Sa thải HLV Miura - mở đầu cuộc nội chiến VFF?

Một vài lãnh đạo VFF đang bị quy trách nhiệm trong việc lựa chọn HLV Miura dẫn dắt các ĐTVN. Ảnh: VSI
Một vài lãnh đạo VFF đang bị quy trách nhiệm trong việc lựa chọn HLV Miura dẫn dắt các ĐTVN. Ảnh: VSI
TP - Quyết định sa thải nhà cầm quân người Nhật Bản được dự báo chỉ là khởi đầu cho một cuộc chiến mới trong nội bộ bóng đá Việt Nam. Lãnh đạo ngành thể thao liệu có đủ sáng suốt để đưa ra một quyết định đúng trong bối cảnh những thông tin trái chiều đang xuất hiện ngày một tăng?

Số 1, nhưng không phải duy nhất

LĐBĐVN (VFF) rốt cuộc đã phải ra quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với HLV Toshiya Miura, sau 1 thời gian dài chịu áp lực dữ dội từ phía một bộ phận CĐV và báo giới. Ông Miura có lẽ sẽ là trường hợp hiếm hoi trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi hoàn thành tất cả các chỉ tiêu do VFF đưa ra, nhưng vẫn bị sa thải. Có thể dễ dàng đưa tới kết luận này dựa vào thành tích của các đội tuyển do nhà cầm quân người Nhật Bản dẫn dắt trong thời gian 2 năm vừa qua, tương ứng với 2 năm đầu tiên của VFF nhiệm kỳ 7.

Sự ra đi của ông Miura, dù vậy dường như chưa giúp chấm dứt luồng tấn công nhằm vào VFF, thực chất chỉ tập trung vào một số ít cá nhân. Đã có những ý kiến quy kết trách nhiệm thuê HLV Toshiya Miura đối với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Chủ tịch Lê Hùng Dũng và ông Tuấn bị cho là “tự ý” lựa chọn HLV Toshiya Miura, không thông qua BCH VFF và Hội đồng HLV quốc gia. Thất bại, nếu có thể gọi như vậy, của ông Miura, được “tính” cho ông Dũng và ông Tuấn.

Ông Dũng và ông Tuấn khó né tránh trách nhiệm đối với các quyết định liên quan đến việc thuê ông Miura, thậm chí phải là những người đầu tiên cần có ý kiến đối với thành bại của HLV trưởng. Tuy nhiên, cho đến khi phương án chọn ông Miura được trình Thường trực VFF, việc tuyển chọn đã trải qua một quy trình lựa chọn rất chặt chẽ do trực tiếp Hội đồng HLV quốc gia thực hiện.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, khi thông báo tuyển chọn HLV trưởng ĐTQG phát đi, VFF đã nhận được nhiều hồ sơ của các ứng viên khác nhau. Một số khá nổi tiếng, đến từ các nền bóng đá lớn trên thế giới. Qua khâu sàng lọc bước đầu, một danh sách ứng viên xếp theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 được lập nên, dựa theo các tiêu chí VFF đặt ra. Các tiêu chí này như: phải có bằng HLV chuyên nghiệp được AFC công nhận, có kinh nghiệm dẫn dắt các CLB chuyên nghiệp, yêu cầu về lương… Theo tiết lộ của một quan chức VFF, HLV Toshiya Miura đứng số 1 trong danh sách trên.

Vì sao Hội đồng HLV quốc gia im lặng?

Không khó để giải thích việc ông Miura được đặt lên đầu danh sách. Nhà cầm quân 53 tuổi được sự giới thiệu của LĐBĐ Nhật Bản, với cam kết về kinh nghiệm và năng lực chuyên môn. Việc ký hợp đồng với HLV Miura cũng phù hợp với chiến lược hợp tác với bóng đá Nhật Bản do BCH VFF nhiệm kỳ 7 thông qua với sự nhất trí cao trước đó.

Sau khi “chấm” HLV Toshiya Miura, Hội đồng HLV quốc gia đã đề xuất phương án ký hợp đồng với nhà cầm quân Nhật Bản lên Thường trực VFF, và quyết định sau đó được thông qua. Ở giai đoạn đầu tiên, ông Miura đặc biệt gây ấn tượng khi giúp cầu thủ Việt Nam cải thiện đáng kể điểm yếu về thể lực, đưa các đội bóng từ ĐTQG tới Olympic và U23 đạt các thành tích cao hơn hẳn so với giai đoạn 4 năm trước đó. Sức ép chỉ gia tăng lên ông Miura khi nhà cầm quân người Nhật Bản ít chịu ưu tiên cho lứa cầu thủ trẻ HA.GL của Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức.

Suốt thời gian vừa qua, khi những ý kiến chỉ trích nhằm vào HLV Miura mỗi ngày 1 tăng, Hội đồng HLV quốc gia hầu như không đưa ra ý kiến nào trên tư cách bộ phận đặc trách chuyên môn cho VFF. Quyết định sa thải HLV Miura trong khi đó dường như đang tiếp tục trở thành cái cớ cho một cuộc chiến mới ở VFF.

Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn bị cho là “tự ý” lựa chọn HLV Toshiya Miura, không thông qua BCH VFF và Hội đồng HLV quốc gia. Thất bại, nếu có thể gọi như vậy, của ông Miura, được “tính” cho ông Dũng và ông Tuấn?

MỚI - NÓNG