Mô hình quản lý V-League: Lại lùm xùm

Mô hình quản lý V-League: Lại lùm xùm
Đó là khẳng định của bầu Nguyễn Đức Kiên trước những ý kiến hoài nghi từ Hội đồng phản biện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khi thẩm định đề án thành lập V-League JSC mà VFF gửi lên.

Sau khi Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) có ý kiến phản biện về việc nên xem xét mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) quản lý và tổ chức sự kiện V-League thay cho công ty cổ phần (V-League JSC), các ông bầu, tác giả của bản đề án trên, đang lo sợ cuộc cách mạng với V-League sẽ trở thành cuộc cách mạng nửa vời, không toàn diện nếu mô hình công ty TNHH thế chỗ công ty cổ phần.

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng: “Tiếng nói của các ông bầu trong việc thay đổi mô hình quản lý V-League vẫn rất quan trọng. Nếu các chuyên gia của VFF và đại diện các ông bầu cũng như cơ quan quản lý Nhà nước đạt được sự thống nhất cao về cách thức thành lập công ty quản lý V-League thì dù đó là mô hình nào chúng tôi cũng làm”.

Phía Bộ VH-TT-DL đã giao toàn bộ công việc thẩm định đề án trên cho Tổng cục TDTT. Đề cập vấn đề thẩm định tính khả thi của đề án trên, ông Vương Bích Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: “Chúng tôi vẫn để cho VFF chủ động trong việc xúc tiến đề án trên sớm thành hiện thực. Ý tưởng về mô hình công ty TNHH thay cho công ty cổ phần để quản lý và tổ chức các giải bóng đá quốc gia vẫn đang được thẩm định và xem xét”. Theo ông Thắng, chính trong nội bộ VFF đã xuất hiện những ý kiến phản biện đề án trên.

“Nhạc trưởng” của đề án trên là Trưởng Ban Bóng đá chuyên nghiệp kiêm Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cũng nhất quyết từ chối mọi câu hỏi về việc có “điều chỉnh” đề án V-League JSC.

Ông Nguyễn Đức Kiên, người được các ông bầu ủy nhiệm trực tiếp xây dựng đề án V-League JSC với VFF, cho biết: “Hiện tại, tôi chưa được nghe về việc có điều chỉnh từ công ty cổ phần sang công ty TNHH. Tuy nhiên, theo những gì mà tôi và VFF đã thống nhất, việc ra đời công ty cổ phần quản lý và tổ chức sự kiện V-League gần như là chắc chắn”. Ông Kiên cũng cho biết: “Về rủi ro, công ty TNHH và công ty cổ phần đều không có nhiều khác biệt. Nếu quản lý không tốt thì công ty nào cũng phá sản thôi. Còn việc thao túng, tôi nghĩ đây là hai mô hình công ty đều hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nên chỉ có ai không hiểu luật thì mới nói đến chuyện thao túng”.

Bầu Kiên cho rằng mô hình công ty cổ phần là mô hình tối ưu đã được đúc kết và được áp dụng từ nhiều quốc gia. Đó là mô hình dễ thành công nhất khi áp dụng.

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch CLB HAGL, cũng có ý kiến khá mạnh mẽ: “Không thể tự ý điều chỉnh mô hình công ty khi chưa tham khảo ý kiến của chúng tôi”. Theo ông Đức, công ty cổ phần là mô hình tiên tiến nhất và công ty quản lý V-League phải trở thành công ty của công chúng mới huy động được nguồn lực lớn từ xã hội. Nếu là công ty TNHH thì sẽ rất khó tạo ra đột phá cho V-League.

Theo Người Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.