Sea Games tuỳ tiện hơn… hội làng

Sea Games tuỳ tiện hơn… hội làng
Đá bóng lúc 8 giờ sáng đúng là chuyện “Cá tháng 4”, vậy mà cứ thật 100% ở cái “ao làng” SEA Games. Nước chủ nhà hết tung “độc chiêu” này đến “tuyệt chiêu” khác làm bật ngửa cả giới làm bóng đá khu vực.

Đầu tiên là bốc thăm muộn đã khiến người ta cười tủm tỉm. Rồi sau đó, người ta hết cười ngả đến cười nghiêng với cách xếp lịch thi đấu chẳng theo qui tắc nào của BTC. Nhưng đến khi đá lúc 8 giờ sáng thì chẳng còn ai cười nổi. Nó phi lý quá, vô nguyên tắc quá và phản khoa học quá dù chẳng có lý do gì khiến người ta phải làm điều đó.

Mà quên mất, ở SEA Games, cần gì phải lý do chứ!

Chuyện ở cái “ao làng” SEA Games thì nói cả năm cũng không hết. Thành ra, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến chuyện khác.

Và đó là một sự thật chưa đến mức đau lòng, nhưng buồn thì có: Đó là vẫn có những đội như Indonesia và Việt Nam phải bằng mọi cách cố mà đoạt HCV bóng đá SEA Games, nơi mà người ta có coi bóng đá ra cái gì đâu chứ. Môn thể thao vua tại “ao làng”, thậm chí còn kém hơn các môn khác. Vậy thì hà cớ gì cứ phải xoáy vào “giấc mơ 50 năm” để mà mộng mị rồi tự dằn vặt chính mình?!

Thật sự, khi biết tin BTC bố trí trận Việt Nam - Brunei vào cái giờ “độc địa” đó, chúng tôi đã nghĩ: tại sao VFF lại không phản đối mạnh mẽ. Thậm chí, xin được rút lui. Chúng ta có quyền làm điều đó bởi đây là một đại hội thể thao, chuyện tham gia hay không một môn thi đấu chẳng có gì nghiêm trọng cả. Với cách đối xử như vậy với bóng đá, rút lui là một biểu hiện của lòng tự trọng.

Tất nhiên, suy nghĩ ấy khó mà thực hiện trong tình trạng hiện nay, khi chúng ta đã mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc để nhắm đến cái gọi là “kỳ tích”, là “giấc mộng vĩ đại” đối với làng cầu Việt Nam. Còn chờ đợi chiếc HCV bao nhiêu thì sân chơi SEA Games vẫn còn quan trọng với bóng đá Việt Nam bấy nhiêu, bất chấp đã có một vài quốc gia trong khu vực xem nhẹ sân chơi này. Hay đúng hơn, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã trả SEA Games về đúng chỗ của của nó: Một giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ. Đấy chưa phải là tương lai của cả một nền bóng đá. Nó chỉ nên xem là hy vọng thì tốt hơn.

Nhưng chắc chắn, chiếc HCV vẫn là điều được chờ đợi một cách mãnh liệt tại Việt Nam. Điều này không sai, thậm chí là rất đúng bởi trong bóng đá, phải có khát vọng chiến thắng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận cho chính xác tham vọng và mục tiêu của mình. Chúng ta đã tham gia thì phải muốn vô địch, nhưng đừng xem nó là cái gì vô cùng to lớn đến mức choáng ngợp rồi trở nên mụ mị với điều đó .

Danh hiệu ấy là quan trọng, nhưng thất bại cũng không phải là thảm họa. Danh hiệu nào cũng thế, xứng đáng hay không nằm ở chất lượng của nó. Môn bóng đá tại SEA Games bị người ta đối xử như vậy, liệu có cần xem lại cách chúng ta đối xử ra sao không. Hay là cứ “cờ bay phần phật”, cứ cổ xúy thầy trò HLV Falko Goezt như thể “trận chiến này là cuối cùng”, cứ bơm “doping” cho chiếc HCV bằng hàng đống tiền thưởng khổng lồ để rồi sau đó, nhấn chìm niềm tin của hàng triệu người trong khoảnh khắc cao trào nào đó.

Hãy nhìn cuộc đua tranh tại SEA Games một cách bình thường hơn thì mới thấy cách đối xử của BTC SEA Games đối với môn bóng đá cũng là chuyện ở cái ao làng. Chẳng có gì to tát cả.

Lịch thi đấu môn bóng đá SEA Games 26: Lại đổi!

Hôm qua, nước chủ nhà SEA Games 26 Indonesia lại thêm một lần điều chỉnh lịch thi đấu của môn bóng đá SEA Games 26. Theo đó, sau khi đẩy trận Việt Nam - Brunei lên khởi tranh lúc 8 giờ ngày 11-11, lịch đấu bảng A cũng được thay đổi.

Theo lịch mới, lượt trận khai mạc bảng sẽ khởi tranh từ 8-11, thay vì 9-11 như ban đầu. Nhờ vậy, loạt trận thứ 2 của bảng A cũng được đẩy lên đấu sớm vào ngày 10-11, thay vì đá vào ngày 11-11. Đây là một giải pháp của người Indonesia để tập trung tối đa cho lễ khai mạc SEA Games 26.

Trong khi đó, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lâm Quang Thành hôm qua khẳng định, đoàn Thể thao Việt Nam chưa nhận được thông báo chính thức về việc đôn trận Việt Nam - Brunei lên đá vào lúc sáng sớm.

Ngày 28-10, các nước dự SEA Games 26 sẽ họp với chủ nhà để chốt lại các vấn đề kỹ thuật của đại hội, vì vậy, nếu Indonesia đổi lịch đấu của U23 Việt Nam như đã nêu, đoàn thể thao Việt Nam sẽ có ý kiến phản đối.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.