Cựu cầu thủ mưu sinh bên bàn vé số

Cựu cầu thủ mưu sinh bên bàn vé số
Từng chơi cho đội Thương Khẩu Sài Gòn (Cảng Sài Gòn sau này) rồi làm HLV trong một thời gian ngắn nhưng cuộc sống của cựu trung vệ Lê Đình Thi (sinh năm 1942) bây giờ “gắn chặt” với bàn bán vé số trước hẻm nhà mình ở đường Cống Quỳnh (TP.HCM).

Cựu cầu thủ mưu sinh bên bàn vé số

> Alex Ferguson: Van Persie sẽ giúp M.U hạ bệ Man City

> Lão thần đồng Văn Quyến và vận niên con thỏ

Từng chơi cho đội Thương Khẩu Sài Gòn (Cảng Sài Gòn sau này) rồi làm HLV trong một thời gian ngắn nhưng cuộc sống của cựu trung vệ Lê Đình Thi (sinh năm 1942) bây giờ “gắn chặt” với bàn bán vé số trước hẻm nhà mình ở đường Cống Quỳnh (TP.HCM).

Ông Lê Đình Thi bên bàn vé số trên đường Cống Quỳnh trưa 2-1-2013
Ông Lê Đình Thi bên bàn vé số trên đường Cống Quỳnh trưa 2-1-2013 . Ảnh: N.K
 

21 tuổi, Lê Đình Thi đã được nhiều người biết đến sau khi chơi nổi bật trong màu áo đội tuyển Cần Thơ (thua 0-1) trước đội Nguơn Lãng (Hong Kong) do “cầu vương” Lý Huệ Đường dẫn dắt trong trận giao hữu trên sân Cửu Long năm 1963. Qua trận đấu đó, trung vệ trẻ có lối chơi lăn xả và kèm người dai như đỉa này đã được mời lên Sài Gòn khoác áo đội bóng nổi tiếng Thương Khẩu Sài Gòn. Không chỉ được thi đấu bên cạnh các tên tuổi lớn của bóng đá Sài Gòn lúc bấy giờ như Võ Bá Hùng, Trần Ta, Nguyễn Thành Sự..., Đình Thi còn có dịp đối mặt với những tên tuổi khác khi thi đấu ở hạng danh dự.

Nhưng đời cầu thủ của trung vệ Lê Đình Thi cũng long đong. Chơi cho đội Thương Khẩu Sài Gòn chưa được bao lâu, ông bị chuyển về đá cho đội bóng Phủ Tổng Thống vào năm 1967 sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Một năm sau ngày đất nước giải phóng, ông đầu quân cho đội Xí nghiệp Ôtô vận tải và đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ của đội. Nhưng cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, đội trẻ lại bị giải thể. Sau đó ông phải đi đá cho các đội lão tướng của Sài Gòn để tiếp tục giữ niềm đam mê bóng đá của mình.

Khi ông mải mê đi đá bóng thì người vợ kê bàn bán vé số trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (nơi gia đình ông ở nhờ người thân) để kiếm tiền nuôi gia đình. Rồi vợ ông mắc bệnh tim mạch, hai vợ chồng quyết định chuyển về căn nhà nhỏ nằm trong hẻm đường Cống Quỳnh mà ba mẹ cho vào những năm đầu thập niên 1980. Và thế là ngày ngày ông lại ra đầu hẻm ngồi bán vé số thay vợ để kiếm tiền mua thuốc cho vợ và nuôi con trai nhỏ.

Thấm thoát mà đã gần 30 năm ông ngồi bán vé số ở đường Cống Quỳnh. Ngày trước chưa có nhiều người đi bán vé số dạo ông cũng kiếm được kha khá. Còn bây giờ một tháng có khi ông chỉ kiếm được 1,2 triệu đồng. Người con trai cũng không thể giúp gì cho ba mẹ già khi tiền lương đứng bán ở cây xăng cũng chỉ đủ lo cho gia đình của mình. 1,2 triệu đồng tiền lời bán vé số không đủ cho hai vợ chồng già chi tiêu hằng tháng nói chi là tiền mua thuốc uống của hai vợ chồng hơn 2 triệu đồng/tháng. May mà hai vợ chồng còn căn nhà ở Cần Thơ mỗi tháng cho thuê cũng được 2 triệu đồng, rồi tiền bà con ở nước ngoài hằng tháng gửi cho một ít nên cũng đủ vá víu sống qua ngày.

Ngồi trò chuyện cùng ông trong những ngày đầu năm mới vào trưa 2-1-2013, ông già 71 tuổi này vẫn giữ nụ cười lạc quan vào cuộc sống. Ông bảo mình vẫn thường xuyên theo dõi bóng đá nước nhà và thấy cầu thủ đang thất nghiệp khá nhiều sau khi nhiều ông bầu bỏ bóng đá. Ông nói: “Tình trạng thất nghiệp của các cầu thủ chắc cũng tạm thời vì họ còn trẻ và có nhiều cơ hội chơi bóng hơn chúng tôi ngày trước. Như tôi khi giải nghệ đã lớn tuổi và không thể làm công việc gì khác. Điều quan trọng là họ phải biết quý trọng sự nghiệp của mình chứ đừng để một ngày nào đó rơi vào hoàn cảnh như tôi thì buồn lắm”.

Theo Nguyên Khôi
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG