Thủ tướng Nguyễn tấn Dũng:

Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA

Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA
TP - Ngày 4/12, với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng”, Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với các đại biểu dự Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam - Ảnh: Đức Tâm (TTXVN)

Một loạt các vấn đề được đưa ra “mổ xẻ” tại CG năm nay như: Chính sách và môi trường kinh tế vĩ mô; thực hiện kế hoạch năm 2008 và giữa kỳ của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010); thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam; cập nhật và trao đổi về tình hình đói nghèo; cải cách hành chính và chống tham nhũng; y tế và biến đổi khí hậu; hiệu quả viện trợ vốn ODA.

Luôn trân trọng từng đồng vốn ODA

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 2008 là năm Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Lạm phát, giá cả tăng cao, nhập siêu lớn đã tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thiên tai, dịch bệnh gây ra nhiều thiệt hại, khó khăn đối với sản xuất và đời sống nhân dân.

Trước tình hình này, Việt Nam đã chủ động đề ra và thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý bền vững; trong đó, kiềm chế lạm phát là mục tiêu hàng đầu.

Theo Thủ tướng, nhờ thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ nên lạm phát đã được kiềm chế, xuất khẩu 11 tháng tăng hơn 34%; nhập siêu giảm mạnh.

Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài tăng cao, vốn FDI đăng ký đạt trên 60 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 10 tỷ USD. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%; thu ngân sách vượt 23,5% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%.

Thủ tướng cho rằng, để đạt được những thành tựu toàn diện kể trên, là nhờ sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, trong đó nguồn ODA có vai trò hết sức quan trọng.

Trong 15 năm qua, kể từ năm 1993 đến nay, thông qua nguồn ODA, các nhà tài trợ đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, kể cả những lúc nhà tài trợ gặp khó khăn.

“Nhằm hướng vào mục tiêu hỗ trợ công cuộc phát triển Việt Nam, mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu và tiếp tục nhận được nguồn tài trợ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ.

Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn ODA” - Thủ tướng khẳng định.

Việt Nam trân trọng từng đồng vốn ODA ảnh 2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008 - Ảnh: Phong Cầm

Mức cam kết ODA sẽ cao hơn năm 2008?

Ông James W. Adams - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) bày tỏ sự hài lòng về các giải pháp của Chính phủ Việt Nam về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đưa lại hiệu quả.

Tuy nhiên, ông cho rằng tình hình kinh tế thế giới sẽ còn có những thách thức lớn, tác động trực tiếp đến Việt Nam cũng như các nước trong thời gian tới. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần có sự hỗ trợ cần thiết để giúp người nghèo vượt qua khó khăn.

Ông Adams đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc vượt qua thách thức để đạt được các thành công và thay mặt cộng đồng tài trợ cam kết sẵn sàng hỗ trợ vì sự phát triển của Việt Nam.

Ông Martin Rama - Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay, Việt Nam cần phải chú trọng vào việc quản lý nguồn vốn đầu tư của các tập đoàn Nhà nước.

WB sẽ đối thoại với Chính phủ Việt Nam để bàn việc đưa ra các quy định xem xét quản lý hoạt động đầu tư, sử dụng vốn của khối doanh nghiệp này. Theo dự kiến, WB sẽ vẫn giữ mức hỗ trợ ODA cho Việt Nam trung bình mỗi năm khoảng 1 tỷ USD.

Trong năm 2008, Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không lãi suất của WB do ngân hàng này đánh giá cao việc sử dụng và tốc độ giải ngân cũng như khả năng trả nợ của Việt Nam.

WB cũng đồng ý cấp khoản tín dụng 1,5 tỷ USD lãi suất thấp trong vòng 3 năm theo các điều kiện của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. “Việt Nam là quốc gia đang phát triển.

Chính vì vậy, chúng tôi cam kết tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong hoạt động này. Năm nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không có lãi của WB.

Điều này có nghĩa là WB đánh giá cao khả năng trả nợ của Việt Nam. Ngoài ra, WB cũng đồng ý cấp khoản tín dụng 1,5 tỷ USD lãi suất thấp trong vòng 3 năm theo các điều kiện của Ngân hàng tái thiết và phát triển” - Ông Martin Rama khẳng định.

Ông Pekka Hyvonen - Đại sứ Phần Lan cho biết, năm 2008, Phần Lan cam kết viện trợ 20 triệu euro cho Việt Nam và trên cơ sở đánh giá các kết quả đạt được, con số viện trợ sẽ vẫn xấp xỉ như vậy trong năm 2009. “Chúng tôi đang có những dự án hợp tác lớn với Việt Nam.

Thậm chí là có những dự án hợp tác lâu dài. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ. Chúng tôi và Việt Nam sẽ thảo luận để xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng. Việt Nam và Phần Lan cũng đang đàm phán một số Hiệp định mới vào năm 2009” - Ông Pekka Hyvonen nói.

Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, CG là một kênh quan trọng để thúc đẩy đầu tư phát triển. Tại hội nghị CG năm ngoái, các nhà tài trợ đã cam kết ủng hộ Việt Nam hơn 5,4 tỷ USD cho chương trình giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.

Trong năm 2009, với việc Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết nhiều hợp đồng ODA lớn với Ngân hàng Phát triển châu Á và cam kết hỗ trợ  từ WB và các nhà tài trợ, tin rằng, nguồn ODA Việt Nam nhận được trong năm 2009 sẽ ở mức cao.

MỚI - NÓNG