Sir Alex: Vĩ đại vì “độc đoán”

Sir Alex: Vĩ đại vì “độc đoán”
Thực tế trong bóng đá đã cho thấy bí quyết của sự thành công bền vững của các nhà cầm quân ở các giải hàng đầu thế giới là phải luôn có tinh thần cạnh tranh và cá tính đủ mạnh để đưa ra những quyết định cứng rắn, dứt khoát, đôi khi “độc đoán” nhưng hợp lý về lâu về dài.
Alex
Sir Alex Ferguson vẫn còn đầy nhiệt huyết với “Quỷ đỏ”

MU đã vô địch Premier League 2012/13 không chỉ nhờ sự sa sút của các đối thủ Man City, Chelsea đánh mất mình mà còn bởi những quyết định quan trọng trên bàn giấy (mua Van Persie), và quan trọng nhất, Sir Alex Ferguson vẫn còn đầy nhiệt huyết với “Quỷ đỏ”, dù ông đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Cuối tuần trước, khi hai đội MU và Aston Villa bước ra sân chuẩn bị bắt đầu trận đấu, BLV Martin Tyler của kênh Sky Sports đã mở đầu buổi bình luận bằng một câu nói tóm tắt một cách súc tích nhất về mùa giải của MU: “Gần 30 năm trôi qua, và Sir Alex Ferguson vẫn là HLV hăng máu nhất, trong giải đấu có sức cạnh tranh lớn nhất thế giới”.

Không sai, đó là đặc trưng trong sự nghiệp của ông già người Scotland. Sau hơn một phần tư thế kỷ, nhiệt huyết bên trong con người Sir Alex vẫn chưa giảm, và ông vẫn có tinh thần đua tranh mạnh mẽ như ngày nào mới đặt chân đến MU.

Những con người thành công nhất ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng luôn có tinh thần chiến đấu rất mạnh mẽ. Huyền thoại NBA Michael Jordan đấm đồng đội Steve Kerr chỉ vì ném trượt một cú 3-pointer trong… một buổi tập và khi gần 40 tuổi ông vẫn quay trở lại thi đấu. Hay như Eric Cantona, không chấp nhận làm thủ môn ở đội trẻ Caillolais mà quyết trở thành một cầu thủ kiến tạo. Cách đây một năm, Tiger Woods bị đau mắt cá trong lúc chạy bộ, anh quyết định nghỉ thi đấu một tuần trước khi trở lại và dự liền 2 giải golf trong vòng 7 ngày, bất chấp đã 30 năm trời thi đấu ở đủ mọi cấp độ và giành hết vinh quang của môn thể thao này.

Tinh thần đua tranh không phải là cái gì mới mẻ với chính Sir Alex Ferguson khi ông đã hơn 20 mùa giải bóng đá trôi qua ở Anh, và những trận tâm lý chiến với Kevin Keegan, Arsene Wenger, Rafa Benitez và Jose Mourinho vẫn còn để lại không ít những dấu ấn.

Cũng chính Sir Alex ghi dấu ấn với những quyết định rất quan trọng giúp MU có được những tài năng sáng giá. Sau vụ tuyển mộ Cantona là những Dwight Yorke, Van Nistelrooy, Gabriel Heinze, Paul Ince, Wayne Rooney, Cristiano Ronaldo, Nemanja Vidic, Rio Ferdinand, Van Persie… Cách tiếp cận với những cầu thủ nổi tiếng và được trả lương cao này đã được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công lâu dài của M.U. Họ đều có những đóng góp quan trọng vào thành công của đội bóng trong một thời gian dài.

Nhưng dù ngôi sao của Sir Alex có tài năng đến mấy, họ vẫn phải chấp nhận một thực tế: Không một ai lớn hơn đội bóng. Đó là kiểu quản lý “cậu nghe lời tôi, hoặc là đi” đã khiến những Gordon Strachan, Paul McGrath, Paul Ince, Jaap Stam, Dwight Yorke, Van Nistelrooy, Roy Keane phải rời Old Trafford bằng cửa hậu.

Tất cả những gì Sir Alex đã làm cho Aberdeen trong quá khứ và Manchester United trong hiện tại đều được thực hiện một cách kiên quyết. Sự quyết liệt ấy đến từ ý chí “chiến đấu đến cùng” và không bao giờ từ bỏ của “ông già gân”. Đó chính là tính cách rất cần thiết để dẫn con người ta tới thành công, không phải thành công nhất thời, mà là thành công trong một giai đoạn rất dài với một HLV bóng đá ở một CLB như MU.

Có lẽ ví dụ hùng hồn nhất để minh chứng cho sự nhiệt huyết ấy là hơn 10 năm trước, khi Sir Alex rút lại quyết định nghỉ hưu, và ông vẫn làm việc cho tới ngày hôm nay.

Nguyên nhân giúp Sir Alex thành công suy đi tính lại cũng nằm ở hai chữ “độc đoán”. Ông độc đoán trong mọi quyết định và độc đoán với chính mình để có lợi nhất cho MU. 13 chức vô địch Premier League với Sir Alex cũng giống như là chưa từng vô địch, và khát vọng trong ông không bao giờ ngừng bỏng cháy chừng nào ông còn gắn bó với ‘Quỷ đỏ”.

Theo Nguyễn Đỉnh
Khám Phá

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG