Cựu trọng tài hiến kế

Cựu trọng tài hiến kế
TP - Trước thực trạng V-League càng về cuối càng nảy sinh nhiều vấn đề liên quan tới trọng tài, một bạn đọc là cựu trọng tài đã có bài viết hiến kế khắc phục những sai sót ngoài chuyên môn của lực lượng trọng tài gửi tới Tiền Phong.

“Chảy máu” khi V-League chưa kết thúc
> V.League 2011: Đá vì tiền?!

Hiện nay dù Hội đồng trọng tài QG đã cố gắng trấn an nhưng dư luận vẫn chưa an tâm với những “khuất tất” trong tiếng còi của giới trọng tài.

Hội đồng trọng tài QG mà người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Mùi đã giải thích là đã lo hết cách, kể cả việc ngăn ngừa yếu tố (cảm tính) địa phương của những giải đấu quan trọng càng gần kết thúc càng căng thẳng và nhạy cảm.

Tôi đã từng làm trọng tài và cũng đã nhiều năm làm công tác bóng đá từ làng xã cho đến quận, huyện rồi thành phố. Tôi xin đề xuất ngắn gọn một số phương cách tổ chức công tác trọng tài và mong LĐBĐ Việt Nam và Hội đồng trọng tài QG xem xét và thử áp dụng những ý kiến của tôi để công tác trọng tài càng hoàn thiện và có kết quả tốt đẹp hơn:

Một là phải giữ kín bí mật trận đấu cho đến phút chót mới cho tổ trọng tài biết là tổ trọng tài sẽ làm nhiệm vụ trận thi đấu nào.

Hai là phải cắt đứt tất cả tất cả máy móc thông tin liên lạc của cả tổ trọng tài sau khi đã thông báo cho cả tổ trọng tài biết trận đấu sẽ làm nhiệm vụ.

Ba là phải cho di chuyển cả tổ trọng tài đến một nơi ở trung gian và bí mật, không sớm nhưng cũng không quá chậm, vừa đủ thời gian cho tổ trọng tài nghỉ dưỡng sức một ngày đêm để ra sân điều khiển trận đấu. (Ví dụ nếu tổ trọng tài điều khiển trận đấu tại sân Chi Lăng, Đà Nẵng thì nơi ở trung gian và bí mật của tổ trọng tài là tại Quảng Nam hoặc tại Huế).

Bốn là khi cả tổ trọng tài đến sân để chuẩn bị trận đấu và trong suốt thời gian thi đấu phải có một vị “giám sát bí mật” (dĩ nhiên vị giám sát bí mật này đã phải loại trừ yếu tố địa phương của hai đội bóng tham gia thi đấu) của LĐBĐVN hoặc của HĐ trọng tài để bí mật giám sát cả tổ trọng tài, đồng thời “bí mật ngăn ngừa ban chỉ đạo hai đội thi đấu có những biểu hiện tiếp xúc với tổ trọng tài.

Được như vậy thì trọng tài cứ điều khiển trận đấu theo luật bóng đá và theo cảm xúc hoàn toàn công bằng và chính trực của chính cá nhân trọng tài. “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” mà không sợ sự luận nghi ngờ hoặc chê bai trọng tài.

Trần Tú
(Hội An, Quảng Nam)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG