Đừng khủng hoảng hóa Euro

Đừng khủng hoảng hóa Euro
TP - 1. Tại Euro 1960, chỉ có các trận bán kết và chung kết mới được tổ chức ở một quốc gia. Đội tuyển Tây Ban Nha năm đó đã lọt vào tứ kết sau chiến thắng vang dội trước Ba Lan với tổng tỷ số 7-2 ở vòng ngoài.

> Những tấn bi kịch

Đừng khủng hoảng hóa Euro ảnh 1
 

Tuy nhiên, đội hình gồm những tài năng xuất chúng mà đứng đầu là huyền thoại Alfredo Di Stefano đã phải chấp nhận một quyết định có phần nghiệt ngã từ chính quyền Tây Ban Nha.

Nhà độc tài Franco khi đó đã không cho đội bóng xứ đấu bò sang Liên Xô để đá trận tứ kết bởi những mâu thuẫn giữa Franco và chính quyền Liên Xô vốn hình thành từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha cuối những năm 1930.

Tây Ban Nha chấp nhận bỏ cuộc chơi, bỏ mất cơ hội trở thành đội đầu tiên vô địch Euro khi mà ai cũng biết, Tây Ban Nha thời điểm đó rất mạnh.

Cho đến ngày nay, sự kiện Tây Ban Nha bị cấm thi đấu ở Liên Xô tại Euro 1960 là một trong những sự kiện chính trị nhúng tay vào bóng đá rõ nét nhất.

2. Euro 2012 cũng là kỳ Euro không đơn thuần chỉ bóng đá mà nó cũng nhuốm màu chính trị khi được tổ chức ở Ukraine – đất nước đang bị giằng xé giữa Nga và phương Tây.

Chính phủ Kiev đã nỗ lực hết sức để biến ngày hội bóng đá lục địa già thành một liều thuốc giảm đau, xua đi bầu không khí căng thẳng trên chính trường nước này thời gian qua, đồng thời là cơ hội để tăng tình đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, phương Tây lại không ngừng tìm những kẽ hở để bôi xấu, để bi quan hóa khả năng tổ chức của Ukraine.

Và ngay đến cả FEMEN, một tổ chức đấu tranh vì nữ quyền, cũng đã nhuốm màu chính trị khi mượn hình ảnh của những cô gái ngực trần nhằm tạo ra một đảng phái.

3. Euro 2012 còn được tổ chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang bao phủ khắp châu Âu. Và thế là trái Tango 12 còn nhuốm thêm màu khủng hoảng tài chính.

Trận tứ kết giữa Đức và Hy Lạp tới thời điểm này đang cực nóng vì mối quan hệ “chủ nợ” (Đức) và “con nợ” (Hy Lạp).

Hôm thứ Ba vừa qua, tờ Bild của Đức có đăng bài bình luận: “Hãy vui lên những người bạn Hy Lạp, việc thua trận vào thứ Sáu này là một món quà. Không có khoản vốn cứu trợ nào có thể giúp các bạn chống lại Joachim Loew”. Đây có thể là một lời mượn gió bẻ măng của người Đức?

Người Hy Lạp trong niềm tự do kiêu hãnh và đặc biệt sau chiến thắng trước Nga không hề thích tí nào cái cách báo chí Đức mượn chính trị để gây áp lực lên đội bóng của mình.

Tiền đạo Georgios Samaras của ĐT Hy Lạp mới đây đã khẳng định: “Chúng tôi không chơi bóng vì bản thân mình. Chúng tôi chơi bóng vì đất nước của 11 triệu dân, những người đang chờ đợi những nụ cười”.

Bản thân ĐT Đức cũng vậy. HLV Joachim Loew hôm thứ Ba đã tìm cách xoa dịu: “ĐT có mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Angela Merkel nhưng Thủ tướng không có tiếng nói gì trong việc sắp xếp đội hình và chúng tôi không muốn dính líu gì tới chính trị. Chuyện bóng đá cũng đã đủ khó khăn. Hy Lạp là đội bóng không dễ để đánh bại!”

Hy vọng những gì Joachim Loew nói là sự thật. Hy vọng những bàn tay từ chính trường, tài chính đứng ngoài bóng đá không nhúng vào, để Euro là liều Decolgen giảm cơn đau đầu khủng hoảng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG