VFF có... Phúc, vậy cũng mừng

VFF có... Phúc, vậy cũng mừng
Nhiều người vui miệng cứ so sánh chuyện VFF chọn HLV trưởng cho đội tuyển Quốc gia ly kỳ chẳng khác nào việc tìm kiếm chủ nhân của giải Oscar- giải thưởng mà Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ vừa công bố danh sách đề cử các hạng mục.

VFF có... Phúc, vậy cũng mừng

> HLV Hoàng Văn Phúc: 'Dẫn dắt ĐT Việt Nam là thách thức lớn nhất của tôi'

> Cầu thủ Việt kiều có 'làm mới' tuyển Việt Nam

Nhiều người vui miệng cứ so sánh chuyện VFF chọn HLV trưởng cho đội tuyển Quốc gia ly kỳ chẳng khác nào việc tìm kiếm chủ nhân của giải Oscar- giải thưởng mà Viện hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ vừa công bố danh sách đề cử các hạng mục.

Hoàng Văn Phúc chịu rất nhiều áp lực
Hoàng Văn Phúc chịu rất nhiều áp lực.
 

Thực ra là khác xa một trời một vực. Ít nhất bên Oscar còn có đề cử, nghĩa là còn có khoanh vùng để đánh giá, có tiêu chí hẳn hoi và tất nhiên là khi đã nằm trong diện đề cử rồi thì chẳng ông đạo diện khùng nào tự nhiên xin rút.

Cái giống nhau cơ bản có lẽ bởi người được trao ghế HLV trưởng và người nhận giải Oscar đều cảm thấy vinh dự.

Trong tất cả các cuộc bầu chọn, không bao giờ hy vọng nó nhận được sự ủng hộ 100%. Đôi khi trong đa số các vị trí, người phù hợp lại là phương án tốt hơn người giỏi nhất có thể ngồi ở đó.

VFF đã có giai đoạn loanh quanh không biết nên chọn người giỏi nhất hay phù hợp nhất. Một ông HLV ngoại, trình độ có thể tốt hơn nhưng chưa chắc đã phù hợp. Vậy là một HLV nội? Có lẽ không phải là vấn đề duy lý trí mà mục tiêu là xây dựng một lộ trình dài hơn thay vì chọn một ông thầy ngoại, công nghệ cao và tiếp tục là những chiến lược mùa vụ.

Điều đáng tiếc là VFF đã không biến việc chọn HLV trưởng trở thành một cuộc thi thố tài năng, bản lĩnh và khả năng gánh vác trách nhiệm.

Tài năng càng cao- trách nhiệm phải càng lớn. Đó là định mệnh của một số cá nhân xuất sắc, một mô-típ dễ thấy trong các bộ phim về những nhân vật anh hùng của điện ảnh Mỹ.

HLV Nguyễn Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn lần lượt từ chối nhận nhiệm vụ tại ĐTQG
HLV Nguyễn Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn lần lượt từ chối nhận nhiệm vụ tại ĐTQG.
 

Xác định trách nhiệm và chấp nhận "dấn thân" là điều rất khó ở thời điểm này, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá.

Người ta không chỉ thấy thất vọng với cách làm việc rất nghiệp dư, thậm chí "ông nói gà-bà nói vịt" ở những người đồng cấp lãnh đạo VFF hoặc thái độ "đứng bên lề" kiểu né tránh của ông Chủ tịch VFF mà chính là cách làm việc ấy, thái độ sợ trách nhiệm của nhiều HLV đã tạo nên một tiền lệ không tốt một chút nào lên các thế hệ đội tuyển, đặc biệt là các cầu thủ trẻ.

Trong khi người lớn chê trách nhiều cầu thủ trẻ chỉ biết đến tiền thì họ, chính những quan chức VFF lại dùng tiền (mức lương cao chưa từng thấy) làm "động lực" để các HLV nội cảm thấy có thêm can đảm làm việc. Trong khi người lớn yêu cầu mỗi cầu thủ phải có trách nhiệm với màu cờ sắc áo, phải luôn vào sân thi đấu nhiệt tình thì họ lại tạo ra hình ảnh những người thầy "né" cả việc dẫn dắt đội tuyển.

Các cầu thủ học được gì và nhìn thấy gì từ cuộc bầu chọn này?

Và rõ ràng một người mới lên, có thể là ông HLV Hoàng Văn Phúc dù tiếng là được mời và chấp nhận lời mời nhưng đã có ngay cái tiếng là đỗ... vớt, hay trong bóng đá, chỉ là cầu thủ dự bị- chỉ được vào sân khi cầu thủ cùng vị trí thi đấu từ chối hoặc chấn thương.

Là cựu cầu thủ, ông Phúc hiểu cảm giác của cầu thủ vào sân từ bằng ghế dự bị, rất áp lực.

Song phải chấp nhận thực tế là những cầu thủ có "số má" ở đội tuyển không dễ bị thuần phục bởi một người như ông Phúc.

Trẻ hóa là điều bắt buộc, thậm chí là phải "hy sinh" cả mấy trận đấu vòng loại Asian Cup để trẻ hóa và giảm áp lực cho HLV. VFF có phúc khi được ông Phúc nhận lời. Điều ấy cần phải có thời gian để kiểm chứng.

Nhưng hiện tại? Ừ, vậy cũng mừng.

Theo Song An
Thể thao 24h

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG