Thời thế đã có, anh hùng ở đâu?

Thời thế đã có, anh hùng ở đâu?
Nói gì thì nói, khi bầu Kiên bị Bắt, dù VPF khẳng định là không liên quan nhưng uy tín của công ty này cũng sụt giảm đáng kể.

Họ không có cơ hội để bào chữa cho những nỗ lực của mình suốt mùa giải biến động vừa qua. Và khi cuộc khủng hoảng đang dồn dập kéo đến như cơn bão cấp 12, VPF như một con tàu đang chòng chành.

1. Thời cuộc đẩy Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng và các cộng sự đứng trước bờ vực. Hoàn cảnh đã thế, những tiếng nói lạc điệu từ trụ sở VFF lại càng khiến giông tố kéo đến ngay trước ngày VPF tổ chức lễ tổng kết. Người ta có cảm giác, đêm Gala trao giải hôm nay là “show” diễn… cuối cùng của các ông bầu VPF.

Thời thế ấy không dành cho những kẻ yếu tim. Hoàn cảnh ấy rất cần nhãn quan và bãn lĩnh của những thuyền trưởng thực thụ.

2. Có câu: thời thế tạo anh hùng. Chẳng còn lúc nào khác, sự quyền biến và năng lực của các bộ óc kinh doanh hàng đầu phải được rút ra và trút hết vào công cuộc tìm lối ra cho bóng đá Việt Nam. Công ty VPF với vốn điều lệ chỉ bằng cái móng tay so với các tập đoàn kinh doanh của các ông bầu, nhưng nó lại là một thử thách vô cùng gian khó. Bởi đấy không phải là chuyện tiền bạc, mà là uy tín, danh dự, là liều thuốc thử của khát vọng cống hiến cho bóng đá Việt Nam mà những người như bầu Thắng, bầu Đức… đã nói với mọi người nhiều năm qua.

Họ không có quyền lùi bước. Nói đúng hơn, đây là lúc thực sự bóng đá Việt Nam cần những ông bầu. Một năm trước, VPF ra đời chỉ là một bước ngoặt không hơn không kém. Người ta vẫn xem VPF như “trò chơi” của những ông bầu. Thậm chí, có người còn bảo chẳng qua vì họ nhiều tiền quá mà thôi! Nhưng nay, VPF phải chứng minh được sự tồn tại của nó là đúng qui luật, là sự tất yếu, là giải pháp duy nhất cho một nền bóng đá chưa kịp phát triển đã chuẩn bị đổ ngang như con tàu trong cơn giông dữ ngoài đại dương.

3. Thời thế tạo anh hùng. Quá dễ để các ông bầu tại VPF lắc đầu và từ bỏ. Quá dễ để nói, họ còn nhiều việc phải lo toan ngoài xã hội. Nhưng bóng đá giờ đây đã là một hình thái tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Nhất là ở thời điểm này, khi có nguy cơ hàng trăm người có “chuyên môn cao” (cầu thủ) phải thất nghiệp. Hàng ngàn người khác có liên quan cũng sẽ thất nghiệp. Hàng triệu người hâm mộ sẽ phải chứng kiến những trận đấu vô bổ, thiếu tính cạnh trang. Những niềm vui cuối tuần sẽ trở thành sự ngao ngán với các vỡ kịch tồi như thời bóng đá bao cấp. Từ bỏ bóng đá là từ bỏ một trách nhiệm với xã hội.

Và tất nhiên, chúng ta cũng nên hỏi một câu: Thời thế đã vậy, anh hùng ở đâu? Nhiều ngày qua, các động thái của VFF chưa cho thấy họ muốn hợp sức cùng VPF để đánh giá lại toàn bộ sự thất bại của nền bóng đá. Thay vào đó là xu hướng vo tròn để tiếp tục duy trì bóng đá theo kiểu phong trào. Thật khó tìm một anh hùng nào trong tư duy như vậy.

Bởi anh hùng, có khi được sinh ra ở những lúc giông bão như thế này. Ai? Ở đâu?

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG