phóng này, Việt Võ Đạo của chúng ta sẽ còn thăng hoa hơn nữa trong tương lai”.

Mỗi người một tâm trạng khi trở về “cái nôi” của Vovinam nhân giải VĐTG lần này, nhưng tất cả đều chung một ước mơ: “Làm sao sớm đưa Vovinam bay cao hơn, trở thành môn thể thao thường trực ở những sự kiện thể thao quốc tế lớn”. Bởi thế, ai ai cũng mong muốn trình diễn một cách tốt nhất những kỹ thuật mà mình đã được hấp thụ.

Trong ngày đấu đầu tiên, giải đã diễn ra các nội dung: vòng loại đến bán kết 6 hạng cân đối kháng; chung kết 3 nội dung quyền Ngũ Môn quyền nam, Long hổ quyền nữ, Song luyện mã tấu nam cùng 6 trận chung kết đối kháng và 2 bài thi quyền (đòn chân tấn công và Tự vệ nữ giới).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG